|
Hai bức ảnh phổ biến nhất khi tìm kiếm từ khóa "Sương Nguyệt Anh".
|
Đại diện Google Việt Nam trả lời Zing: "Ngày 1/2 vừa qua chúng tôi đã thực hiện một Doodle đặc biệt nhằm tôn vinh cuộc đời và sự nghiệp của bà Sương Nguyệt Anh, nữ chủ bút đầu tiên của tờ báo dành cho phụ nữ đầu tiên tại Việt Nam. Tuy nhiên, Doodle này đã thể hiện hình ảnh không chính xác với chân dung của bà Sương Nguyệt Anh. Chúng tôi thành thật xin lỗi về sự cố này và đã tạo nên những xao lãng không đáng có trong việc tôn vinh các thành tựu đáng kính của bà Sương Nguyệt Anh".
Ngày 1/2 vừa qua, người dùng bất ngờ khi trên trang Google tại Việt Nam, logo quen thuộc của công cụ này được thay bằng hình ảnh người phụ nữ mặc áo dài, bên cạnh đó là bình mai và các trang giấy.
Theo thông tin giới thiệu từ Google Doodle, đây là hình ảnh của nữ sĩ Sương Nguyệt Anh - nữ tổng biên tập đầu tiên của Việt Nam. Hình ảnh của bà được xuất hiện trên Google Doodle nhân 105 năm ngày phát hành số đầu tiên của tờ báo Nữ giới chung, 1/2/1918. Bức họa do họa sĩ Camelia Phạm thực hiện.
Tuy nhiên, sau khi hình ảnh được chia sẻ rộng rãi, một số nghi vấn được đặt ra cho rằng họa sĩ đã lấy nhầm nguyên mẫu để vẽ chân dung nữ sĩ Sương Nguyệt Anh.
"Dường như họa sĩ đã dùng hình ảnh thứ 2 để minh họa, song đây không phải hình bà Sương Nguyệt Anh. Đây là bà Đặng Kim Chi (1936-2010), cựu hiệu trưởng Trường Nữ Trung Học Tổng Hợp Sương Nguyệt Anh", tài khoản Facebook Nguyễn Huy Hoàng đặt vấn đề và đưa ra một số hình ảnh của bà Đặng Kim Chi.
|
Hình ảnh của GS Đặng Kim Chi được độc giả đưa ra để so sánh. Ảnh: FB Nguyễn Huy Hoàng.
|
Trong bức vẽ của Camelia Phạm có một số chi tiết giống một bức tranh được cho là chân dung của nữ sĩ Sương Nguyệt Anh với chiếc áo dài màu xanh lá và một tấm bảng nhỏ đề chữ "Nữ Giới Chung" như: màu sắc trang phục, kiểu dáng và họa tiết. Tuy nhiên, đường nét ngũ quan, kiểu tóc và đôi hoa tai của chân dung trong tranh Camelia Phạm thì tương tự bức hình được cho là chụp bà Đặng Kim Chi - cựu hiệu trưởng Trường Nữ Trung Học Tổng Hợp Sương Nguyệt Anh.
Đây không phải là lần đầu tiên xảy ra sự nhầm lẫn về hình ảnh của nữ sĩ Sương Nguyệt Anh. Bà qua đời ngày 20/1/1921 và cho đến nay người ta hầu như không thể tìm thấy tấm ảnh nào của bà. Ngay cả ngôi mộ của bà trong khuôn viên Khu lăng mộ và tưởng niệm Nguyễn Đình Chiểu tại Ba Tri, Bến Tre cũng chỉ có thông tin mà không có hình ảnh.
|
Google ngày 1/2 tôn vinh Sương Nguyệt Anh - nữ tổng biên tập đầu tiên của tờ báo phụ nữ đầu tiên ở Việt Nam. Ảnh: Google Doodle.
|
Một số độc giả tỏ ra thông cảm khi nghi vấn nhầm lẫn hình ảnh được đưa ra. "Điều quan trọng nhất là Google đã tôn vinh bà Sương Nguyệt Anh. Không nên căng quá!", độc giả Phạm Thiết Hùng bình luận.
"Sương Nguyệt Anh được nhớ đến với trí tuệ và nhân cách cao đẹp, cũng như sự kiên cường vượt qua nghịch cảnh. Bà tiên phong cho các nhà văn và biên tập viên nữ ở Việt Nam, mở đường cho các thế hệ sau. Bà có mối quan hệ với mọi tầng lớp xã hội và đối xử với mọi người một cách tôn trọng", trích phần giới thiệu trên Google Doodle ngày 1/2.
Theo Thanh Trần/Zing News