Ngày 9/3, thông tin từ PGS.TS Đỗ Hải Phong, Trưởng khoa Ngữ văn, Trường ĐH Sư phạm Hà Nội cho biết, GS.NGƯT Phùng Văn Tửu đã từ trần hồi 0 giờ 30 phút sáng ngày 09/03/2022 (tức 07/02 năm Nhâm Dần), hưởng thọ 88 tuổi.
GS.NGƯT Phùng Văn Tửu. Ảnh: Mai Loan.
GS Phùng Văn Tửu sinh năm 1935 tại xã Bát Tràng, huyện Gia Lâm, Thành phố Hà Nội trong một gia đình nhà giáo (cha của GS Phùng Văn Tửu từng là giáo viên tiểu học). Các anh chị em của ông phần nhiều đều trưởng thành, trở thành những nhà giáo, kỹ sư, nhà hoạt động xã hội nổi tiếng.
Tốt nghiệp đại học năm 1959, GS Phùng Văn Tửu từng là cán bộ giảng dạy tại Trường ĐH Tổng hợp Hà Nội từ năm 1959 - 1961. Từ năm 1961 - 1968, ông giảng dạy tại Đại học sư phạm Vinh.
Từ năm 1969, ông là giảng viên tại Khoa Ngữ văn - ĐHSP Hà Nội cho đến khi nghỉ hưu năm 2002.
Ông được phong hàm giáo sư từ năm 1991, được Nhà nước công nhận là Nhà giáo ưu tú, được trao tặng Huân chương kháng chiến hạng nhì, Huy chương Hữu nghị Campuchia, Huy chương Vì sự nghiệp giáo dục.
GS Phùng Văn Tửu là chuyên gia đầu ngành về văn học Phương Tây. Ông là chuyên gia về Văn học Pháp (về Rouseau, Hugo, Aragon...), chuyên gia về vấn đề giảng dạy, tiếp nhận Văn học nước ngoài ở Việt Nam, về những vấn đề thi pháp Văn học Phương Tây.
GS Phùng Văn Tửu là tác giả của 11 cuốn sách chuyên khảo, 14 sách dịch và hơn 50 bài báo khoa học chuyên ngành Văn học Phương Tây.
Các giáo trình Văn học Phương Tây, cuốn "Cảm thụ và giảng dạy văn học nước ngoài" (NXB Giáo Dục, Hà Nội, 2002; 2008) của GS Phùng Văn Tửu được đánh giá đến nay vẫn còn nguyên giá trị.
Cụm công trình "Tiểu thuyết Pháp nửa sau thế kỷ 20" của GS Phùng Văn Tửu được Giải thưởng Nhà nước về KHCN năm 2005. Cuốn chuyên khảo sau cùng "Cách tân nghệ thuật Văn học Phương Tây" (NXB KHXH, HN, 2017) của ông được Giải thưởng Hội nhà văn năm 2017.
Ở vai trò một người thầy, GS Phùng Văn Tửu được nhiều thế hệ sinh viên yêu quý. Với phong cách giảng lôi cuốn, hóm hỉnh, những giờ dạy của GS Phùng Văn Tửu thường chật kín sinh viên.
Đặc biệt, GS Phùng Văn Tửu đã gây ấn tượng khi luôn yêu cầu sinh viên xưng "tôi" trong xưng hô với giáo viên trong giờ dạy của ông.
"Trong lớp, tôi muốn tạo cho sinh viên sự tự tin. Khi sinh viên xưng "em", dường như có một khoảng cách về vị thế giữa thầy và trò, sinh viên sẽ không dám bộc lộ ý kiến của mình. Tôi gọi sinh viên bằng "anh", "chị" cũng là để sinh viên tự tin ở mình", GS Phùng Văn Tửu giải thích.
PGS.TS Đỗ Hải Phong chia sẻ, GS.NGƯT Phùng Văn Tửu là người thầy mẫu mực trong từng lời nói, từng câu chữ, tác phong trên giảng đường. Điều đó khắc ghi trong tâm trí nhiều thế hệ sinh viên của Khoa Ngữ văn, Trường ĐH Sư phạm Hà Nội.
"Những năm gần đây, thầy lâm bệnh trọng, nhưng mỗi khi hồi phục, trò đến thăm, với nụ cười hiền, thầy vẫn luôn quan tâm đến Khoa, đến Bộ môn, đến nghề văn, nghề giáo...", PGS.TS Đỗ Hải Phong chia sẻ.
"Vĩnh biệt Thầy! Chúng em luôn nhớ về Thầy đáng kính", "Vô cùng thương tiếc Thầy Phùng Văn Tửu, một nhà sư phạm rất kính trọng. Chúng tôi gọi Thầy là "ông Rút-xô"", "Kính cẩn tưởng nhớ Thầy. Tri ân tri thức và phong cách nghiêm cẩn của Thầy"... hàng trăm lời chia sẻ, tiễn biệt của các thế hệ sinh viên bày tỏ sự thương tiếc, đau buồn trước tin GS.NGƯT Phùng Văn Tửu qua đời.
Lễ tang GS.NGƯT Phùng Văn Tửu được cử hành từ 7h00 - 7h50 sáng ngày 16/03/2022 (tức ngày 14/02 năm Nhâm Dần) tại Nhà tang lễ 125 Phùng Hưng, quận Hoàn Kiếm, Thành phố Hà Nội; Lễ truy điệu và đưa tang vào hồi 8h00 cùng ngày.
An táng tại Thiên Đức Vĩnh hằng viên, huyện Phù Ninh, tỉnh Phú Thọ.
Mai Loan