GS.TS Nguyễn Thanh Phương: Cần có chương trình học bổng cho sinh viên giỏi

Google News

GS.TS Nguyễn Thanh Phương, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch Hội đồng Trường ĐH Cần Thơ chia sẻ, ông có một trăn trở lớn về giáo dục, đó là xây dựng được chương trình học bổng cho sinh viên giỏi.

Nhà khoa học gắn với người nông dân
GS.TS Nguyễn Thanh Phương sinh năm 1965, quê Vĩnh Long. Năm 1986, GS.TS Nguyễn Thanh Phương tốt nghiệp loại giỏi đại học ngành Nuôi trồng thủy sản tại Trường Đại học Cần Thơ và được giữ lại trường.
Ông tốt nghiệp Thạc sĩ tại Viện Công nghệ Châu Á (AIT) năm 1992 và tốt nghiệp Tiến sĩ tại Viện Quốc gia Bách Khoa Toulouse, Pháp năm 1998.
Ông là Uỷ viên Uỷ ban Khoa học Công và Môi trường, Quốc hội các Khoá XIII, XIV và XV; Uỷ viên Hội đồng Giáo sư Nhà nước kiêm Chủ tịch Hội đồng Giáo sư liên ngành Chăn nuôi – Thù y – Thuỷ sản.
GS.TS Nguyen Thanh Phuong: Can co chuong trinh hoc bong cho sinh vien gioi
GS.TS Nguyễn Thanh Phương. Ảnh: Media QH. 
Nhắc tới tên GS.TS Nguyễn Thanh Phương, là người ta nghĩ đến ngay một nhà khoa học đã có nhiều đóng góp cho ngành thủy sản và dành nhiều tâm huyết với người dân Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL). Đặc biệt là những nghiên cứu về sản xuất giống tôm càng xanh và cá tra đã có ý nghĩa rất lớn, giúp đời sống người nông dân đi lên.
Công trình nghiên cứu về tôm càng xanh của ông khởi đầu chỉ là những thử nghiệm nhỏ với số “vốn” 400 ngàn đồng xin từ kinh phí Khoa Thủy sản của Trường, cùng với những xô nhựa. Không ngờ, kết quả đạt được tốt ngoài mong đợi, được ứng dụng rộng rãi, là tiền đề cho những phát triển sâu, rộng hơn của ông và nhóm nghiên cứu sau này.
Có thể kể tên một loạt các công trình của ông về tôm càng xanh như: “Nghiên cứu sản xuất giống tôm càng xanh (Macrobrachium rosenbergii) theo mô hình nước xanh cải tiến”, “Nghiên cứu hoàn thiện qui trình kỹ thuật sản xuất giống tôm càng xanh (Macrobrachium rosenbergii) áp dụng mô hình nước xanh cải tiến...
Trong đó, công trình “Chuyển giao công nghệ sản xuất giống tôm càng xanh (Macrobrachium rosenbergii) quy mô nông hộ” đã giúp người dân ĐBSCL sản xuất hơn 100 triệu con tôm bột mỗi năm.
Đặc biệt, những nghiên cứu của GS Nguyễn Thanh Phương không chỉ ở khía cạnh phát triển kinh tế, mà ông luôn chú trọng tới bảo vệ môi trường.
Năm 1992, khi làm luận án thạc sĩ tại Viện Công nghệ châu Á (AIT), Thái Lan, ông Phương đã chọn đề tài “Ảnh hưởng của nông dược lên tôm và cá”. Thời điểm đó, ở Việt Nam, việc sử dụng thuốc trừ sâu trong mô hình nuôi trồng kết hợp, gây ảnh hưởng đến tôm, cá, đề tài của ông có ý nghĩa rất thời sự về vấn đề đang đặt ra.
Năm 1995-1998, khi thực hiện luận án tiến sĩ, GS Phương cũng đã chọn đề tài “Đánh giá hiện trạng nghề nuôi cá bè và nghiên cứu cải tiến thức ăn cho con cá ba-sa”. Đề tài này góp phần phát triển thức ăn viên công nghiệp, làm giảm giá thành và giảm ô nhiễm môi trường trong nuôi trồng thủy sản.
Năm 2005, trước thực trạng người dân sử dụng thuốc nhiều trong nuôi tôm, ông đã đề xuất và thực hiện các nghiên cứu về các giải pháp cải thiện sự bền vững và an toàn.
Có nhiều đóng góp với ngành thủy sản, có công với người nông dân, đặc biệt vùng ĐBSCL, tuy nhiên, GS.TS Nguyễn Thanh Phương cho biết, mình chỉ là người nghiên cứu và chuyển giao kỹ thuật, còn hoàn thiện là do người dân. Và những nghiên cứu của ông cũng xuất phát từ yêu cầu bức thiết từ đời sống sản xuất.
“Từ thực tế đời sống sản xuất của bà con, nghiên cứu của tôi tập trung vào những vấn đề cần ưu tiên giải quyết”, ông chia sẻ.
Trăn trở khi tăng học phí 
Tháng 5/2004, TS Nguyễn Thanh Phương được giao nhiệm vụ Trưởng Khoa Thủy sản của Trường ĐH Cần Thơ. Từ năm 2012-2018, GS.TS Nguyễn Thanh Phương là Phó Hiệu trưởng của Trường. Từ năm 2018 đến nay, ông là Chủ tịch Hội đồng Trường Đại học Cần Thơ.
GS.TS Nguyen Thanh Phuong: Can co chuong trinh hoc bong cho sinh vien gioi-Hinh-2
GS.TS Nguyễn Thanh Phương chia sẻ những trăn trở về giáo dục. Ảnh: Mai Loan. 
Ở cương vị một người thầy, một nhà quản lý, GS.TS Nguyễn Thanh Phương đã có đóng góp rất nhiều cho giáo dục, đào tạo những thế hệ kế cận.
Trong hơn 20 năm qua ông đã đào tạo thành công được 10 tiến sĩ học ở nước ngoài (vai trò là đồng hướng dẫn), 6 tiến sĩ học trong nước (hướng dẫn chính) và 2 tiến sĩ trong nước (hướng dẫn phụ); và hơn 50 thạc sĩ.
Ông tham gia cải tiến chương trình đào tạo ngành nuôi trồng thủy sản từ 1996 đến nay. Nhiều chương trình đào tạo mới của Khoa Thủy sản đều có dấu ấn đóng góp của ông, như chương trình đào tạo chuyên ngành Bệnh học thủy sản năm 2002, chương trình đào tạo chuyên ngành Quản lý nghề cá năm 2004…
Là đại biểu liền 3 khóa (khóa XIII, XIV, XV), ông Phương có cơ cơ hội đưa được những quan điểm, trăn trở của mình về vấn đề giáo dục trước Quốc hội.
Trao đổi với PV Tri thức và Cuộc sống, GS Nguyễn Thanh Phương cho biết, ở vai trò một đại biểu Quốc hội, qua nhiều cuộc thảo luận trong cuộc họp ủy ban QH, có một điều ông vẫn còn trăn trở rất nhiều, đó là nhiều lần ông đã góp ý về việc cần phải xây dựng một chương trình học bổng cho sinh viên giỏi, giống như cách các quốc gia khác đã làm.
Theo đó, học trò học tới lớp 12, có thể nộp hồ sơ xin học bổng để học đại học gồm cả học phí và sinh hoạt phí. Đây là học bổng dành cho sinh viên giỏi, khuyến khích, phát triển người tài phục vụ đất nước. Hằng năm, Chính phủ sẽ công bố số suất học bổng về các trường, các trường căn cứ vào đó để xét học bổng.
“Tôi đã góp ý kiến rất nhiều lần vấn đề này trong các kỳ họp ủy ban của Quốc hội, nhận được sự đồng tình. Tuy nhiên, đến nay vẫn chưa thực hiện được”, ông Phương nói.
Là một nhà khoa học, những nghiên cứu của ông đều nhằm phục vụ đời sống sản xuất của người nông dân. Ở cương vị một người thầy, một nhà quản lý, những suy nghĩ, trăn trở của ông cũng vẫn luôn hướng tới người dân.
Hiện tại, Trường ĐH Cần Thơ tiến dần đến mô hình tự chủ đại học. Cùng với đó là việc phải tăng học phí. Tuy nhiên, ông Phương cho biết, việc tăng học phí phải ở mức phù hợp, và người dân có thể chi trả được.
“Hiện tại, khả năng chi trả của người dân ĐBSCL còn thấp, cho nên, việc tăng học phí phải rất cẩn trọng, vừa phải và phù hợp với mức chi trả của người dân”, ông Phương nói.
Trong quá trình công tác, GS.TS Nguyễn Thanh Phương đã đạt được nhiều thành tích, giải thưởng.
Ông nhận Huân chương Lao động Hạng 3 năm 2008; Là Chiến sĩ thi đua toàn quốc năm 2008-2009; Nhận Bằng khen của Thủ tướng năm 2004.
Chiến sĩ thi đua cấp Bộ của Bộ Giáo dục và Đào tạo năm 2006-2007.
Giải thưởng Bông Lúa Vàng năm 2003 cho công trình nghiên cứu xây dựng và ứng dụng qui trình sản xuất giống tôm càng xanh – mô hình nước xanh cải tiến. Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn.
Giải thưởng Bông lúa vàng Việt Nam – Thương hiệu và Chất lượng cho đóng góp công trình nghiên cứu vào sự phát triển Nông nghiệp năm 2011. Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn.
Mới đây, ông là 1 trong số 106 trí thức được vinh danh, nhận bằng khen từ Chủ tịch Nước cho những đóng góp, thành tích xuất sắc.

Mời quý độc giả xem video: "GS.TS Phan Văn Tân chia sẻ về ý nghĩa của công trình đầu tiên về hạn hán trên khu vực Đông Nam Á". Video do PV Tri thức và Cuộc sống thực hiện.


Mai Loan