“Khi thực hiện một ca mổ thành công, niềm vui mà chúng tôi có được là một niềm hạnh phúc không gì đong đếm được. Nhiều lần chúng tôi đã nói với những bệnh nhân vừa được mổ xong rằng: “niềm vui này đối với cháu là một, thì đối với các chú nó ít nhất được nhân đôi”, Giáo sư, Tiến sĩ khoa học, Thầy thuốc Nhân dân Nguyễn Thế Hoàng, Phó Giám đốc Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 xúc động.
|
Chân dung Thiếu tướng, Giáo sư, Tiến sĩ khoa học, Thầy thuốc Nhân dân Nguyễn Thế Hoàng. |
Chặng đường trở thành bác sĩ khoác hai màu áo
Trò chuyện với PV Tri thức và Cuộc sống, Thiếu tướng, Giáo sư, Tiến sĩ khoa học, Thầy thuốc Nhân dân Nguyễn Thế Hoàng, Phó Giám đốc Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 cho hay, ông sinh ra ở xã Kỳ Châu, huyện Kỳ Anh, tỉnh Hà Tĩnh trong một gia đình có truyền thống làm ngành Y. Ông nội ông là một lương y, mẹ là dược sĩ, bố ông nguyên là Giám đốc Bệnh viện Quân y 105.
“Bố tôi học Đại học Y khoa Hà Nội khóa 1951-1957. Đó là khóa đầu tiên mà ngành quân y gửi sinh viên ra học ở Đại học Y. Sau khi tốt nghiệp xong, họ sẽ tiếp tục trở về phục vụ cho ngành quân y, mà đặc biệt là cho chiến trường miền Nam. Khi bố tôi đang học nội trú và đang là học trò của GS Tôn Thất Tùng, ông được gọi đi chiến trường miền Nam. Sau một thời gian công tác ở chiến trường, ông trở thành Viện trưởng của Bệnh viện quân y 559 kiêm phó phòng Quân y của đường dây Trường Sơn từ 1965 đến 1975. Khi chiến tranh kết thúc, ông chuyển về làm việc tại bệnh viện Quân y 108 , rồi làm Giám đốc Bệnh viện Quân y 105, và sau đó đi chuyên gia ở Ăngôla cho đến lúc nghỉ hưu”, BS Nguyễn Thế Hoàng kể về người cha cũng đồng thời là một người đồng đội của mình.
|
GS.TSKH. Nguyễn Thế Hoàng trong một ca phẫu thuật. |
Mặc dù bố ông đi công tác biền biệt, thường xuyên vắng nhà, nhưng những câu chuyện về sự tận tụy, cống hiến của ông, cùng với truyền thống gia đình đã hun đúc trong ông một tình yêu mãnh liệt với ngành Y.
Là học sinh khối chuyên của Hà Nội, sau khi tốt nghiệp cấp 3, hầu hết các bạn bè của BS Nguyễn Thế Hoàng đều đỗ đại học và tiếp tục đi du học ở nước ngoài. Lúc đó, có rất nhiều trường rất “hot” như ĐH Bách khoa, ĐH Ngoại thương, Ngoại giao cũng về tuyển sinh và hầu như cả lớp đều được tuyển. Nhưng bố ông đã khuyên con trai mình nên đi theo ngành Y để kế tục truyền thống của gia đình bởi nghề đó dù rất vất vả nhưng là một nghề cao quý, nhân đạo, chữa bệnh cứu người và được xã hội tôn trọng.
Nghe theo lời bố tư vấn và mang sẵn một tình yêu mãnh liệt với ngành Y, BS Hoàng đã chọn thi vào Học viện Quân y.
“Sau này khi tìm hiểu kỹ, tôi được biết rằng, bác sĩ Quân y là những người luôn sẵn sàng xả thân mình vì đồng đội, vì bệnh nhân. Họ vừa là những người lính áo xanh, vừa là những người lính áo trắng. Chính vì vậy mà ngành quân y đã làm cho tôi rất thích thú. Sau khi đã vào học ở Học viện Quân y, từ năm thứ 3 trở đi, chúng tôi được đi tiếp xúc trực tiếp với bệnh nhân để khám chữa bệnh. Lúc này tôi đã nhận thấy rất rõ rằng, ngành y thực sự rất vất với nhiều thách thức. Nhiều bệnh nhân có những bệnh lý nan y nặng nề và khó chữa mà người bác sĩ dù có nỗ lực hết mình cũng vẫn đành bất lực.
Tất cả những điều đó đã nhen nhóm trong tôi khát vọng, làm sao để cứu chữa được cho người bệnh, để cho họ không phải chịu đựng những nỗi đau đớn và khổ sở đến như vậy. Qua năm tháng, niềm đam mê, khát vọng ấy cứ lớn dần. Và cho đến giờ, tôi thấy rằng lựa chọn của mình là hoàn toàn đúng đắn”, GS.TSKH.BS Nguyễn Thế Hoàng chia sẻ.
Cống hiến với tinh thần “xả thân” của một chiến sĩ
Tốt nghiệp Học viện Quân y, BS Nguyễn Thế Hoàng đã có một thời gian công tác ở chiến trường Campuchia 2 năm (từ năm 1987-1989). Đây là khoảng thời gian mà cuộc chiến tranh chống Polpot diễn ra cực kỳ khốc liệt. Những vết thương do chiến tranh, do bệnh tật và do sốt rét, cũng như tình trạng hoại thư sinh hơi do vết thương mìn đã gây ra một tỷ lệ tử vong rất cao. Là đội trưởng của đội phẫu thuật, với các kiến thức đã được học, BS Hoàng đã cùng với các đồng đội của mình cứu sống cho rất nhiều bệnh nhân, mà đặc biệt là các bệnh binh mắc bệnh sốt rét và cấp cứu các thương binh bị vết thương do hỏa khí và do mìn.
|
GS.TSKH. Helmut Schwarz, Chủ tịch Quỹ Alexander von Humboldt trao Bằng chứng nhận giải thưởng cho GS.TSKH. Nguyễn Thế Hoàng. |
Từ đây, ông đã được hiểu rõ hơn ý nghĩa của từ “xả thân” mà ông đã từng được biết đến qua các tài liệu và những câu chuyện kể của các thế hệ đi trước. Ông càng cảm thấy lựa chọn của mình theo đuổi nghề bác sĩ quân y là hoàn toàn đúng đắn.
“Trong điều kiện chiến tranh, trang thiết bị và dụng cụ cấp cứu rất hạn chế, nếu không có những thầy thuốc hiểu biết rõ bệnh tật, và thực hiện những can thiệp kịp thời thì tỷ lệ tử vong sẽ còn cao hơn nữa. Có thể nói, chúng tôi đã góp một phần nhỏ bé của mình để cứu sống được rất nhiều thương binh trên chiến trường. Đây cũng là quãng thời gian đã giúp tôi thu nhận được rất nhiều kinh nghiệm trong việc xử lý và cấp cứu các vết thương thời chiến”, GS Nguyễn Thế Hoàng chia sẻ.
Trở về công tác tại Bệnh viện Quân y 108, tinh thần “xả thân” vì người bệnh ấy vẫn vẹn nguyên trong ông. Chia sẻ rõ hơn về điều này, GS Nguyễn Thế Hoàng cho biết, có rất nhiều bác sĩ trong bệnh viện chúng tôi suốt cả ngày tận tụy làm việc, rồi đêm lại trực mổ cấp cứu, và hôm sau lại tiếp tục ở lại bệnh viện làm việc giống như những ngày làm việc bình thường khác. Thế nên, nhiều anh em bác sỹ chúng tôi dù nhà chỉ cách bệnh viện có vài cây số, nhưng có khi đến 2-3 hôm liền cũng không thể về nhà, không thể có được một giấc ngủ ngon lành và một bữa cơm bình dị giống như mọi người.
|
Bệnh nhân vui mừng vì "bàn tay mới" hoà hợp. Anh gửi lời tri ân đến các thầy thuốc, đặc biệt là GS.TSKH Nguyễn Thế Hoàng. |
Rồi những chuyến đi cấp cứu ở các tuyến dưới khi được yêu cầu trợ giúp và những đợt đi công tác ở biên giới, hải đảo… ngành quân y chúng tôi khi có những nhiệm vụ công tác đột xuất thì dù là bữa ăn đang dang dở cũng vẫn sẵn sàng khoác balô lên đường đi ngay. Những sự cố nặng nề và bất thường có thể xảy ra bất cứ lúc nào. "Nếu như không có một tinh thần sẵn sàng 'xả thân' thì người bác sỹ quân y không thể làm kịp và sẽ bỏ qua thời gian vàng để cứu chữa hiệu quả cho bệnh nhân”, GS Nguyễn Thế Hoàng chia sẻ.
Hạnh phúc là cuộc sống của người bệnh
Với BS Nguyễn Thế Hoàng, tinh thần xả thân ấy được đổi lại bằng cuộc sống của rất nhiều người bệnh.
Bệnh viện Quân đội Trung ương Quân đội 108 là một trong những cơ sở y tế lớn nhất trong cả nước, nên có rất nhiều bệnh nhân nặng được chuyển từ tuyến dưới đến. Có những ca bệnh nặng đã làm ông nhớ mãi trong suốt cuộc đời hoạt động chuyên môn của mình. Một trong những ca bệnh đó là một bệnh nhân nam 19 tuổi, bị tai nạn giao thông rất nặng nề ở chân phải ngay khi cháu mới 7 tuổi. Kể từ đó cuộc sống của cháu gắn liền với chiếc xe đẩy. Mặc dù cháu đã đi khám bệnh ở khắp các cơ sở y tế trong cả nước, cũng đã được các chuyên gia nước ngoài thăm khám kỹ lưỡng, nhưng cuối cùng tất cả đều lắc đầu vì không còn khả năng điều trị nữa. Cuộc đời cháu sẽ phải vĩnh viễn gắn liền với chiếc xe lăn.
Khi bệnh nhân đến với Bệnh viện TƯQĐ 108, bệnh nhân đã có 12 năm ngồi trên xe đẩy. Ngay cả các bác sĩ chuyên ngành cũng không thể thống nhất được về phương pháp điều trị. Tuy nhiên, với tinh thần quyết tâm cao và những cân nhắc điều trị phù hợp, chỉ sau 5 lần phẫu thuật bệnh nhân đã có thể đứng dậy và bắt đầu đi lại được trên chính đôi chân tàn tật đó. Giờ đây, bệnh nhân đã có những bước đi bình thường giống như bao người bình thường khác. Cuộc đời của bệnh nhân giờ đây trở nên thật đáng sống và đầy ý nghĩa khi có được một gia đình êm ấm hạnh phúc với một người vợ hiền đảm đang và 3 đứa con xinh xắn. Chẳng ai còn có thể nhận ra được bóng dáng của một bệnh nhân mà trước đó đã được xem là tàn tật suốt đời.
Gia đình họ đã nói với tôi rằng: “Chính bác sĩ là người đã sinh ra con tôi lần thứ 2, và chắp tay xin cho cháu được như là con của tôi khi thắp hương trước bàn thờ gia đình. Đó là điều đã khiến tôi vô cùng xúc động và không thể nào quên”, BS Hoàng thổ lộ.
Hoặc như ca bệnh “Hoàng tử ếch” cũng là một trường hợp rất đặc biệt. Do cả 2 chân của bệnh nhân bị biến dạng cong queo như rễ cây suốt 27 năm ròng rã từ khi mới sinh ra nên bệnh nhân chỉ có thể đi lại bằng đôi tay của mình giống như dáng đi của một con ếch. Sau khi được chữa trị, bệnh nhân giờ đây đã trở thành một thanh niên có dáng đi hoàn toàn giống như bình thường. Anh đã tự mở một xưởng sửa chữa điện tử lớn, mở các lớp đào tạo về nghề sửa chữa điện lạnh cho rất nhiều các bạn trẻ khác. Đó là những ca phẫu thuật thay đổi cả số phận và cuộc đời của người bệnh.
|
Đôi chân của bệnh nhân trước khi được phẫu thuật. |
“Khi thực hiện một ca mổ thành công, niềm vui đối với chúng tôi thực sự là không gì có thể đong đếm được”. Tôi vẫn nói với những bệnh nhân mà chúng tôi đã mổ xong rằng: thành công của ca mổ mang lại niềm vui đối với bệnh nhân là một, thì với các bác sỹ, niềm vui đó được nhân lên gấp nhiều lần. Niềm vui của người bệnh sau khi được điều trị khỏi chính là một nguồn động viên cổ vũ rất lớn đối với các bác sỹ chúng tôi, GS Hoàng nói.
|
Đến nay, chân của bệnh nhân đã được chỉnh thẳng như người bình thường. Trong y học, kết quả này thực sự là một kỳ tích. |
Niềm vui của những người bác sĩ khi đem lại hạnh phúc cho người bệnh thực sự giống như những đóa hoa đẹp và dịu ngọt dâng hiến cho đời. Nếu có thể so sánh với niềm vui của một người nghệ sĩ khi sáng tác được một bản nhạc hay, một bức họa đẹp, thì những ca mổ thành công của các bác sĩ cũng giống như những tác phẩm nghệ thuật để đời đối với họ”, GS Nguyễn Thế Hoàng chia sẻ.
Năm 2008, GS.TSKH Nguyễn Thế Hoàng được biết đến là 1 trong 5 phẫu thuật viên chính đã trực tiếp thực hiện ca mổ ghép cả 2 cánh tay đầu tiên trên thế giới tại thành phố Munich, Cộng hòa liên bang Đức. Sau thành công của ca mổ, GS Nguyễn Thế Hoàng cùng các phẫu thuật viên đã được nhận giải thưởng thành tựu khoa học Karl Max Von Bauerfeind của Đại học Tổng hợp Munich, Cộng hòa liên bang Đức.
Sau khi trở về nước, ông cùng với các đồng nghiệp đã tham gia thực hiện đề tài ghép đa tạng (ghép tim, phổi, giác mạc, chi thể,...) tại bệnh viện TWQĐ 108. Năm 2020, ca ghép chi thể đầu tiên được thực hiện thành công tại Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 đã đưa Việt Nam trở thành nước đầu tiên ở khu vực Đông Nam Á thực hiện ghép chi thể thành công và đây cũng là ca ghép chi thể từ người cho còn sống đầu tiên trên thế giới.
Cho đến nay, GS Nguyễn Thế Hoàng đã cùng đội ngũ các bác sĩ của Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 thực hiện thành công 4 ca ghép chi thể với 6 chi ghép, trong đó, có 2 ca ghép từ người cho còn sống và 2 ca ghép từ người cho chết não.
Ông cũng là tác giả chính của hơn 100 công trình nghiên cứu khoa học đăng trên các tạp chí khoa học trong nước và quốc tế; chủ trì và tham gia nhiều đề tài nghiên cứu khoa học cấp Nhà nước và cấp Bộ. Năm 2013, ông nhận giải thưởng khoa học danh giá Friedrich Wilhelm Bessel của quỹ hàn lâm khoa học Đức Alexander von Humboldt dành cho những công trình nghiên cứu đặc biệt xuất sắc, có tính đột phá khoa học – một giải thưởng được ví như giải Nobel Y học của Đức. Năm 2024, ông chính thức trở thành Viện sỹ Viện Hàn lâm Khoa học Thế giới (TWAS). Đây là Viện HLKH quốc tế trực thuộc UNESCO của Liên hiệp quốc (UN).
Mai Loan