Góc nhìn uyên bác về nghệ thuật tiểu thuyết

Google News

Sớm nổi tiếng với các bài thơ và tiểu thuyết, Milan Kundera còn được biết tới với vai trò viết kịch, phê bình và tiểu luận.

Goc nhin uyen bac ve nghe thuat tieu thuyet

 

Các tiểu luận của ông chinh phục người đọc không chỉ bởi các khái niệm, thuật ngữ mà còn bằng lối kể chuyện hấp dẫn và độc đáo. Mới đây, cuốn tiểu luận uyên bác của ông về nghệ thuật tiểu thuyết trong dòng chảy văn học và trong tương quan với âm nhạc - Những di chúc bị phản bội - đã ra mắt độc giả Việt Nam.

Như một hiệp sĩ rong ruổi dọc lịch sử văn hóa châu Âu, Kundera viết Những di chúc bị phản bội với tư cách là nhà phê bình văn học, nhà phê bình âm nhạc... Ông dành sự quan tâm đặc biệt với các nhà văn lớn của thế kỷ XX như Franz Kafka, Thomas Mann, Hemingway, Rabelais và những nhà soạn nhạc mà ông ngưỡng mộ với lượng kiến thức gây choáng ngợp.

“Tuy phần lớn những bài viết sau đây đã được viết trong những hoàn cảnh nhất định khác nhau, nhưng tôi đều đã viết với ý định một ngày nào đó sẽ nối kết chúng lại với nhau trong một cuốn tiểu luận, tổng kết suy nghĩ của tôi về nghệ thuật tiểu thuyết”, Kundera khẳng định.

Những di chúc bị phản bội gồm 9 phần liên kết với nhau bằng các phân đoạn với một sự thông suốt trong tư tưởng về nghệ thuật và người sáng tạo nghệ thuật.

Xuyên suốt 9 chương của tiểu luận, các nhà văn và nhà soạn nhạc liên tục xuất hiện và tái xuất hiện, đi qua và đan chéo nhau giống như những nhân vật trong tiểu thuyết, để rồi qua đó thể hiện quan điểm của Kundera về nghệ thuật viết tiểu thuyết cũng như sự tôn trọng dành cho các tác phẩm nghệ thuật và ý nguyện của người tạo ra chúng.

Ông kịch liệt chỉ trích những hành động coi thường, bóp méo ý nguyện của người sáng tạo nghệ thuật; làm tổn hại đến tác phẩm nghệ thuật của họ bằng cách chỉnh sửa, thêm, xóa, tự ý xuất bản hoặc biểu diễn; áp đặt tác phẩm, thời sự hóa nó, cắt nghĩa nó, biến nó thành chìa khóa để tọc mạch tiểu sử.

Ông cho rằng: “Những tác phẩm lớn chỉ có thể ra đời trong lịch sử của ngành nghệ thuật của nó và bằng cách tham gia vào lịch sử đó. Chỉ ở bên trong lịch sử mới có thể hiểu được cái gì là mới mẻ và cái gì là lặp lại, cái gì là khám phá và cái gì là bắt chước, nói cách khác, chỉ ở bên trong lịch sử một tác phẩm mới có thể tồn tại như giá trị có thể nhận chân và đánh giá”.

Kundera đề cao tính trung thành của bản dịch với nguyên tác cũng như của người dịch với tác giả. Ví như khi viết về Kafka, ông thấy thật lạ khi người ta thích màu mè, trữ tình hóa văn chương Kafka hơn là dịch sát từng câu từ đẹp và đơn giản của Kafka, đồng thời chỉ ra những sai lầm trong việc đọc, hiểu và dịch Kafka.

Chính trong những người ái mộ Kafka, không ít người “phản bội” Kafka khi “làm trái” di chúc của Kafka và “đưa ông ra ánh sáng”, tự ý vẽ nên hình ảnh Kafka, ra sức quảng bá Kafka theo những cách kịch tính nhất có thể, hay đã thần thánh hóa, khổ hạnh hóa Kafka.

Những di chúc bị phản bội được xuất bản lần đầu vào năm 1993; nội dung thậm chí được coi là mang tính khai sáng và vượt trước thời đại. Cuốn tiểu luận do Nhã Nam và Nhà xuất bản Hội Nhà văn liên kết xuất bản.

Theo Văn Lam/Hà Nội mới