GS. Đặng Văn Chung (1913-1999) tại Sa Đéc, Đồng Tháp. Ngay từ nhỏ ông đã nổi tiếng bởi tư chất thông minh, hiếu học. Sau khi tốt nghiệp trường Trung học Chasseloup-Laubat, một “trường Tây” ở Sài Gòn trước cách mạng, chỉ tuyển những học trò giỏi, ông đậu vào trường Đại học Y-Dược Hà Nội. Năm 1937 ông thi đỗ kỳ thi tuyển bác sĩ nội trú, làm việc tại Bệnh viện Bạch Mai.
|
GS. Đặng Văn Chung được mệnh danh là "phù thủy" trong chẩn đoán bệnh. |
Năm 1952, GS. Đặng Văn Chung sang Paris thi lấy bằng thạc sĩ y khoa, học vị cao nhất trong ngành y lúc bấy giờ. Về nước có thời điểm ông được bổ nhiệm làm Phó Hiệu trưởng Đại học Y Hà Nội. Tuy nhiên, mấy năm sau ông đã xin thôi chức chỉ đảm nhận chức Chủ nhiệm Bộ môn Nội trường Đại học Y Hà Nội, Tổng chủ nhiệm Khoa Nội Bệnh viện Bạch Mai để chuyên tâm vào việc giảng dạy và khám chữa bệnh.
Chẩn bệnh như thần
Trong mắt đồng nghiệp, học trò, GS. Đặng Văn Chung là một nhà lâm sàng học uyên bác. Dựa vào khối lượng kiến thức có được, qua những lần thăm khám bệnh nhân chỉ với những dụng cụ thô sơ, những xét nghiệm đơn giản ông đã phát hiện được nhiều loại bệnh khó, những loại bệnh mà ngày nay phải nhờ đến những phương tiện xét nghiệm hiện đại mới chẩn đoán được.
“Vào thời của GS. Đặng Văn Chung, bệnh nhiễm trùng ở nước ta khá phổ biến, trong đó có những bệnh khó chẩn đoán, nếu không có những phương tiện hiện đại như siêu âm, chụp citi, nuôi cấy vi khuẩn. Sau một thời gian nghiên cứu, GS. Đặng Văn Chung đưa ra một khái niệm về nhiễm trùng vùng sâu, nhờ vậy mà việc chẩn đoán trở nên chính xác hơn nhiều và tỷ lệ tử vong giảm xuống” – GS. TS. Nguyễn Khánh Trạch (Bệnh viện Bạch Mai) học trò của GS. Đặng Văn Chung kể.
GS. Phạm Gia Khải, nguyên Viện trưởng Viện Tim mạch Việt Nam cũng kể lại, GS. Đặng Văn Chung có kiểu khám bệnh rất đặc biệt, có hệ thống, không bỏ qua mọi chi tiết có liên quan tới người bệnh và tới những triệu chứng lâm sàng phát hiện được.
GS. Phạm Gia Khải kể: “Năm 1961, tôi được theo dõi một bệnh nhân lên cơn động kinh nhiều lần, cơ thể rất béo, hỏi kỹ được biết người bệnh này hay bị đói và phải ăn nhiều đồ ngọt để tránh lên cơn giật. Thầy Chung đã đích thân đi đến gặp bệnh nhân và hỏi han tình hình bệnh, sau đó thầy cho tôi mượn một quyển sách nói về hiện tượng bệnh này để tham khảo.
Sau khi đọc, tôi báo cáo với thầy mình hướng tới chẩn đoán cơn động kinh do hạ đường huyết, vì làm xét nghiệm khi đó thấy đường huyết rất thấp, có nhiều khả năng là do u tụy nội tiết - một căn bệnh mà cho đến lúc bấy giờ rất hiếm bác sĩ phát hiện ra. Khối u chỉ bé bằng hạt ngô, sờ nắn bên ngoài chẳng có cảm giác gì, chụp điện quang cũng chẳng rõ, do vậy dễ bỏ qua.
Bệnh nhân được chuyển lên Bệnh viện Việt - Đức, đích thân GS. Tôn thất Tùng phẫu thuật, lấy được khối u ở phần đuôi tụy, bệnh nhân khỏi hẳn động kinh, xuống cân, trở lại bình thường. Thành công này đánh dấu cho một bước trưởng thành trong lâm sàng Nội khoa, mà GS Đặng Văn Chung là người đã giúp chúng tôi thực hiện, để thấy sự tài tình của thầy Chung trong khám lâm sàng, chẩn đoán bệnh”.
Thậm chí có những trường hợp tưởng chừng như đã hết cách chữa và gia đình chỉ còn lo việc hậu sự, nhưng khi được "Phù thủy" thăm khám, chẩn đoán đúng bệnh và điều trị kịp thời nên người bệnh đã qua khỏi và khỏe mạnh trở lại.
Trường hợp chẩn đoán bệnh cho GS. Nguyễn Tấn Gi Trọng là một ví dụ điển hình. Khi GS. Đặng Văn Chung đến bệnh viện thăm với tư cách cá nhân, chỉ qua trò chuyện hỏi han bệnh tình, ông đã phát hiện được chính xác bệnh của GS. Nguyễn Tấn Gi Trọng. Sau đề xuất chuyển hướng điều trị của GS. Đặng Đình Chung, GS. Gi Trọng đã khỏi bệnh và đi lại bình thường.
Chính GS. Tôn Thất Tùng khi còn sống đã từng nói “Tôi không thể yên tâm mổ tim mà không có chẩn đoán của GS. Đặng Văn Chung”.
Nhà sư phạm y học hiếm có
Không chỉ khám bệnh như thần, trong mắt biết bao thế hệ học trò y khoa, GS. Đặng Văn Chung còn là một nhà sư phạm hiếm có.
|
Trong mắt học trò, GS. Đặng Văn Chung là một nhà sư phạm tài ba |
Khi giảng dạy, ông đã sử dụng hai phương pháp phối giảng và giảng thảo. Phối giảng là phối hợp với nhiều giảng viên để giảng giải về một vấn đề, còn giảng thảo là hình thức thảo luận, trao đổi của giảng viên với sinh viên về một đề tài, một vấn đề.
Trong ký ức của những sinh viên y khoa được giữ lại trường, niên khóa 1954-1960, thì trong thời gian tập sự, trước khi bắt đầu đứng trên bục giảng cho sinh viên, bao giờ GS. Đặng Văn Chung cũng yêu cầu họ phải giảng trước cho ông và một số đồng nghiệp nghe, nếu đạt ông mới cho lên bục giảng, không đạt phải tập duyệt lại.
Đặc biệt, đối với GS. Đặng Văn Chung, dạy học không chỉ là dạy kiến thức mà còn là dạy y đức. Ông luôn dạy học trò từ những chi tiết rất nhỏ như: tiêm thế nào tránh để đau thêm cho bệnh nhân; trò chuyện thế nào để bệnh nhân cảm thấy thoải mái…
Năm 2000, GS. Đặng Văn Chung được Nhà nước ta phong tặng giải thưởng Hồ Chí Minh về các công trình khoa học Y – Dược.
Mời độc giả xem video:Tìm thấy viên kim cương lớn thứ 29 trên thế giới. Nguồn: THDT.
Sơn Hà