Giai thoại lạ lùng về đồng tiền trong lịch sử Việt Nam

Google News

(Kiến Thức) - Lịch sử Việt Nam từng lưu truyền những câu chuyện ly kỳ, giai thoại thú vị liên quan tới đồng tiền. Cho đến nay, hậu thế vẫn chưa tìm ra lời giải về tính thực hư của những câu chuyện có phần bí ẩn này. 

Tiền là vật ngang giá chung có tính thanh khoản cao nhất do Nhà nước phát hành, lưu thông rộng rãi và mọi người đều chấp nhận sử dụng. Chính vì vậy tiền có vị trí quan trọng và là một đối tượng được đề cập thường xuyên ở mọi khía cạnh trong đời sống xã hội, từ đó cũng có không ít câu chuyện lạ kỳ liên quan đến tiền.
Giai thoại lạ lùng về tiền biết bay
Trong sách Kiến văn tiểu lục của Bảng nhãn Lê Quý Đôn có chép về chuyện lạ lùng này sau khi dẫn lại một cuốn sách khác, ông cho rằng đây như một điềm báo về việc hưng phát sự giàu có của một số người ở các vùng như Thiên Bản xứ Sơn Nam (nay là huyện Vụ Bản, tỉnh Nam Định), Thanh Quan xứ Sơn Nam Hạ (nay thuộc tỉnh Thái Bình), Tứ Kỳ và Đường An của xứ Hải Dương (Tứ Kỳ nay vẫn là tên một huyện, còn Đường An nay là huyện Bình Giang, tỉnh Hải Dương).
Giai thoai la lung ve dong tien trong lich su Viet Nam
Lạ kỳ chuyện tiền bay. (Hình minh họa – Nguồn: vi.pngtree.com).  
Chuyện lạ này xảy ra vào năm Kỷ Mão (1699), sách Kiến văn tiểu lục có đoạn viết như sau: “Thuyết linh thuật dị chép rằng: Năm Khang Hy thứ 38, tháng 5 và tháng 6, hai tháng ở Quỳnh Châu thuộc Quảng Đông có tiền nguyên bảo từ không trung bay qua, theo đường Giao Chỉ, An Nam mà bay đi, có tiếng leng keng, đằng trước có hai lá cờ vàng, ở giữa rất nhiều tiền nguyên bảo, cuối cùng có sắc vàng như tờ giấy bay theo từ đầu giờ ngọ đến giờ dậu mới thôi, cứ như thế bay trong 2 tháng, quan lại quân dân không ai là không ngửa mặt lên không trung để xem. Tính năm thì lúc ấy ngang với năm thứ 20 niên hiệu Chính Hòa nước ta. Trong lúc này, nước ta những tên huyện Lân ở Thiên Bản, cống Trung ở Thanh Quan, bà Bổi ở Tứ Kỳ, Hưởng Trật ở Đường An, người nào cũng khởi gia giàu dữ, vàng bạc tiền thóc, kể có ức vạn, đất nhiều ruộng tốt khắp một địa phương, không phải là không có duyên cớ”.
Giai thoại tiền hóa thành đất
Giai thoại này liên quan đến Nhữ Công Toản, người làng Hoạch Trạch (tên nôm là làng Vạc), huyện Đường An, xứ Hải Dương (nay thuộc huyện Bình Giang, tỉnh Hải Dương). Ông vốn tên là Nhữ Đình Toản, vì được chúa Ân vương Trịnh Doanh yêu mến nên cho đổi tên là Công Toản.
Nhữ Công Toản đỗ Hội nguyên Tiến sĩ khoa thi năm Bính Thìn (1736) đời Lê Ý Tông, làm quan đến chức Thượng thư bộ Binh kiêm Tham tụng, tước Bá Trạch hầu; về sau đổi sang võ ban, làm Hiệu điểm rồi lên tới chức Tả đô đốc, tước Trung Phái hầu.
Giai thoai la lung ve dong tien trong lich su Viet Nam-Hinh-2
Tiền hóa thành đất. (Hình minh họa – Nguồn: www.tintm.com).  
Câu chuyện về tiền hóa đất mà Nhữ Công Toản có liên quan xảy ra vào thời gian ông vẫn đang làm quan văn. Cũng trong sách Kiến văn tiểu lục ghi chép về giai thoại kỳ lạ này theo lời kể của người trong cuộc như sau: “Viên Tham tụng, Bá Trạch hầu là Nhữ Công Toản nói, năm Đinh Tị [1737] niên hiệu Vĩnh Hựu, lúc ông ta ở nhà, trong họ có người cho là tiền hóa ra đất, ông ta vẫn không tin câu nói ấy. Đến quãng tháng 5, ông ta đi lên kinh sư, giữa đường đi đến huyện Đường Hào [nay thuộc Hưng Yên] thấy vô số tiền bay, nhặt cướp lấy để xem thì Nguyễn Thông, Hồng Hóa, Chiêu Vũ, Lợi Dụng (đều là tên hiệu của tiền) rành rành không có đồng nào khác lạ, độ hơn một khắc đều biến thành đất hết cả, mà chữ vẫn còn nguyên vẹn. Như thế thì có lẽ vật quý báu cũng có lúc tiêu hóa chăng?”.
Giai thoại tiền bỗng dưng biến mất
Chuyện này có nội dung liên quan đến Nguyễn Quỳnh - nguyên mẫu của nhân vật Trạng Quỳnh trong truyện cười dân gian. Ông có tên khác là Nguyễn Thưởng, hiệu Ôn Như, thụy Điệp Hiên, quê tại làng Bột Thượng, xã Hoằng Lộc, huyện Hoằng Hóa xứ Thanh (Thanh Hóa ngày nay) là một danh sĩ từng đỗ Hương cống nên còn gọi là Cống Quỳnh, nổi tiếng với sự trào lộng, hài hước, sách Nam Thiên lịch đại tư lược sử có nhận xét như sau: “Nguyễn Quỳnh văn chương nổi tiếng ở đời, nói năng kinh người, thạo quốc âm, giỏi hài hước...”.
Giai thoai la lung ve dong tien trong lich su Viet Nam-Hinh-3
 Tặng bạn tiền để làm lộ phí đi đường. (Hình minh họa - Nguồn: baobinhphuoc.com.vn). 
Nghĩ đến Nguyễn Quỳnh (Trạng Quỳnh) người ta thường nhớ đến những câu chuyện cười đầy màu sắc của ông, tuy nhiên câu chuyện được chép trong Lan Trì kiến văn lục lại lạ kỳ mang tính huyền ảo. Chuyện kể rằng Nguyễn Quỳnh thường đến luyện văn chương ở nhà Quốc Tử Giám và luôn được xếp hạng ưu nên rất tự đắc, một hôm có nho sinh trẻ tuổi mới đến, văn thơ làm nhanh, nội dung rất hay khiến ông kính phục xin làm quen.
Mấy ngày sau ông nói muốn được đến nhà chơi, chàng thư sinh buộc lòng đành dẫn Nguyễn Quỳnh ra ngoại thành đến một căn nhà giản dị, đơn sơ. Hai người nói chuyện văn chương hồi lâu rồi ăn trưa, đến chiều thì Nguyễn Quỳnh từ biệt ra về; khi chia tay nho sinh gửi tặng 24 đồng tiền làm lộ phí nhưng ông từ chối vì từ đó về nhà đâu có xa, không cần phải chi phí dọc đường.
Sách Lan Trì kiến văn lục viết: “Chàng thư sinh cười không trả lời, nhét tiền vào ống tay áo của Quỳnh, đưa tiễn ra cửa, trân trọng từ biệt. Đi được mấy bước, Quỳnh quay đầu lại nhìn thì lớp lớp núi xanh trập trùng sau trước. Còn mình thì ở giữa tầng mây trắng, giữa đám tùng xanh, không có một nóc nhà nào cả. Quỳnh tìm đường xuống núi. Dọc đường gặp một người lấy củi, hỏi ra mới biết chỗ ấy là núi Phượng Hoàng xứ Hải Dương, cách kinh thành hơn hai trăm dặm. Quỳnh ngạc nhiên, than thở mà về. Sờ ống tay áo, thấy tiền vẫn còn. Đang lo vất vả thiếu thốn dọc đường, nhưng khí lực tăng gấp bội, lại cũng không thấy đói. Trả tiền trà, tiền đò mất mấy đồng, nhìn lại trong tay áo tiền vẫn còn. Ba ngày sau Quỳnh về đến chỗ ở trong Kinh thành thì số tiền cũng biến mất”.
Giai thoại về đồng tiền 2 mặt giống nhau
Chuyện kể rằng khi quân Thanh nhân lời cầu viện của vua Lê Chiêu Thống kéo vào xâm lược nước ta nhưng lại lấy danh nghĩa “phù Lê”, “giúp khôi phục nước cũ”; tướng lĩnh Tây Sơn ở Bắc Hà theo kế của Ngô Thì Nhậm rút lui về Tam Điệp (nay thuộc Ninh Bình) lập phòng tuyến và cho người vào Phú Xuân cấp báo với chủ tướng Nguyễn Huệ.
Theo sách Hoàng Lê nhất thống chí, các quan tướng đã khuyên Nguyễn Huệ lên ngôi để “ban lệnh ân xá khắp trong ngoài, để yên kẻ phản tắc và giữ lấy lòng người rồi sau cất quân ra đánh dẹp đất Bắc cũng chưa là muộn”. Theo lời tâu đó, Nguyễn Huệ bèn “cho đắp đàn trên núi Bân (ở địa phận xã An Cựu, huyện Hương Trà, Thừa Thiên), tế cáo trời đất cùng các thần sông, thần núi; chế ra áo cổn mũ miện, lên ngôi hoàng đế, đổi năm thứ 11 niên hiệu Thái Đức của vua Tây Sơn Nguyễn Nhạc làm năm đầu niên hiệu Quang Trung. Lễ xong hạ lệnh xuất quân, hôm ấy nhằm vào ngày 25 tháng Chạp năm Mậu Thân [1788]”.
Giai thoai la lung ve dong tien trong lich su Viet Nam-Hinh-4
Quang Trung làm lễ tại núi Bân. (Hình minh họa – Nguồn: nghiencuulichsu.com).  
Tương truyền rằng sau khi làm lễ, trước ba quân đội ngũ chỉnh tề, gươm giáo sáng lòa, vua Quang Trung nói rằng nếu điềm trời cho đại binh thắng giặc thì 200 đồng tiền sẽ sấp cả; sau đó ông sai người khiêng tới một hương án khói hương nghi ngút và một mâm tiền đồng. Khấn vái xong, vua bưng mâm tiền dâng cao quá đầu rồi hất tung lên; quân sĩ chăm chú nhìn tiền rơi tung tóe trên bãi cỏ xanh rồi cùng kinh ngạc reo lên: Sấp! sấp cả rồi… Chúng ta sẽ đại thắng.
Vua Quang Trung tươi cười nói lớn rằng tất cả các đồng tiền đều sấp, thế là trời đã phù hộ, báo điềm thắng trận. Ông động viên quân lính hãy nức lòng đánh giặc. Quân sĩ reo hò vang trời rồi rùng rùng tiến binh, ai cũng vững một niềm tin chiến thắng. Rất ít người biết rằng “điềm trời” đó là một mẹo nhỏ của Quang Trung, ông đã bí mật cho đúc 200 đồng tiền đều có mặt sấp để khi xin âm dương trong buổi lễ nhằm cổ vũ tinh thần ba quân.
Giai thoai la lung ve dong tien trong lich su Viet Nam-Hinh-5
 Tiền Quang Trung thông bảo. (Hình minh họa – Nguồn: http://coins.sudokuone.com). 
Chuyện đồng tiền ấy tưởng chừng chỉ là giai thoại, nhưng thực tế giới khảo cổ học và sưu tầm tiền đã tìm được nhiều tiền Quang Trung thông bảo có hai mặt giống nhau, có người giải thích nguyên nhân là do ráp nhầm hai khuôn đúc tiền có hai mặt chữ, nhưng cũng có thể chúng được đúc với mục đích nào đó mà chúng ta chưa khám phá được. Theo tác giả sách Lịch sử tiền tệ Việt Nam, sơ truy và lược khảo thì: “Một đồng tiền gồm 2 mặt, mặt có niên hiệu của vua là mặt dương, còn mặt không có chữ là mặt âm. Đã là điềm trời cho thì tất cả đều phải có chữ Quang Trung mới đúng ý nghĩa tâm linh, chứ nếu tất cả đều sấp thì làm sao thắng trận được. Rất có thể những đồng tiền 2 mặt có chữ Quang Trung nói trên đã được đúc trong truyền thuyết này chăng?”.
Lê Thái Dũng