Bước về nhà lập tức được cân bằng
Mái tóc cắt ngắn cá tính, đôi mắt sáng, giọng nói đầy nhiệt thành, GS.TS Vũ Thị Thu Hà đem tới cảm giác về một người thật giàu năng lượng, cảm hứng. Và cho dù chị tự nhận là rất nam tính, thì người tiếp chuyện lại thấy ẩn chứa trong ánh mắt, chia sẻ của chị rất nhiều dịu dàng nữ tính.
GS.TS Vũ Thị Thu Hà chia sẻ, từ nhỏ chị đã có tình yêu với công nghệ khoa học. Và tình yêu này khởi nguồn từ hoàn cảnh.
|
GS.TS Vũ Thị Thu Hà, Phó Viện trưởng Viện Hóa học Công nghiệp Việt Nam. Ảnh: Nhân vật cung cấp. |
Bố chị là bộ đội, xa gia đình, ở nhà chỉ có 3 mẹ con. Vắng đàn ông trong nhà, từ nhỏ, chị đã đảm đương công việc của nam giới trong gia đình và rất thích thú với điều này. Cho đến bây giờ, mẹ chị vẫn còn nhớ hình ảnh chị mặc quần sooc ngồi sửa xe đạp.
Lên cấp 2, chị học lớp chuyên Toán của huyện, phải xa nhà. Chị phải tự lập trong cuộc sống của mình, và tiếp tục những công việc vốn thường chỉ dành cho phái mạnh. Mỗi khi xe thủng săm, chị luôn tự vá. Thậm chí, chị còn nhận vá săm luôn cho bạn bè.
Thật không ngờ, chính từ những việc tưởng như chỉ là do “hoàn cảnh xô đẩy” nhất thời đó đã đưa chị đến với khoa học, và sau này, trở thành niềm đam mê lớn lao của cuộc đời chị.
Học hết cấp 3, chị chọn theo học ngành Hóa của Trường ĐH Bách khoa Hà Nội – một môi trường giúp chị theo đuổi được sở thích về khoa học công nghệ. Dù lúc đó, với nhiều người, con gái học Bách khoa có gì đó nam tính, mạnh mẽ. Và sự thực, chị cũng là “bông hồng” hiếm hoi trong lớp.
GS.TS Vũ Thị Thu Hà chia sẻ, chị không thấy có sự khác biệt nam nữ trong nghiên cứu khoa học. Tuy nhiên, phụ nữ làm khoa học sẽ rất vất vả, khó khăn, đặc biệt nếu không có sự ủng hộ từ phía gia đình. Lý do là vì, để có được thành công, thì thời gian dành cho công việc rất nhiều.
“Với ngành khoa học công nghệ, để có được sự thành công, ngoài niềm đam mê, năng lực thì phải bỏ công sức, thời gian. Điều này rất quan trọng. Chứ với ngành này, nói dành rất ít thời gian nhưng vẫn thành công thì có lẽ rất khó”, chị Hà chia sẻ.
Tuy nhiên, điều đó đồng nghĩa với quỹ thời gian dành cho gia đình vơi đi. Khi sinh con thứ hai, chị Hà lao vào công việc sau đúng 5 ngày nghỉ trong bệnh viện. Con chưa đầy 1 tháng tuổi, chị cho con vào giỏ xách đi thuyết trình công trình khoa học.
Có những giai đoạn suốt 3 năm liền, ngày làm việc của chị tại cơ quan kết thúc vào lúc 22 giờ. Rất nhiều những khó khăn, vất vả không kể xiết.
May mắn, chị đã nhận được sự ủng hộ, động viên, đồng hành từ phía gia đình. “Ngay khi rời khỏi công việc, về với gia đình, tôi được cân bằng ngay lập tức. Đặc biệt là khi mình gặp những khó khăn trong công việc, đôi khi gặp thất bại…gia đình luôn làm mình cân bằng lại. Nếu không có sự đồng hành của gia đình, phụ nữ có thể cũng vẫn làm được khoa học. Tuy nhiên, tôi cho rằng, sẽ có lúc bị quá sức chịu đựng”, chị Hà nói.
Khoa học cũng giống như nghệ thuật, cần thông thoáng
GS.TS Vũ Thị Thu Hà chia sẻ, có người hỏi chị, chị nhận lại được gì cho những đam mê, chị trả lời: “Chỉ riêng sự đam mê đã là phần thưởng rồi”.
Điều chị cảm thấy vui là khoa học công nghệ ngày càng được quan tâm nhiều hơn, môi trường làm việc đang ngày càng được cải thiện, các cơ chế chính sách liên tục được cập nhật, cải tiến để phù hợp hơn với xu hướng phát triển chung của thế giới.
Tuy nhiên, chị mong muốn cơ chế thông thoáng hơn nữa, để các nhà khoa học được toàn tâm toàn ý dành cho khoa học.
“Ngành khoa học cũng giống như nghệ thuật, cần có sự thông thoáng để phát huy được hết tinh thần đổi mới sáng tạo của mỗi cá nhân. Việc đưa ra những cơ chế chặt chẽ để đảm bảo được về mặt quản lý Nhà nước, nhưng vẫn thông thoáng, giảm bớt các thủ tục thì sẽ phát huy được tối đa tinh thần đổi mới sáng tạo của mỗi cá nhân, mang lại hiệu quả lao động vượt trội”, chị Hà chia sẻ.
Ở vai trò quản lý, chị Hà cho biết, chị đã xây dựng đội ngũ khoa học công nghệ trong nhóm nghiên cứu của mình. Chị luôn đặt yếu tố con người lên trên hết, và trong khả năng, quyền hạn của mình, chị luôn tạo điều kiện để các bạn trẻ có được môi trường làm việc thuận tiện.
Giờ đã bước qua tuổi 50, chị tâm niệm sẽ cố gắng phát triển những gì đã ấp ủ, đã làm những năm trước đây để đem lại hiệu quả cao nhất, cống hiến cho cộng đồng.
Chị thấy hạnh phúc khi được theo đuổi niềm đam mê của mình. Chưa bao giờ chị cảm thấy chán, hay hối tiếc vì đã chọn khoa học công nghệ.
GS.TS Vũ Thị Thu Hà là tác giả của 42 công trình khoa học có giá trị được đăng tải trên Tạp chí chuyên ngành có uy tín trên thế giới và 200 công trình được đăng tải trên tạp chí chuyên ngành quốc gia có uy tín; là tác giả của 31 bằng độc quyền sở hữu trí tuệ, trong đó có 5 bằng độc quyền sáng chế được cấp bởi Tổ chức Sở hữu trí tuệ nước ngoài và 26 bằng độc quyền sáng chế/giải pháp hữu ích được cấp bởi Cục Sở hữu trí tuệ Việt Nam. Rất nhiều kết quả khoa học công nghệ từ các công trình nghiên cứu do chị chủ trì thực hiện đã được đưa vào ứng dụng, mang lại hiệu quả kinh tế, kỹ thuật và môi trường to lớn.
Chị được nhận Huân Chương Lao động hạng 3; nhiều Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ; Giải thưởng Nhà nước về Khoa học và Công nghệ; Giải thưởng Kovalevskaia cho nhà Khoa học nữ xuất sắc.
Tới đây, chị là một trong 106 trí thức được Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam trao danh hiệu Trí thức và khoa học công nghệ tiêu biểu năm 2022. “Tôi rất bất ngờ khi biết được trao danh hiệu này, cảm rất vui, tự hào”, chị Hà chia sẻ.
* Bài viết nằm trong tuyến bài tuyên truyền về Lễ tôn vinh trí thức khoa học và công nghệ tiêu biểu năm 2022 (diễn ra ngày 21/05/2022) do Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam tổ chức.
Mai Loan