Hứa Du cậy mình là bạn của Tào Tháo, có công lớn trong việc giúp Tào Tháo thắng trong trận Quan Độ và chiếm Nghiệp Thành, nên Hứa Du thường hay khoe khoang công trạng và tỏ ra bất kính luôn hạ nhục Tào Tháo trước mặt mọi người, thậm chí gọi cả tên cúng cơm của Tào Tháo, không kiêng nể gì. Chính vì điều này mà Hứa Du mất mạng.
Hứa Du (157 - 204) là bạn thuở thiếu thời của Tào Tháo, là một mưu sĩ thân tín của Viên Thiệu cuối thời Đông Hán. Trong trận Quan Độ, Hứa Du đã rời bỏ Viên Thiệu và đầu quân của Tào Tháo. Hứa Du sau đó, đã hiến kế giúp cho Tào Tháo tiêu diệt gần như hoàn toàn quân số của đối thủ lớn nhất Viên Thiệu, tiến tới chiếm được Nghiệp Thành (thủ phủ Ký châu) và đánh bại nốt các thế lực chống đối ở Trung Nguyên, tạo điều kiện xây dựng nên nhà Tào Ngụy đồng thời chấm dứt thời kì Tiền Tam Quốc.
Tuy nhiên, Hứa Du cậy mình có công tỏ ra bất kính, thường hay chửi mắng Tào Tháo, khiến Hứa Chử do không kìm được sự tức giận đã giết chết Hứa Du.
Trong phim Tam quốc diễn nghĩa 2010, sau khi giết Hứa Du, Hứa Chử đã đem đầu Hứa Du đến nộp cho Tào Tháo, khiến họ Tào nổi giận lôi đình sai người mang Hứa Chử ra chém để thị chúng, nhưng được Tào Phi và quần thần xin tha, nhưng Tào Tháo vẫn không nguôi giận. Phải đến khi Tuân Úc nói đã tận mắt thấy Hứa Du huênh hoang kiêu ngạo ngay trước cổng thành, và tận tai nghe thấy Hứa Du nhục mạ Tào Tháo. Sau đó Tuân Úc kiến nghị hậu táng Hứa Du, tấu lên thiên tử truy phong Hứa Du làm Đương Dương hầu, đồng thời phạt nặng Hứa Chử bắt Hứa Chử khấu đầu tạ tội trước mộ Hứa Du.
Sau khi nghe Tuân Úc khuyên nhủ, Tào Tháo đã tha chết cho Hứa Chử, giáng làm binh sĩ, phải đi nuôi ngựa và ba tháng không được uống rượu, đồng thời còn phải tới mộ Hứa Du khấu đầu tạ tội.
Có thể thấy, hình phạt này của Tào Tháo đối với Hứa Chử không hề nặng. Việc ông nổi nóng lúc đầu đòi chém Hứa Chử chỉ là một vở kịch, đối với con người thông minh và đa mưu như Tào Tháo, ông đã tính trước được nước cờ nếu đem chém Hứa Chử ắt sẽ có người xin tha mạng cho hắn, và ông chỉ cần chờ cái lý do hợp lý để chấp thuận.
Về cái chết của Hứa Du, có nhiều ý kiến đánh giá, phải chăng do Hứa Du là chỗ bạn bè cũ, lại từng nhiều lần lập công lớn, nếu như vì vài câu nói của Hứa Du mà giết ông ta, Tào Tháo sẽ mang tiếng là đố kỵ người hiền tài nên việc Hứa Chử giết chết Hứa Du có lẽ không hẳn là sự vô tình không kiềm chế mà ra tay, có lẽ có sự nhúng tay ngầm của Tào Tháo.
Tào Tháo yêu người tài, khát người tài, tìm mọi cách để có được người tài. Tuy nhiên, không phải cứ người có tài là Tào Tháo thu dụng. Nguyên tắc trong việc tuyển chọn người tài của Tào Tháo chính là phẩm chất đạo đức của người đó phải ở mức "chấp nhận được", ít nhất phải là kẻ trung thành tuyệt đối. Nhưng ở đây, Hứa Du lại là một người tham lam, không trung thành và đặc biệt là Hứa Du còn không tôn trọng Tào Tháo. Đối với một người bất tuân như vậy ắt hẳn Tào Tháo sẽ không giữ bên mình.
Còn về phần Hứa Chử, Tào Tháo biết đây là một bề tôi trung thành sẵn sàng chết vì ông, nên dù cho không có ai xin tha mạng cho Hứa Chử thì Tào Tháo cũng không giết.
Hứa Chử là cận vệ bên cạnh Tào Tháo lập được nhiều công lớn và cùng Tào Tháo tham gia nhiều trận chiến lớn, được Tào Tháo so sánh như Phàn Khoái, công thần khai quốc nhà Tây Hán.
Theo Quốc Tiệp/ Người Đưa Tin