Đặc biệt, khi đất nước bị thực dân Pháp xâm lược, ông là một trong những người theo phái chủ chiến, quyết kháng chiến đến cùng, không đội trời chung với quân xâm lược.
Lận đận chuyện học hành, thi cử
Văn Đức Giai (còn có tên khác là Văn Đức Khuê) sinh năm Đinh Mão (1807) tại xã Phù Hậu, huyện Quỳnh Lưu, tỉnh Nghệ An, nay là xã Quỳnh Đôi, huyện Quỳnh Lưu, Nghệ An. Khi còn nhỏ Văn Đức Giai được cha dạy dỗ và khi cha từ chức tri huyện về quê luyện tập văn bài thì Văn Đức Giai được cha kèm cặp nhiều hơn.
Năm Quý Mùi (1823) cha qua đời, Văn Đức Giai đã học gần hết Tứ thư, Ngũ kinh. Mất cha, là con trai độc nhất trong gia đình Văn Đức Giai phải tìm nơi dạy học để kiếm tiền nuôi mẹ. Bà mẹ thấy con sáng dạ có chí, bà gửi con đến học thầy Hồ Đức Cảnh rồi Dương Doãn Nguyên và còn ngao du với cả Hồ Sĩ Đề, Phạm Đình Trọng, Hồ Sĩ Lâm, Phan Hữu Tĩnh... những người thông minh đỗ đạt có tiếng hay chữ lúc bấy giờ ở Quỳnh Đôi, xấp xỉ ngang tuổi với cha mình. Nhờ tinh thần hiếu học và khổ học ấy mà "nghĩa lý nhiều chỗ phát minh, văn minh tỏ ra tài giỏi" và năm Mậu Thân (1828), Văn Đức Giai đi thi hương đỗ tú tài.
Đỗ tú tài rồi, Văn Đức Giai được nhiều người đón nhận hơn và ông đã từng ngồi dạy học ở Yên Thành, Thanh Chương, Anh Sơn, ra cả Thanh Hóa... để vừa kiếm tiền nuôi sống bản thân và nuôi mẹ vừa dùi mài kinh sử. Lận đận vất vả mãi đến năm 1843, tức 15 năm sau khi đỗ tú tài, Văn Đức Giai mới đỗ cử nhân. Ngay năm sau, ông đỗ Đệ tam giáp đồng tiến sĩ xuất thân khoa Giáp Thìn niên hiệu Thiệu Trị 4 (1844).
|
Ảnh thờ Văn Đức Giai. |
50 tuổi mới ra làm quan
Văn Đức Giai thi đậu tiến sĩ năm 38 tuổi, so với nho sinh thời phong kiến không phải là sớm. Nhưng rồi vì hoàn cảnh mẹ già đau yếu ông đã không ra làm quan như các bạn đồng khoa, mà xin được ở lại nhà dạy học, làm thuốc phụng dưỡng mẹ già liền trong 10 năm. Khi mẹ mất lại cư tang mẹ 3 năm, lúc tuổi đã 50 ông mới xuất chính. Trong thời gian ở nhà, ông chăm lo chấn hưng việc học, giáo dục thuần phong mỹ tục, xây dựng hương khuyến sinh sản xuất nông nghiệp.
Năm Bính Thìn (1856), Văn Đức Giai nhận chức đốc học 4 tỉnh Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên, chỉ một thời gian ngắn ông lại về triều giữ chức Ngự sử. Cả hai chức vụ đó dưới thời phong kiến đều đòi hỏi không chỉ có tài thực học mà còn cả đạo cao, đức trọng, được trò phục, đồng liêu trân trọng và vua yêu.
Tình thế Việt Nam vào những năm đầu của thập kỷ 1860 có thể tóm tắt qua lời mở đầu bài chế sách của vua Tự Đức, ra đề thi Hội khoa Nhâm Tuất (1862): "Hỡi ôi, ta là kẻ thơ ấu, tạm giữ ngôi báu, phạm nhiều sai lầm... Nam Kỳ thì giặc Tây lấn cướp, Bắc Kỳ thì bọn phỉ lăng loàn... Trong không thể sửa sang, ngoài không thể đánh dẹp... Khốn nỗi tài thực chưa thấy, chước hay chưa nghe, như qua sông to chưa kiếm được người chèo lái...".
(còn nữa)
Tất Đạt