Trong cuộc chiến chống thực dân Pháp của quân và dân ta, Điện Biên Phủ được xem là một pháo đài bất khả xâm phạm, một tập đoàn cứ điểm mạnh nhất của thực dân Pháp lúc bấy giờ ở Đông Dương.
Để đánh phá được cứ điểm này, Trung ương Đảng và Quân ủy đã xác định vấn đề hậu cần là một trong những khó khăn lớn nhất của chiến dịch. Chính vì thế, Thanh Hóa được xem là hậu phương lớn cho sự toàn thắng của chiến dịch.
|
Chiếc xe đạp đã chở được 345,5 kg của "nhà vô địch xe thồ hàng" Trịnh Ngọc hiện đang trưng bày tại Bảo tàng tỉnh Thanh Hóa |
Để phục vụ cho chiến dịch, tháng 8-1953, đoàn xe thồ hỏa tuyến Thanh Hóa lên đường đi phục vụ chiến dịch Điện Biên Phủ. Đoàn xe đạp thồ bắt đầu hành quân từ Ngã Ba Voi (TP Thanh Hóa ngày nay), đến tập kết tại Hồi Xuân (huyện Quan Hóa).
Từ Hồi Xuân, đoàn xe thồ đi qua các địa danh suối Rút (Hòa Bình); Mộc Châu, Yên Châu (Sơn La), vượt đèo Pha Đin đến ngã ba Tuần Giáo. Trên chặng đường vận chuyển từ trạm H1 (Tuần Giáo) đến Điện Biên Phủ dài gần 80 km, đoàn xe đạp thồ Thanh Hóa được bố trí tới 3.000 xe.
|
Các hiện vật đi cùng chiếc xe trong suốt hành trình
|
Thi đua cùng các chiến sĩ ngoài mặt trận, phong trào "thồ nhiều, đi nhanh" ngày càng lan rộng, cổ vũ mọi người phấn đấu tăng trọng lượng thồ hàng. Từ 150 đến 200 kg/chuyến xe tăng lên 300 kg và nhiều hơn nữa.
Đáng khâm phục là "kiện tướng xe thồ" Cao Văn Tỵ, luôn chở tới 315 kg; Bùi Tín, người 2 lần vinh dự được tặng thưởng Huy hiệu Bác Hồ và Huân chương Chiến công hạng Ba, đạt năng suất chở 320 kg trong suốt chiến dịch Điện Biên Phủ.
|
Ông Trịnh Đình Dương, Giám đốc Bảo tàng tỉnh Thanh Hóa, cho biết dù đã trải qua 70 năm, thế nhưng chiếc xe đạp thồ vẫn được bảo quản cẩn thận |
Đặc biệt là "nhà vô địch xe thồ hàng" Trịnh Ngọc với kỷ lục vận chuyển 345,5 kg/chuyến băng rừng, vượt suối tới Điện Biên Phủ.
Cùng với đó, để đảm bảo hậu cần cho chiến dịch Điện Biên Phủ, Thanh Hóa đã huy động tới 182.124 dân công gánh bộ và 11.000 dân công xe đạp thồ chuyển tiếp.
|
Chiếc xe cút kít của ông Trịnh Đình Bầm (ở xã Định Liên, huyện Yên Định, tỉnh Thanh Hóa) chế tạo có thể chở 280 kg/chuyến phục vụ Chiến dịch Điện Biên Phủ
|
Toàn chiến dịch, tỉnh Thanh Hóa đã có trên 1 triệu lượt người, bằng nửa số dân của tỉnh lúc bấy giờ, với 27 triệu ngày công tham gia phục vụ chiến dịch.
Với sự đóng góp to lớn của quân và dân Thanh Hóa, trong dịp về thăm Thanh Hóa lần thứ 2 vào năm 1957, Chủ tịch Hồ Chí Minh khen ngợi: "Bây giờ tiếng Việt Nam đến đâu, tiếng Điện Biên Phủ đến đó; tiếng Điện Biên Phủ đến đâu, đồng bào Thanh Hóa cũng có một phần vinh dự đến đó".
Theo Tuấn Minh / Người Lao Động