Được biết, GS.TS Lê Thị Quỳnh Mai sinh ngày 10/08/1967. Hiện bà đang điều hành chức vụ Phó Viện trưởng Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương.
GS.TS Lê Thị Quỳnh Mai đã tham gia dự án Giám sát Virus sốt xuất huyết quốc gia. Nhờ đó, bà đóng góp vào việc cải thiện kiểm soát và phòng chống sốt xuất huyết. Nhóm của GS.TS Lê Thị Quỳnh Mai còn là tập thể đầu tiên xác nhận rằng cúm A(H5N1) gây bệnh ở người tại Việt Nam. Chính vì thế, bà đã có phát hiện quan trọng trong việc mô tả đặc điểm virus cúm và bệnh lý miễn dịch liên quan.
Hơn nữa, GS.TS Mai cũng chịu trách nhiệm theo dõi Mạng lưới giám sát dịch cúm quốc gia tại Việt Nam. Bên cạnh đó, bà còn góp phần nâng cao năng lực phòng xét nghiệm và hợp tác với nhà nghiên cứu sức khỏe động vật.
|
GS.TS Lê Thị Quỳnh Mai. Ảnh: @VOV. |
Bà cũng đã được mời tham gia nhiều hội nghị lớn trên thế giới và được biết đến với tư cách là nhà nghiên cứu cao cấp của các dự án mang tầm cỡ quốc gia và quốc tế.
Trong quá trình tham gia nghiên cứu, bà là tác giả của 89 tác phẩm quốc tế bao gồm một số bài khoa học được đăng tải trên Tạp chí Y học New England (2009), Tạp chí Lancet (2017).
Ngoài ra, GS.TS Mai còn là thành viên ủy ban khoa học NAFOSTED về Khoa học đời sống (2009-2017). Bên cạnh đó, bà cũng đảm nhiệm chức chuyên gia tư vấn tại Bộ Y tế, Bộ Khoa học và Công nghệ Việt Nam.
Không chỉ dừng tại đó, GS.TS Lê Thị Quỳnh Mai (Viện Vệ sinh Dịch tễ Trung ương) đã được trao Giải thưởng Kovalevskaia vào năm 2019. Bà là người dẫn đầu một nhóm khoa học đã phân lập thành công một chủng virus SARS-CoV-2 mới, đưa Việt Nam trở thành một trong 4 quốc gia đầu tiên phân lập thành công virus này vào năm 2020.
Việc này cũng góp công để Việt Nam sớm sản xuất test xét nghiệm nhanh cho các trường hợp nhiễm, nâng khả năng xét nghiệm hàng nghìn mẫu bệnh phẩm mỗi ngày trong trường hợp cần thiết. Thành công đó còn giúp cho nghiên cứu về độc lực học của virus này trên cơ thể người Việt Nam, đặc điểm lây nhiễm, giúp hỗ trợ công tác điều trị và chống dịch hiệu quả.
GS.TS Lê Thị Quỳnh Mai chia sẻ, virus cúm luôn có khả năng biến thành đại dịch, ảnh hưởng đến xã hội, gây ra gánh nặng bệnh tật tương đối lớn với người già trên 65 tuổi và trẻ em. Các nghiên cứu của Phòng thí nghiệm Cúm sẽ hỗ trợ tốt cho hệ thống giám sát toàn cầu, cung cấp thông tin cho cộng đồng khoa học trong và ngoài nước, dự báo được khả năng bùng phát dịch hay không. Từ đó có biện pháp phòng, chống, tìm ra vaccine nhằm bảo vệ sức khỏe cộng đồng, không chỉ tại Việt Nam mà cả các quốc gia khác trên thế giới.
|
Hiện bà đang đảm nhiệm vị trí Phó Viện trưởng Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương. Ảnh: @Google. |
GS.TS Quỳnh Mai kể, nghiên cứu về virus là công việc vất vả. Bất cứ ai theo nghề này đều phải xác định, mỗi khi xảy ra dịch bệnh họ sẽ phải dành trọn thời gian, tâm sức cho công việc. Nếu các y, bác sĩ được ví như những người lính nơi tuyến đầu thì người làm dịch tễ giống như người lính ở tuyến sau, hậu thuẫn bằng việc nghiên cứu điểm yếu của kẻ địch và hỗ trợ phương án tác chiến.
Hồi xảy ra dịch SARS năm 2003, lúc đó bà chỉ 36 tuổi, các con khi ấy còn nhỏ, bà đã phó thác tất cả cho người thân để cùng các cộng sự đàn anh, đàn chị đối mặt với nguy hiểm. 17 năm trôi qua, bà đã trở thành “thủ lĩnh” của Phòng Thí nghiệm cúm với 11 thành viên, trong đó có 9 nữ. Hiểu thấm thía nỗi vất vả của phụ nữ làm nghiên cứu khoa học, bà luôn thông cảm, tạo điều kiện cho các nhân viên của mình.
GS.TS Lê Thị Quỳnh Mai còn là 1 trong 5 nhà khoa học Việt Nam có tên trong danh sách 100 nhà nghiên cứu xuất sắc nhất Châu Á năm 2021. Giải thưởng này do Tạp chí Asian Scientist - tạp chí khoa học uy tín hàng đầu Châu Á công bố. Với những đóng góp to lớn của mình, GS.TS Lê Thị Quỳnh Mai xứng đáng là tấm gương tiêu biểu và niềm tự hào của phụ nữ Việt Nam.
Huỳnh Dũng