Vào cuối thập niên 1950, đầu thập niên 1960, cuộc so găng giữa Mỹ và Liên Xô dưới thời Chiến tranh Lạnh (1945-1989) diễn ra vô cùng căng thẳng. Cuộc đua sở hữu vũ khí hủy diệt (bom hạt nhân) khiến cả 2 cường quốc này tốn không ít chất xám và tiền bạc.
Khi Washington cho nổ thử thành công quả bom nguyên tử đầu tiên trong lịch sử nhân loại ngày 16/7/1945, mở ra kỷ nguyên nguyên tử trong lịch sử nhân loại thì Moskva cũng không thể ngồi yên nhìn địch thủ thắng thế.
16 năm sau, Liên Xô cho thử thành công "Big Ivan" - mật danh của quả bom hạt nhân có sức mạnh khủng khiếp nhất trong lịch sử nhân loại tính cho đến nay - Liên Xô nghiễm nhiên trở thành "bá vương hạt nhân". Điều này khiến cho NATO và Mỹ tất thảy đều choáng váng và gọi "Big Ivan" là "Tsar Bomba" (Bom Sa Hoàng) hay "Bom Vua".
Sau những thập niên chạy đua căng thẳng để chế tạo vũ khí hạt nhân, Mỹ và Liên Xô lại bước vào cuộc đua mới mang tên khám phá vũ trụ.
Người Liên Xô tiếp tục thổi bùng ngọn lửa lo sợ địch thủ vốn luôn sẵn có trong lòng Washington cháy to hơn khi nước này trở thành quốc gia đầu tiên trên thế giới mở ra kỷ nguyên chinh phục vũ trụ sau hai sự kiện liên tiếp là phóng vệ tinh nhân tạo Sputnik 1 lên quỹ đạo Trái Đất (năm 1957) và đưa người lần đầu tiên bay ra ngoài vũ trụ (năm 1961).
Mỹ ngạc nhiên tột độ và dù không muốn nhưng quốc gia này vẫn phải nể trọng đối thủ. Vốn sẵn lòng nghi ngờ Liên Xô, đặc biệt là sau sự kiện phóng vệ tinh Sputnik 1 vào không gian, Mỹ cho rằng Moskva đang âm thầm triển khai kế hoạch chạy đua vũ trang ngoài không gian dưới vỏ bọc khám phá và nghiên cứu vũ trụ.
Bởi thế, để chứng minh trước thế giới rằng Mỹ không phải là địch thủ kém cạnh và có thể làm được những điều không tưởng, cũng như không dễ dàng thua cuộc trước người Liên Xô trong cuộc đua công nghệ vũ trụ, và thể hiện tầm vóc siêu cường, Mỹ đã triển khai Dự án A119: Cho nổ bom nhiệt hạch khổng lồ trên Mặt Trăng.
Vậy Mỹ đã từng bước thực hiện kế hoạch này như thế nào?
01: Tuyển mộ các nhà khoa học hàng đầu thế giới
Sau khi Thế chiến II (1939-1945) kết thúc, Tiến sĩ Leonard Reiffel dù rất thích công việc nghiên cứu cùng với huyền thoại vật lý Enrico Fermi tại Viện Nghiên cứu Hạt nhân của Đại học Chicago (Mỹ), nhưng ông lại có cơ hội quản lý tất cả các công trình nghiên cứu vật lý tiên tiến tại Quỹ nghiên cứu Armour - ARF (tiền thân của Viện Công nghệ Illinois ngày nay).
|
Tiến sĩ Leonard Reiffel tại Viện Công nghệ Illinois, 1963. Ảnh: Robert W. Kelley / Bộ sưu tập hình ảnh LIFE / Hình ảnh Getty |
Từ năm 1949 đến năm 1962, Tiến sĩ Leonard Reiffel và nhóm của ông đã đẩy vật lý đến giới hạn của nó, làm việc trên các dự án nghiên cứu tác động môi trường toàn cầu của vụ nổ hạt nhân.
Một thời gian trước tháng 5/1958, Không quân Mỹ đã yêu cầu nhóm ARF thực hiện dự án khác thường: Tầm nhìn và ảnh hưởng của một vụ nổ hạt nhân giả định trên Mặt Trăng. Không quân Mỹ muốn gây bất ngờ cho Liên Xô và thế giới, hay nói cách khác là "đáp trả" lại những gì mà Liên Xô tạo được sau sự kiện phóng vệ tinh nhân tạo Sputnik 1 ra ngoài quỹ đạo.
Tiến sĩ Leonard Reiffel biết rằng đội của mình không có đủ chuyên môn cần thiết để thực hiện loại nghiên cứu này, do đó, để có thể thực hiện yêu cầu chưa từng có tiền lệ trong lịch sử này, ông đã mời nhà thiên văn học người Mỹ gốc Hà Lan Gerard Kuiper(1), một chuyên gia vật lý về hành tinh, tham gia dự án.
Để "làm tròn nhóm", Gerard Kuiper đề cử với Tiến sĩ Leonard Reiffel sinh viên trẻ tốt nghiệp từ Đại học Chicago là Carl Sagan tham gia.
Nếu như nhà thiên văn học Gerard Kuiper là người có công xác định sự tồn tại của Vành đai Kuiper (vành đai mang tên ông), là một khu vực hình đĩa trải rộng từ phạm vi quỹ đạo của Hải Vương Tinh, chứa hàng trăm ngàn vật thể băng giá và hàng nghìn tỷ sao chổi, thuộc Hệ Mặt Trời, thì Carl Sagan là người có niềm đam mê bất tận với khoa học và trong lĩnh vực sinh vật ngoài Trái Đất.
Người sinh viên trẻ này là người ủng hộ và thúc đẩy Chương trình nghiên cứu trí tuệ ngoài Trái Đất (SETI) của NASA.
Điều quan trọng nhất là Carl Sagan có thể tạo mô hình chính xác sự giãn nở của đám mây bụi sẽ được tạo ra bởi một vụ nổ hạt nhân trên Mặt Trăng. Chúng ta cần phải biết Mặt Trăng sẽ phản ứng như thế nào để chúng ta có thể biết liệu 1 vụ nổ hạt nhân có thể được nhìn thấy từ Trái Đất hay không.
Điều này nảy sinh ra hai câu hỏi: Thứ nhất: Tại sao các nhà khoa học uy tín lại đồng ý với một dự án kích nổ vũ khí hạt nhân trên Mặt Trăng? - Thứ hai: Nếu thực hiện thì đây là sự kiện lần đầu tiên trong lịch sử, vậy một vụ nổ hạt nhân trên Mặt Trăng sẽ như thế nào?
02. Dự án A119 có biến Mặt Trăng thành địa ngục?
Không quân Mỹ chẳng quan tâm điều gì khác ngoài hình ảnh một đám mây nấm khổng lồ, chết chóc rộng lớn đến mức có thể quan sát được từ Trái Đất. Đó là cái đích là Washington muốn có được nhằm khẳng định sức mạnh công nghệ của một siêu cường thời Chiến tranh Lạnh.
Những nhà khoa học tham gia Dự án A119 đã viện dẫn tiềm năng cho những khám phá khoa học thực sự sau khi Mỹ cho nổ bom hạt nhân trên Mặt Trăng. Họ cho rằng đó là khoảng thời gian thú vị, được khám phá những biên giới mới của khoa học.
Riêng với Carl Sagan, người rất tận tâm cho hành trình kiếm tìm sự sống ở thế giới khác trong vũ trụ, nghĩ rằng đây là cơ hội tuyệt vời đển thử và xác định sự hiện diện của vi khuẩn hoặc các phân tử hữu cơ trên Mặt Trăng.
Nhóm của Tiến sĩ Reiffel cũng tự hỏi liệu vụ nổ hạt nhân có tạo ra đủ cơn địa chấn để đánh giá cấu trúc ngay tức thì của Mặt Trăng hay không.
Trong một cuộc phỏng vấn sau này, Tiến sĩ Reiffel khẳng định nhóm của ông có khả năng bắn trúng mục tiêu đã đề ra trên Mặt Trăng với độ chính xác trong vòng 2 dặm. Vị trí lý tưởng nhất là quả bom sẽ được kích nổ ở rìa nửa tối của Mặt Trăng, vì khi đó ánh sáng Mặt Trời sẽ chiếu lên đám mây hình nấm từ phía sau, giúp các nhà khoa học có thể quan sát được vụ nổ.
Tuy nhiên....
Những đám mây hình nấm từ một vụ nổ hạt nhân được tạo ra bởi sự chuyển động của bụi và mảnh vụn bay lên không trung. Tuy nhiên, Mặt Trăng về cơ bản là một vùng chân không, nó chí có khí lơ lửng trên bề mặt nhưng không có được bầu khí quyển như Trái Đất.
Nếu không có sức nặng của bầu không khí dày đặc, nó sẽ không có khả năng chống lại sự mở rộng của bụi và mảnh vụn do hạt nhân tạo ra. Do đó, các đám bụi sẽ tiếp tục di chuyển thay vì cuộn tròn trở lại và tạo thành hình cây nấm khổng lồ.
Nói tóm lại, một vụ nổ hạt nhân trên Mặt Trăng sẽ không có làn khói lớn, không có âm thanh hay sóng xung kích, không bị đẩy xuống từ áp suất không khí và không có đám mây hình nấm. Chỉ là rất nhiều bụi.
Tuy nhiên, Trái Đất vẫn có thể quan sát thấy một tia sáng từ vụ nổ. Và có lẽ Mặt Trời sẽ chiếu xuyên qua bụi và đám mảnh vụn khổng lồ từ một vụ nổ khủng khiếp trên Mặt Trăng.
Cuối cùng, không rõ lý do gì mà Dự án A119 bị hủy bỏ. Một số người nói rằng Không quân Mỹ đã hủy bỏ chương trình này vì lo ngại mối nguy hiểm tiềm tàng đối với con người trên Trái Đất.
Một số cho rằng, các nhà khoa học Mỹ lo ngại về việc sẽ làm ô nhiễm Mặt Trăng bằng chất phóng xạ, gây ảnh hưởng đến các sứ mệnh đổ bộ của con người lên vệ tinh tự nhiên này.
Thậm chí, có người cho rằng Không quân Mỹ lo sợ sẽ bị công chúng lên tiếng phản đối khi thực hiện một dự án "hủy hoại vẻ đẹp của Mặt Trăng" chỉ để thể hiện sức mạnh khoa học của Mỹ với Liên Xô.
Rất may là Mỹ đã không thực hiện Dự án A119 đến phút chót, bởi không cần phải dùng bạo lực với Mặt Trăng, nước Mỹ cũng khiến cả thế giới ngưỡng mộ, cũng như lập lại thế cân bằng với Liên Xô trong cuộc đua chinh phục vũ trụ, bằng sự kiện lần đầu tiên trong lịch sử đưa người đổ bộ Mặt Trăng thành công trong sứ mệnh Apollo 11 năm 1969.
|
Sứ mệnh Apollo 11 hoàn thành đưa nhân loại bước sang dấu mốc mới trong hành trình chinh phục vũ trụ. Ảnh: NASA |
Xét dưới góc độ tiến bộ khoa học, cuộc so găng kéo dài 4 thập kỷ giữa Mỹ và Liên Xô đã giúp thế giới có được những cột mốc đáng nhớ trong lịch sử.
Từ kỷ nguyên của khai phá vũ trụ, đến những thành tựu không gian thực sự xuất chúng (đưa người ra ngoài không gian, đi bộ ngoài không gian, đổ bộ Mặt Trăng...), nhân loại ngày nay mới có được những nền tảng vững chắc trong hành trình thực hiện những sứ mệnh vũ trụ xa hơn, sâu hơn nữa.
Theo Helino