Trong cuộc sống hiện đại bận rộn, không phải ai cũng còn giữ được thói quen đọc sách. Đặc biệt, đối với giới trẻ, có quá nhiều thứ hấp dẫn, mang tính giải trí từ mạng xã hội khiến nhiều người không có đủ thời gian để đọc sách, hoặc ngại, ít đọc, thậm chí là không đọc sách nữa.
|
GS. Nguyễn Anh Trí chia sẻ, nhiều năm qua, ông vẫn giữ thói quen đọc sách. Và ông tự đặt ra “chỉ tiêu” cho mình, một năm phải đọc được bao nhiêu cuốn sách. Ảnh: NVCC. |
Trao đổi với PV Tri thức và Cuộc sống, GS.Nguyễn Anh Trí, Đại biểu Quốc hội khóa XV chia sẻ, với ông, việc đọc sách rất quan trọng.
Ngày trước, gia đình ông rất nghèo, không có thời gian dành riêng cho đọc sách. Ông thường tranh thủ mọi lúc có thể để đọc, có khi là buổi trưa, lúc chăn trâu, hoặc giờ nghỉ sau lao động giúp gia đình.
Nhưng cũng từ những giờ phút “tranh thủ” ấy, mà có những cuốn sách đã ảnh hưởng lớn nhận thức, giúp thay đổi cuộc đời ông, khiến ông say mê với khoa học, nhen lên ngọn lửa tình yêu với ngành Y, với quê hương, đất nước.
“Ngày xưa, tôi học cũng bình thường thôi. Nhưng một lần tôi đọc cuốn “Đường vào khoa học”, tôi bỗng thấy đam mê khoa học, và rồi học hành chăm chỉ hẳn lên, kết quả tốt lên rõ rệt.
Đặc biệt, trong một lần đến nhà bạn chơi, tôi đọc được cuốn sách về GS. Đặng Văn Ngữ (Chuyện về nhà bác học yêu nước). Lúc đó, tôi chuẩn bị thi đại học. Câu chuyện về GS Đặng Văn Ngữ đã khơi dậy tình yêu trong tôi với nghề Y, với bệnh nhân. Và điều đó giúp tôi phấn đấu để thi đỗ Đại học y khoa, rồi cố gắng học tập và hết lòng thương yêu người bệnh như GS. Đặng Văn Ngữ. Có thể nói, đây là một trong những cuốn sách đã giúp “bẻ ghi” cuộc đời tôi”, GS. Nguyễn Anh Trí chia sẻ.
Theo GS.TS Nguyễn Anh Trí, sách luôn là người bạn tốt nhất, chân thành nhất, thủy chung nhất và gần gũi nhất. Hơn thế nữa, sách còn là người thầy có tầm hiểu biết sâu rộng nhất và có sự ảnh hưởng lớn nhất.
|
Theo GS. Nguyễn Anh Trí, để giữ được thói quen đọc sách, mỗi cá nhân phải coi việc đọc sách như một công việc thường xuyên, thường trực như các công việc khác. Ảnh: NVCC. |
Ngày nay, giới trẻ có nhiều thứ đáng quan tâm vì xã hội đã phát triển, cuộc sống đã rất hiện đại, thế giới thì trở nên phẳng. Đó là điều chúng ta phải chấp nhận. Tuy nhiên, dù thế nào đi nữa cũng phải đọc sách.
Việc này cả xã hội phải cùng làm, mỗi gia đình phải quan tâm việc đọc sách và mỗi cá nhân nhất khoát phải dành thời gian để đọc sách.
Bản thân ông bao nhiêu năm qua vẫn luôn giữ thói quen đọc sách. Và ông tự đặt ra “chỉ tiêu” cho mình, một năm phải đọc được bao nhiêu cuốn sách.
GS. Nguyễn Anh Trí cho rằng, để giữ được thói quen đọc sách thì mỗi cá nhân phải coi việc đọc sách như một công việc phải thường xuyên, thường trực như các công việc khác.
Tuy nhiên, trong kỷ nguyên thông tin như bây giờ thì khái niệm về “sách”, cần được mở rộng. “Sách” ở đây có thể là sách giấy truyền thống, hoặc bản mềm điện tử; “sách” có thể là báo, tạp chí, các kênh thông tin bổ ích; “sách” cũng có thể là bài viết hay trên mạng xã hội.
Miễn là vẫn dành thời gian để đọc và lĩnh hội các tri thức. Đặc biệt là đọc xong phải biết ứng dụng vào cuộc sống.
“Chứ đừng đọc mà không hiểu, hoặc đọc xong lại như “nước đổ đầu vịt” thì việc đọc không có ý nghĩa”, GS. Nguyễn Anh Trí chia sẻ.
GS. Nguyễn Anh Trí tiết lộ, một số quyển sách đã tạo ra bước ngoặt, "bẻ ghi" cuộc đời ông, đó là: "Khoa học hóa cách suy nghĩ, làm việc, học tập và nghiên cứu khoa học"; "Suy nghĩ về những câu Mác trả lời con gái"; "Tục ngữ, ca dao, dân ca Việt Nam"; "Thép đã tôi thế đấy";… Và gần đây là: "Cẩm nang chuyển đổi số".
Theo ông, vì sách có thể có ảnh hưởng lớn tới nhận thức, sự phát triển của mỗi người nên việc lựa chọn sách rất quan trọng. Và trong mỗi gia đình, sách nên được coi là một loại tài sản đặc biệt trân quý và phải được lưu giữ ở nơi trang trọng nhất.
Mai Loan