Ghi chép 30.000 trang “tuyệt mật” về vũ khí
GS.VS Trần Đại Nghĩa tên khai sinh là Phạm Quang Lễ, sinh ngày 13/9/1913 trong một gia đình nhà giáo nghèo tại xã Chánh Hiệp (nay là xã Hòa Hiệp), huyện Tam Bình, tỉnh Vĩnh Long.
|
Giáo sư, viện sĩ Trần Đại Nghĩa. Ảnh: Vast.ac. |
Cha ông là Phạm Văn Mùi, một nhà nho uyên thâm, một nhà giáo giàu lòng nhân ái, thương yêu học sinh, tận tụy với công việc.
Năm ông lên 7 tuổi thì cha qua đời. Lúc đó, hoàn cảnh gia đình rất khó khăn. Tuy nhiên, với tư chất thông minh và sự chăm chỉ, chịu khó, cậu bé Phạm Quang Lễ luôn luôn đạt kết quả học tập xuất sắc toàn diện, nhất là toán và các môn tự nhiên.
Năm 1926, Phạm Quang Lễ thi đỗ hạng ưu vào trường Trung học đệ nhất cấp Mỹ Tho, được nhận học bổng trong 4 năm học (1926 - 1930). Năm 1930, Phạm Quang Lễ thi đỗ vào Trường Petrus Ký (nay là Trường chuyên Lê Hồng Phong, TP HCM) và được học bổng 3 năm liền.
Năm 20 tuổi (1933), Phạm Quang Lễ đã trở thành thủ khoa cả tú tài bản xứ và tú tài Tây, nhưng ông quyết định không ra Hà Nội để học tiếp mà đi làm ở Tòa sứ Mỹ Tho, hy vọng sẽ du học để thực hiện hoài bão còn đang ấp ủ. Tháng 9/1935, Phạm Quang Lễ sang Pháp du học khi tròn 22 tuổi.
Chỉ sau 9 tháng học dự bị, Phạm Quang Lễ thi đậu xuất sắc vào Trường Đại học Cầu đường Paris và được học bổng toàn phần của Chính phủ Pháp. Cùng thời gian đó, ông còn học thêm ở Trường Cao đẳng Kỹ thuật Paris và Trường Đại học Sorbonne.
Ngoài thời gian đi nghe giảng ở các lớp, Phạm Quang Lễ tham gia tất cả các giờ thực nghiệm, các hoạt động điền dã của trường, các dịp thực tập ở xí nghiệp, nhà máy... Toàn bộ thời gian còn lại ông dành để đi thư viện tìm đọc sách, nghiên cứu tài liệu về thiết kế, chế tạo vũ khí, ngay cả ở Pháp, tài liệu về lĩnh vực này cũng rất hiếm. Vì vậy, ông tự học tiếng Đức để có thể đọc tài liệu, tìm hiểu thêm về vũ khí của Đức - nước có nền công nghiệp KH&KT quân sự phát triển nhất thời đó.
Sau này, ông tiếp tục tự học và thông thạo thêm 3 ngoại ngữ khác là tiếng Anh, tiếng Nga và tiếng Trung Quốc. Với sự thông minh bẩm sinh và niềm say mê khoa học, Phạm Quang Lễ đều đạt kết quả xuất sắc các môn học.
Năm 1940, sinh viên Phạm Quang Lễ đã nhận gần như cùng một lúc ba bằng: Kỹ sư cầu đường, Kỹ sư điện và Cử nhân Toán. Sau đó, ông còn học tiếp và nhận thêm ba bằng kỹ sư khác: Hàng không, Mỏ - Địa chất và Chế tạo máy.
Ông đã làm việc tại Hãng điện khí Thomson, Viện Nghiên cứu chế tạo máy bay và vũ khí của Pháp năm 1939, làm kĩ sư trưởng Nhà máy nghiên cứu chế tạo máy bay hãng Nord Aviation (Pháp, 1944). Ông bắt đầu tham gia Hội Việt Nam ái hữu.
Suốt 11 năm bền bỉ, âm thầm nghiên cứu, thông qua các mối quan hệ trong quá trình làm việc ở các nơi như Viện Nghiên cứu vũ khí, xưởng chế tạo vũ khí, máy bay... ở Pháp và ở Đức, ông tìm kiếm các bí mật quân sự, các bản thiết kế vũ khí. Kết quả của sự lao động miệt mài đó là hơn 30.000 trang tài liệu ghi chép về chế tạo vũ khí, hầu hết là “tuyệt mật”.
Được Bác Hồ đặt tên theo họ danh tướng Trần Hưng Đạo
Tháng 9/1946, được Hội Việt kiều giới thiệu và tiến cử, ông được gặp Chủ tịch Hồ Chí Minh. Ông đề đạt nguyện vọng muốn được theo Người về nước để thực hiện ước mơ ấp ủ, biến những kiến thức mà ông đã tích lũy được trong 11 năm thành hiện thực để phục vụ sự nghiệp cứu nước. Và ông đã trở thành người đầu tiên được Bác Hồ lựa chọn về nước cùng Người vào mùa thu năm 1946.
|
Chủ tịch Hồ Chí Minh và kỹ sư Trần Đại Nghĩa (phải). Ảnh tư liệu. |
Tài sản, của ông tích hơn 10 năm ở nước ngoài khi trở về Tổ quốc là “một tấn” sách và tài liệu được đóng hòm, dán nhãn “ngoại giao” .
Tháng 12/1946, ông được Chủ tịch Hồ Chí Minh giao cho trọng trách: Cục trưởng Cục Quân giới - Bộ Quốc phòng (nay là Tổng cục Công nghiệp Quốc phòng Việt Nam) kiêm Giám đốc Nha nghiên cứu Quân giới - Bộ Tổng Tư lệnh Quân đội (nay là Viện KH&CN Quân sự).
Cũng từ đây, cái tên Trần Đại Nghĩa được Chủ tịch Hồ Chí Minh khai sinh. Người nói: “Kháng chiến toàn quốc sắp tới nơi, Bác giao chú nhiệm vụ Cục trưởng Cục Quân giới. Chú lo vũ khí cho bộ đội. Đây là việc đại nghĩa, vì thế Bác đặt tên chú là Trần Đại Nghĩa. Đây là bí danh từ nay trở đi của chú, để giữ bí mật và cũng là giữ an toàn cho bà con thân thuộc của chú ở trong miền Nam. Bác tin chắc chú sẽ làm tròn nhiệm vụ”.
Người giải thích ý nghĩa của việc đặt tên: “Một là, họ Trần là họ của danh tướng Trần Hưng Đạo. Hai là, Đại Nghĩa là nghĩa lớn để chú nhớ đến nhiệm vụ của mình với nhân dân, với đất nước. Đại Nghĩa còn là chữ của Nguyễn Trãi trong Bình Ngô đại cáo” .
Vũ khí “made by Tran Dai Nghia” khiến kẻ thù khiếp vía
Với những cải tiến, sáng chế được tạo bởi Trần Đại Nghĩa, vũ khí của Việt Nam đã có sức công phá lớn, trở thành nỗi khiếp sợ của quân thù.
Các loại súng lớn, súng phóng bom, các loại mìn nổ chậm… với thương hiệu “made in Vietnam”, “made by Tran Dai Nghia” đã khiến kẻ thù sửng sốt, bất ngờ, kinh hoàng, giới vũ trang, quân sự quốc tế vô cùng ngạc nhiên, thán phục. Càng trong gian khó, tài năng về chế tạo vũ khí của Trần Đại Nghĩa càng tỏa sáng.
|
Súng bazoka 40 mm do Quân giới Việt Nam sản xuất năm 1947 trang bị cho bộ đội chiến đấu trong Chiến dịch Việt Bắc. Ảnh: VinhlongOnline. |
Với những đóng góp to lớn của ông cho ngành quân giới nước nhà, Đại tướng Võ Nguyên Giáp tặng ông danh hiệu “Ông Phật làm súng”.
Ngày 20/11/1948, ông được phong quân hàm Thiếu tướng trong đợt đầu tiên, khi ấy ông 35 tuổi. Năm 1952, tại Đại hội Anh hùng và Chiến sỹ thi đua toàn quốc lần thứ nhất, ông là đại biểu trí thức được phong danh hiệu Anh hùng lao động đợt đầu tiên của Việt Nam. Cũng trong năm này, ông được bầu là Viện sỹ Viện Hàn lâm khoa học Liên Xô - danh vị cao nhất của những người làm công tác khoa học.
Ngày 30/4/1975, ngày giải phóng hoàn toàn miền Nam, trong nhật kí của mình, GS. Trần Đại Nghĩa viết: “Nhiệm vụ của Bác giao cho tôi và tập thể các nhà khoa học Việt Nam là tham gia về mặt vũ khí và khoa học quân sự trong hai cuộc kháng chiến đã được hoàn thành. Từ nay đến hàng nghìn năm sau chúng tôi xin bàn giao lại nhiệm vụ bảo vệ Tổ Quốc cho thế hệ ngày nay và thế hệ mai sau”.
Năm 1996, GS.VS Trần Đại Nghĩa đã vinh dự được nhận Giải thưởng Hồ Chí Minh đợt I về Cụm công trình nghiên cứu và chỉ đạo kỹ thuật chế tạo (Bazoca, súng không giật SKZ, đạn bay) trong thời kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp (1945-1954). Ông còn được trao tặng Huân chương Hồ Chí Minh, Huân chương Quân công hạng nhất...
Dành toàn bộ tâm huyết xây dựng, phát triển Liên hiệp Hội Việt Nam
Trong suốt cuộc đời cống hiến cho khoa học, GS.VS Trần Đại Nghĩa luôn được Chủ tịch Hồ Chí Minh và Đảng đặc biệt tin tưởng, giao nhiều chức vụ quan trọng.
Trong quân đội ông từng giữ các chức vụ: Cục trưởng Cục Quân giới, Cục trưởng Cục Pháo binh, Phó Chủ nhiệm Tổng cục Hậu cần, Phó Chủ nhiệm Tổng cục Kỹ thuật.
Khi chuyển sang lĩnh vực dân sự, ông giữ các chức vụ: Thứ trưởng Bộ Công thương, Thứ trưởng Bộ Công nghiệp nặng, Chủ nhiệm Ủy ban Kiến thiết cơ bản Nhà nước, Chủ nhiệm Ủy ban KH&KT Nhà nước, Viện trưởng Viện Khoa học Việt Nam, Hiệu trưởng đầu tiên Trường Đại học Bách khoa Hà Nội.
|
Hội thảo: “Giáo sư, Viện sĩ Trần Đại Nghĩa - Cuộc đời và sự nghiệp” do Liên hiệp Hội Việt Nam tổ chức nhằm tưởng nhớ, tri ân công lao của ông. |
Và đặc biệt, với tài năng và đức độ hiếm thấy của ông, Đảng và Nhà nước đã tiếp tục giao cho GS.VS Trần Đại Nghĩa nhiệm vụ quan trọng, đó là tạo dựng và phát triển ngôi nhà chung tập hợp đội ngũ trí thức, nhà khoa học của Việt Nam.
Đại hội lần thứ nhất của Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam (Liên hiệp Hội Việt Nam) vào ngày 26/03/1983 đã bầu GS.VS Trần Đại Nghĩa làm Chủ tịch. Ông trở thành vị Chủ tịch đầu tiên của Liên hiệp Hội Việt Nam, tổ chức với vai trò tập hợp, phát huy sức sáng tạo và cống hiến của đội ngũ các nhà khoa học, trí thức KH&CN Việt Nam góp phần phát triển khoa học, xây dựng đất nước.
Từ những ngày đầu gian khó, Liên hiệp Hội Việt Nam chỉ có 15 thành viên, không quản ngại khó khăn, vất vả, GS.VS Trần Đại Nghĩa đã dành toàn bộ tâm huyết và sức lực từng bước xây dựng và phát triển tổ chức ngày càng lớn mạnh, góp phần không nhỏ trong tiến trình phát triển chính trị, xã hội, khoa học và kinh tế của Việt Nam.
GS.VS Trần Đại Nghĩa đã được các nhà khoa học, các hội thành viên suy tôn làm Chủ tịch danh dự nhiệm kỳ II, nhiệm kỳ III và danh hiệu đó cũng đã theo ông đến cuối cuộc đời.
“Liên hiệp Hội Việt Nam được như ngày hôm nay, trở thành một tổ chức chính trị - xã hội rộng lớn của đội ngũ trí thức KH&CN Việt Nam, chúng ta càng thấm thía và biết ơn sâu sắc công lao của các lớp cha anh đi trước, cùng với Chủ tịch Hồ Chí Minh, Đại tướng Võ Nguyên Giáp, Giáo sư, Viện sỹ, Thiếu tướng, Anh hùng Lao động Trần Đại Nghĩa luôn sống mãi với sự nghiệp phát triển KH&CN của hệ thống Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam”, TSKH. Phan Xuân Dũng đã nói về công lao của GS.VS Trần Đại Nghĩa trong Hội thảo “Giáo sư, Viện sĩ Trần Đại Nghĩa - Cuộc đời và sự nghiệp” do Liên hiệp Hội Việt Nam tổ chức.
Bài viết nằm trong chuỗi hoạt động nhằm hướng tới kỷ niệm 40 năm ngày thành lập LHH VN (26/3/1983-26/3/2023) và 110 năm ngày sinh của GS. VS Trần Đại Nghĩa. Bài viết có sử dụng tư liệu của Liên hiệp Hội Việt Nam.
Mời quý độc giả xem video: "Trần Đại Nghĩa không sáng chế súng Bazooka, vậy thì ông làm gì?". Nguồn: QPVN.
Mai Loan