Những ngày này, dư luận sôi sục chuyện 'luận án tiến sĩ cầu lông'. Đầu tiên người ta tưởng là chuyện đùa nhưng té ra là thật. Không những thế còn có ít nhất 6 'luận án cầu lông' khác.
Sau đấy người ta lại phát hiện ra hàng loạt luận án kiểu "Quá trình chuyển biến kinh tế xã hội tỉnh ..." của Viện Hàn lâm Khoa học xã hội.
Dư luận cho rằng các luận án này chỉ là những báo cáo chuyên đề về địa phương nào đấy, cán bộ hành chính nào cũng soạn được. Hơn thế nữa, các luận án đều có lời lẽ và nội dung na ná giống nhau kiểu "chép và dán". Nếu tìm thêm chắc còn nhiều luận án kiểu thế này.
Nếu chúng ta không xác định được nguyên nhân của hiện tượng này và các cơ quan quản lý không đưa ra những biện pháp đúng đắn thì những câu chuyện tương tự sẽ tiếp tục xảy ra, thậm chí còn tinh vi hơn.
Lỗi hệ thống
Trước tiên phải thấy đây là lỗi hệ thống, không phải từ các cá nhân hay hội đồng bảo vệ luận án tiến sĩ.
Có phải 'tiến sĩ cầu lông' làm luận án vì háo danh? Anh ta là giảng viên đại học nên có nhu cầu chính đáng trở thành tiến sĩ để phục vụ công tác giảng dạy.
Ở các nước phát triển, bằng tiến sĩ là yêu cầu tối thiểu đối với giảng viên đại học. Theo quan niệm của thế giới, tiến sĩ là bằng cấp học thuật cao nhất đòi hỏi người có học vị "phải có những kết quả nghiên cứu độc đáo vượt khỏi các tri thức đã biết". Khác với bằng cấp đại học là chứng chỉ về kiến thức, bằng tiến sĩ được coi là chứng chỉ về khả năng nghiên cứu sáng tạo kiến thức, không phải cứ học là được. Vì thế người ta thường dùng từ "làm tiến sĩ" chứ không phải "học tiến sĩ".
Vậy thì luận án của 'tiến sĩ cầu lông' có xứng đáng là luận án tiến sĩ không?
Theo quan điểm nhiều nhà khoa học, luận án chỉ xứng tầm luận án tốt nghiệp đại học. Vấn đề ở đây là người hướng dẫn và hội đồng bảo vệ gồm những chuyên gia trong ngành đã thông qua luận án. Họ không hiểu yêu cầu đối với luận án tiến sĩ hay sao? Tất cả đều thực hiện theo đúng quy trình. Bộ GD-ĐT có tiến hành hậu kiểm đi nữa cũng phải dựa ý kiến của các chuyên gia trong ngành. Liệu họ có dám kết luận các đồng nghiệp của mình không đủ trình độ hay không.
Tất cả những điều này phản ánh thực tế là nền khoa học Việt Nam quá yếu kém, không đủ sức đánh giá chất lượng thực sự của luận án trong nhiều chuyên ngành. Việc hậu kiểm của Bộ GD-ĐT chắc chắn không giải quyết được vấn đề này.
Chúng ta còn nhớ có thời kỳ Viện Hàn lâm Khoa học xã hội đào tạo cứ 3 ngày được 2 tiến sĩ. Bộ GD-ĐT đã tiến hành thanh tra năm 2017 và kết luận những sai phạm tại Viện Hàn lâm Khoa học xã hội, nhưng không có tiến sĩ nào bị rút bằng hay cơ sở nào bị đình chỉ đào tạo cả.
Vậy làm thế nào có thể đánh giá chất lượng các luận án tiến sĩ một cách khách quan?
Nhiều nước thường quy định luận án tiến sĩ phải có công bố trong những tạp chí quốc tế có sự đảm bảo về chất lượng chính vì họ muốn có một sự thẩm định từ bên ngoài. Quy chế đào tạo tiến sĩ năm 2017 của Bộ GD-ĐT cũng quy định luận án tiến sĩ phải có ít nhất một công bố trên các các tạp chí quốc tế có uy tín và một công bố trong nước. Ngoài ra, người hướng dẫn luận án tiến sĩ cùng phải có công bố quốc tế. Quy chế 2017 đã góp phần nâng cao chất lượng đào tạo tiến sĩ ở tất cả các cơ sở đào tạo. Các "lò ấp" tiến sĩ không tuyển được nhiều nghiên cứu sinh nữa vì các luận án kiểu trên không thể công bố được ở các tạp chí quốc tế nghiêm túc.
Mặc dù Quy chế 2017 mới được áp dụng từ năm 2020 cho các nghiên cứu sinh tuyển vào từ năm 2017, nhưng Bộ GD-ĐT đã ban hành Quy chế đào tạo tiến sĩ mới năm 2021. Quy chế mới không yêu cầu bắt buộc có công bố quốc tế như Quy chế 2017. Thậm chí, nó cho phép luận án tiến sĩ và người hướng dẫn chỉ cần có công bố trên các tạp chí làng nhàng trong nước thấp hơn cả tiêu chuẩn đầu ra của quy chế trước năm 2017 là thời kỳ có nhiều tiêu cực.
Khi ban hành quy chế Quy chế đào tạo tiến sĩ 2021, Bộ GD-ĐT giải thích là Quy chế 2017 “thắt chặt đào tạo tiến sĩ” và “bối cảnh đã thay đổi” nên Quy chế mới chỉ “đưa ra yêu cầu tối thiểu cho tất cả các cơ sở giáo dục đại học và các ngành” theo cơ chế tự chủ, tự chịu trách nhiệm. Làm như vậy Bộ đã vô tình hợp pháp hoá việc đào tạo tiến sĩ chất lượng thấp, đi ngược lại mục tiêu nâng cao chất lượng đào tạo theo các chuẩn mực quốc tế do chính Bộ đặt ra khi bắt đầu soạn thảo quy chế 2021.
Các luận án được nhắc đến ở trên cho thấy nhiều cơ sở đào tạo hàng đầu của đất nước sẵn sàng cho ra lò các luận án tiến sĩ chất lượng ngờ nghệch đến nỗi dư luận bị "choáng".
Tóm lại, có thể kết luận cơ chế tự chủ, tự chịu trách nhiệm không có tác dụng đào thải trong đào tạo tiến sĩ, không ngăn cản được việc các "lò ấp" tiến sĩ hồi sinh.
Xã hội sẽ không còn ai tin vào học vị tiến sĩ nữa?
Có một số ý kiến nói rằng nền khoa học chúng ta yếu kém, chế độ đãi ngộ lại thấp nên tiêu chuẩn đầu ra tiến sĩ cũng chỉ nên thấp thôi. Tiến sĩ trình độ thấp sẽ đào tạo các tiến sĩ trình độ thấp hơn nữa. Nếu chấp nhận tiêu chuẩn thấp như Quy chế 2021 thì chất lượng giảng dạy và nghiên cứu khoa học của chúng ta sẽ suy đồi chỉ sau vài thế hệ.
Đúng ra, Bộ GD-ĐT phải đặt chuẩn đầu ra của tiến sĩ tiệm cận dần trình độ thế giới. Ngay yêu cầu công bố quốc tế của Quy chế 2017 vẫn còn thấp hơn một số nước quanh ta. Với việc quy chế 2021 không còn yêu cầu công bố quốc tế, có thể khẳng định giáo dục đại học ở Việt Nam sẽ còn tụt hậu hơn nữa so với các nước Đông Nam Á.
Nhiều ý kiến cho rằng đang tồn tại các chính sách khuyến khích việc háo danh thông qua việc sử dụng bằng tiến sĩ. Tuy nhiên, cần phải thấy rằng tiến sĩ là một cấu thành không thể thiếu được trong hệ thống giảng dạy và nghiên cứu khoa học ở bất kỳ nước nào. Đó chỉ là chứng chỉ năng lực cho những người làm việc trong các cơ sở đào tạo và viện nghiên cứu.
Trên thực tế, bậc lương khởi điểm của tiến sĩ chỉ hơn bậc lương khởi điểm của người tốt nghiệp đại học một bậc lương, tương đương khoảng 500.000 đồng. Có bằng tiến sĩ cũng không có nghĩa sẽ trở thành phó giáo sư nếu không có nhiều công bố trong các tạp chí quốc tế có uy tín. Như vậy, không thể nói có chính sách khuyến khích háo danh thông qua việc sử dụng bằng tiến sĩ trong hệ thống giảng dạy và nghiên cứu.
Vấn đề ở đây là đầu ra thấp sẽ tạo điều kiện cho những người háo danh ở các cơ quan quản lý nhà nước gắn mác tiến sĩ, nhất là khi nhiều cơ quan có những quy định chuẩn hoá tiến sĩ cho các vị trí quản lý không cần gì đến khả năng nghiên cứu sáng tạo cả. Những người này sẽ tìm đến những "lò ấp" tiến sĩ để có được cái bằng. Chính chuẩn đầu ra thấp đã hợp thức hoá việc đào tạo tiến sĩ ở các cơ sở này. Nếu chúng ta đào tạo "tiến sĩ thật" theo các chuẩn mực quốc tế thì làm gì có chỗ cho nạn háo danh phát triển.
Cuối cùng, tôi muốn nhấn mạnh yêu cầu luận án tiến sĩ có công bố trong các tạp chí quốc tế có uy tín là tiêu chuẩn đánh giá khách quan duy nhất đối với một "tiến sĩ thật".
Có người sẽ thắc mắc tạp chí quốc tế cũng có thể mua được. Đúng là có nhiều tạp chí mới ra đời gần đây kinh doanh bằng cách duyệt bài “thần tốc” và bắt tác giả phải trả tiền. Bộ GD-ĐT chỉ cần loại bỏ các tạp chí này ra sẽ loại bỏ được hiện tượng mua bài. Trong bất kỳ chuyên ngành nào cũng có những tạp chí nghiêm túc không bắt tác giả phải trả tiền khi đăng bài. Cũng cần phải chú ý rằng, tạp chí quốc tế có uy tín ở đây cũng bao gồm các tạp chí trong nước được xếp hạng trong các danh mục tạp chí có chất lượng được quốc tế thừa nhận rộng rãi.
Không có một tiêu chuẩn khách quan thì những quy định đầu vào hay yêu cầu giải trình xã hội, liêm chính học thuật v.v. không thể ngăn cản được việc cho ra lò các “tiến sĩ rởm”. Điều tai hại nhất của Quy chế 2021 là tạo ra hành lang pháp lý cho việc này.
Chỉ cần vài năm đào tạo tiến sĩ theo Quy chế 2021 thì thật giả sẽ lẫn lộn, xã hội sẽ không còn ai tin vào học vị tiến sĩ nữa.
Tôi rất hy vọng Bộ GD-ĐT can đảm sửa lại Quy chế đào tạo tiến sĩ 2021 theo hướng nâng cao chất lượng đầu ra, giữ yêu cầu luận án có công bố quốc tế trên các tạp chí quốc tế có uy tín với những điều chỉnh thích hợp cho các ngành còn yêú về công bố quốc tế, nhưng vẫn đảm bảo tiếp cận các chuẩn mực quốc tế.
Trong một xã hội liêm chính thì có thể dùng cái tốt át cái xấu, còn trong một xã hội chưa liêm chính thì phải có chế tài không cho cái xấu phát triển!
GS.TSKH Ngô Việt Trung
(Bài viết thể hiện quan điểm của tác giả)