Vào ngày 31/10 vừa qua, tại thành phố Paris (Pháp), nhà đấu giá Millon đã tổ chức phiên đấu giá 329 cổ vật Việt Nam, gồm tranh, tượng, gốm sứ… trong đó có nhiều cổ vật của triều Nguyễn (1802 - 1945). Trong số các món đồ cổ thuộc vương triều phong kiến cuối cùng của Việt Nam được đấu giá thành công, có hai hiện vật thu hút sự chú ý đặc biệt từ giới sưu tầm đổ cổ vì được làm từ vàng ròng.
Hiện vật đầu tiên là chiếc chiếc bát vàng có chữ Khải Định niên tạo (啟定年造) được chế tác dưới triều vua Khải Định (1916 - 1925). Trong phiên đấu giá, chiếc bát đã được mua lại với giá 680.000 Euro, cao gấp 30 lần so với giá khởi điểm, cao nhất trong các hiện vật được đấu giá cùng đợt.
Hiện vật bằng vàng còn lại là một kim bài thời vua Duy Tân (1907-1916), có giá khởi điểm từ 6.000-8.000 Euro. Hiện vật này đã được bán với giá cuối cùng là 70.000 Euro (khoảng 1,75 tỷ đồng).
|
Kim bài "Duy Tân ân tặng", ảnh do nhà đấu giá Millon cung cấp. |
Theo hồ sơ của nhà đấu giá, chiếc kim bài này hình chữ nhật, cao 8,6 cm, rộng 4,3 cm, trọng lượng 37,5g, hai mặt có trang trí chạm nổi và đục chạm 5 con rồng, cá chép đang uốn mình sóng và các diềm hình học đóng khung khắc chữ Hán Việt trong hộp hình chữ nhật "Duy Tân ân tặng" (維新恩贈) và " Toàn quyền phủ quản lý " (全權府管理).
Kim bài này nằm trong bộ sưu tập của ông Paul Simoni (1863-1931), người từng làm Thủ hiến Bắc Kỳ và là ông cố của chủ sở hữu hiện tại. Trong sự nghiệp chính trị của mình, ông Paul Simoni đến Bắc Kỳ năm 1889 và làm Thủ hiến tại Bắc Kỳ, Hà Nội (1895) và Hải Phòng (1895).
Huân chương được trao tặng ở đây là một trong số rất nhiều huân chương mà Paul Simoni đã nhận được trong sự nghiệp hơn 25 năm của ông trong chính quyền Pháp ở Đông Dương.
Được biết, kim bài là loại huy chương hình chữ nhật làm bằng vàng, được triều đình nhà Nguyễn ban phát nhằm ghi nhận cộng trạng hoặc đẳng cấp của người đeo. Kim bài ban đầu chỉ được trao cho các thành viên của Hoàng gia cũng như các quan lại của triều đình An Nam, sau này được trao cho cả các quan chức Pháp kể từ khi chính quyền bảo hộ của Pháp được thành lập.
Nhà nghiên cứu Trần Đức Anh Sơn đánh giá, việc kim bài “Duy Tân ân tặng” được bán với giá 70.000 Euro là điều “nằm ngoài sức tưởng tượng”. Ông Sơn cho rằng kim bài này là hiện vật “kém mỹ thuật và kém giá trị nhất” trong số các kim bài mà ông từng khảo cứu trước đây. Theo đó, kim bài mang niên hiệu của các đời vua Thiệu Trị, Tự Đức, Khải Định, Bảo Đại… được làm bằng vàng, có nạm kim cương hoặc hồng ngọc, tinh xảo hơn, nhưng khi mang ra đấu giá, thì giá bán thấp hơn rất nhiều.
Nhà nghiên cứu này đưa ra dẫn chứng: Chiếc kim bài khắc 4 chữ Hán Đại bang duy bình (大邦維屏) của vua Khải Định được nạm 10 hồng ngọc, viền hoa văn “lưỡng long”, thuộc sưu tập của một người Italia tên Antonio Benedetto Spada, đã được một hãng đấu giá ở Pháp định giá 5.000 Euro vào năm 2009; hay kim bài khắc 3 chữ Hán An Tĩnh công (安靜公) được bán đấu giá trên trang eBay với giá 1.919 Euro vào năm 2013.
Theo ông Trần Đức Anh Sơn, việc cổ vật Việt Nam “lên giá” trong các phiên đấu giá cổ vật ở nước ngoài vừa là tín hiệu vui, vì văn hóa Việt Nam ngày càng được giới sưu tầm đánh giá cao và ưa chuộng, vừa là tín hiệu buồn, bởi giá cao quá thì con đường hồi hương của chúng sẽ ngày càng nằm ngoài tầm tay.
Thanh Bình