Hoàng cung triều Nguyễn đón Tết Nguyên đán như thế nào?

Google News

Hoàng cung triều Nguyễn khi xưa, cũng chờ đón Tết cổ truyền chẳng kém với muôn dân. Có điều mỗi tầng lớp lại có cách chuẩn bị và đón tết khác nhau.

Hoàng cung Triều Nguyễn mở đầu việc đón năm mới bằng lễ Ban sóc (班 朔) diễn ra vào ngày 1 tháng 12 tại lầu Ngọ Môn. Ban sóc có nghĩa là cơ quan Khâm Thiên Giám làm lịch cho năm sau xong, phân phát lịch của nhà vua cho bá quan và các Hoàng thân, Quốc thích. Những người được ban lịch mặc lễ phục quay đầu về phía ngai vàng đặt trong điện Thái Hòa lạy 5 lạy để tạ ơn vua.
Sau lễ Ban sóc là lễ Phất thức (拭 拂). Phất là quét dọn, thức là lau chùi. Tức là lễ lau chùi các ấn ngọc ấn vàng, kim sách ngân sách. Lễ này cử hành tại điện Cần Chánh - nơi tàng trữ những tráp đựng của báu của quốc gia. Lau chùi xong căn cứ vào biên bản của năm trước kiểm kê lại toàn bộ báu vật trước khi bỏ vào tráp khóa chặt.
Sau lễ Phất thức, trong vai trò của vị thiên tử, các vua triều Nguyễn cũng bắt đầu cho định thời gian nghỉ ngơi, thư giãn dịp Tết. Dưới triều vua Minh Mạng, vào ngày “Phong ấn” tức là khoảng từ ngày 25 tháng chạp, vua quan sẽ được nghỉ việc để chuẩn bị ăn tết; đợi đến ngày “Khai ấn” tức ngày mồng 7 tết sẽ đi làm trở lại. Còn vua Tự Đức lại cho nghỉ Tết Nguyên đán từ 28 tháng chạp đến ngày 8 tháng giêng mới làm việc. Lấy điều này làm lệ lâu dài. Như vậy, các vua quan sẽ được nghỉ tết trong khoảng 10 ngày.
 
Và để chuẩn bị cho quãng thời gian vui tết. Trong Hoàng cung, đặc biệt là trong 3 ngày tết, triều Nguyễn đã hạ lệnh cho trang trí cầu kỳ các cung điện. Khắp nơi, từ cửa Ngọ Môn cho đến điện Thái Hòa, điện Cần Chánh và một số nơi ở của Hoàng gia trong Tử Cấm Thành được treo các loại cờ, hoa, lồng đèn, câu đối tết… Những ngày giáp tết không khí trong Hoàng cung thật rộn ràng, vui vẻ.
Đến ngày lễ lớn, tức vào ngày 30 tết, triều đình sẽ tổ chức làm lễ “tuế trừ” (nếu như năm đó gặp tháng thiếu thì sẽ tổ chức vào ngày 29 tháng chạp). Mộc bản sách Đại Nam thực lục đệ nhị kỷ, quyển 53, mặt khắc 21 có chép: “Trước đó, Tôn Nhân phủ hội bàn với bộ Lễ dâng sớ xin cho hoàng tử, hoàng thân được sung kiêm việc tế. Đến ngày làm lễ, trống canh năm, sau khi bắn súng, Hữu ty bày đặt cỗ bàn, vàng bạc, hương đèn, các hạng lễ phẩm ở các miếu đều đủ cả, biền binh thì bày hàng lỗ bộ, nghi trượng, nhã nhạc ở hai bên tả hữu trước sân miếu, hoàng tử, hoàng thân đều mặc áo thêu con mãng xà, chia đến các miếu đứng chờ làm lễ “tuế trừ” (tế một tuần rượu và không có văn khấn)”. Ý nghĩa của lễ này là đem bỏ hết đi những điều xấu của năm cũ sắp qua, để đón những điều tốt đẹp của năm mới sắp đến. Và cũng trong ngày này, vua hạ lệnh cho Khâm Thiên Giám chọn giờ lành để bộ Lễ làm lễ dựng nêu. Cây nêu ở Kinh thành được dựng lên thì các dinh thự, chùa chiền mới được dựng lên theo. Đến năm 1876, vua Tự Đức quy định lại cứ tới giờ Thìn ngày 30 tết (tức khoảng 8 giờ đến 10 giờ sáng) Kinh thành trồng nêu, không phải cứ chờ đến giờ lành như trước đó nữa.
Sang ngày mồng 1 tết, lễ Nguyên đán sẽ được cử hành trọng thể. Hôm ấy, quân lính mang khí giới, tàn quạt, cờ lọng, voi ngựa trang sức rực rỡ cùng các loại xe nhà vua thường dùng xếp hàng từ trước sân điện Thái Hòa ra đến cửa Ngọ Môn. Vua mặc đại triều, từ điện Cần Chánh ra điện Thái Hòa rồi ngự lên ngai vàng để cho bá quan và hoàng thân quốc thích lạy mừng. Trong lúc vua ngự trên lầu Ngọ Môn chuông rung, trống đánh liên hồi hết sức uy nghiêm. Ngoài ra, vua sẽ ban yến cho hoàng tử, các vương công, cho đến quan văn Ngũ phẩm, quan võ Tứ phẩm. Nhân đó, quan thừa chế lĩnh chỉ vua mà tuyên rằng: “Tết mừng đầu năm, với các khanh cùng vui, ban yến thưởng theo thứ bậc”. Đọc xong, các hoàng tử, hoàng thân và trăm quan đều làm lễ tạ ơn. Cũng trong ngày chính đán, các vua triều Nguyễn sẽ ban ân chiếu rộng rãi cho khắp trong ngoài. Vua Minh Mạng cũng có chiếu rằng: “Trẫm nghĩ bậc vương giả tỏ mừng, tất từ đầu xuân ra lệnh, hoàng trù ở giữa thường ban phúc lớn cho dân. Theo đạo trời cốt để nuôi người; gia đức trạch cho cùng vui vẻ. Vậy ban bố khắp nơi 14 điều ân điển để tỏ ý giáng phúc cho chúng dân”.
Còn vua Tự Đức thì vào ngày đầu xuân, vua mặc áo cát phục, thân đến chầu cung hoàng mẫu làm lễ chúc mừng, kính dâng vàng (100 lạng), bạc (1.000 lạng) biểu tâu làm lễ người nhà.
Đến ngày mồng 2 tết, với quan điểm “đầu năm đón phúc, tiết xuân ban lộc, đó là lễ thường” vua Minh Mạng tiếp tục ban yến cho các quan văn Chánh lục phẩm và quan võ Chánh ngũ phẩm. Phàm các quan được dự yến, người đang thự hàm thì theo phẩm thăng thự; còn người bị giáng chức, cách chức được lưu tại chức thì theo phẩm được trước để thưởng cho. Còn vua Kiến Phúc mặc áo cát phục ngự ở điện Văn Minh, hoàng thân, vương công, các quan văn võ cũng đều mặc áo thịnh phục rảo lạy.
Ngày mồng 3 tết, vua Gia Long sẽ đến nhà Thái miếu để làm lễ. Ở miếu Triệu tổ và miếu Hoàng khảo thì sai các quan khác lễ thay. Còn vua Minh Mạng ngự ở điện Văn Minh, triệu hoàng thân và văn võ đại thần cho ngồi, ban nước chè uống, bình thơ vua làm, trong đó có bài “Ngày Tết Nguyên đán khai bút”, có câu:
“… Canh diệt tứ thời nhưng phục thuỷ,
Ưu cần nhất niệm hựu tòng đầu…”.
(Bốn mùa thay đổi quay vòng mới,
Một dạ chăm lo lại bắt đầu).
Ngoài ra, trong 3 ba đêm chính của Tết Nguyên đán (mồng 1, mồng 2 và mồng 3) các vua triều Nguyễn còn ra lệnh ở các cửa Tả Túc, Hữu Túc của Cung thành, các cửa Tả đoan, Hữu đoan của Hoàng thành, các cửa Thể nguyên, Quảng Đức, Chính Nam, Chính Đông, Chính Tây, Chính Bắc, Đông Nam, Tây Nam, Đông Bắc, Tây Bắc của Kinh thành và thủy quan cầu Thanh Long, đều phải mở rộng để tỏ rằng vệ Kim ngô không cấm. Ngoài ra, trong ba đêm tiết Nguyên đán, ở ngoài cửa Hữu Túc mỗi khắc phóng 10 phát ống lệnh, mỗi phát 5 đồng 5 phân thuốc nổ.
Sau ngày mồng 3 tết, nhiều nghi thức, lễ hội lần lượt diễn ra. Mồng 4 tết lễ Triều minh được cử hành. Ngày mồng 5, lễ cúng ông “Mang thần” đứng bên cạnh con trâu hay còn gọi lễ tiến trâu mùa xuân. Ngày mồng 7, lễ Khai hạ tức là lễ hạ nêu được thực hiện. Trong dịp đầu năm, lễ Tịch điền cũng được tổ chức. Vua đích thân cày ruộng để làm gương cho dân chúng. Và từ đời vua Đồng Khánh trở đi, các vua Nguyễn thường tổ chức du xuân để thưởng thức cảnh năm mới và xem dân chúng vui tết.
Có thể thấy, tết trong cung triều Nguyễn mang dáng vẻ của sự quý phái, tôn nghiêm và quyền lực. Các vua Nguyễn ăn Tết Nguyên đán không mang nặng về hưởng thụ vật chất mà luôn hướng tới lễ nghi và truyền thống văn hóa. Đó là nét đẹp trong phong tục ngày tết cổ truyền của dân tộc Việt Nam.

Theo Lâm đồng online