Tuy nhiên, trong hơn mười lăm năm đầu, những điều Tào Tháo thể hiện ở trên chính trường là hết sức nhỏ bé. Tào Tháo hầu như chẳng làm được gì. Đó không chỉ là vì Tháo bị trói buộc bởi nguồn gốc xuất thân và vị thế chính trị. Tư chất chính trị của Tào Tháo cũng là thứ rất có vấn đề...
Nếu như Tào Tháo thực sự là một gian hùng, thì Tào Tháo chính là một gian hùng quá đỗi ngây thơ.
Én sẻ và hồng hộc
Muốn bàn tới chính trị, trước hết phải biết cái gì là chính trị? Chính trị chính là tập hợp lực lượng và xử lý các mối quan hệ. Đó là cái mà Trần Bình thời Tây Hán gọi là “điều hòa âm dương”. Người làm chính trị thành công thì phải có nhận thức sâu sắc về lực lượng.
|
Chỉ khi Tào Tháo tập hợp được nhiều người xung quanh, sự nghiệp của ông mới bắt đầu khởi sắc. |
Chính vì nhận thức được điều đó mà Viên Thiệu mới lễ hiền hạ sĩ, kết giao hào kiệt. Cũng vì nhận thức được điều đó mà khi trở lại quan trường lần thứ hai, Viên Thiệu chọn làm việc dưới trướng Hà Tiến. Bởi vì muốn đánh bại hoạn quan, cách tốt nhất là dựa vào quý thích vốn đang đối đầu với hoạn quan.
Tào Tháo thì không biết điều đó. Trong suốt mười lăm năm, Tào Tháo thường chỉ hành sự đơn độc. Vì đơn độc nên yếu thế, Tháo chẳng thể làm gì ra hồn. Chỉ khi Tào Tháo bắt đầu xây dựng một tập đoàn nhỏ, sự nghiệp của Tào Tháo mới khởi sắc. Thêm vào đó, mục tiêu chính trị của Tào Tháo cũng không hề rõ ràng, chỉ là muốn nắn sửa chung chung. Về điểm này, Tào Tháo hoàn toàn thua kém Viên Thiệu.
Khi liên quân Quan Đông vừa thành lập, Viên Thiệu đã hỏi Tào Tháo về chiến lược bình định thiên hạ. Tào Tháo chỉ có thể nói rằng: “Ta dùng trí lực trong thiên hạ, lấy đạo để chế ngự, thì không gì là không thể”.
Đứng dưới góc độ của người đời sau mà xét, câu nói của Tào Tháo ẩn chứa đạo lý chính trị hết sức sâu xa. Tào Tháo xác định vốn liếng của mình là nhân tố con người, trong khi Viên Thiệu chỉ chăm chăm nghĩ tới đất đai. Rõ ràng Tào Tháo cao hơn một bậc.
Tuy nhiên nếu đứng trên góc độ tình thế lúc ấy, Tào Tháo thể hiện rõ rằng mình không hề có một chiến lược lâu dài nào cả. Cái mà Tào Tháo có chính là chiến lược để giải quyết vấn đề trước mắt: chiến lược bao vây Đổng Trác.
Nhưng diệt Đổng Trác rồi thì tiếp theo sẽ phải làm gì, hoặc nếu liên minh đánh Đổng thất bại thì sẽ phải làm gì, Tào Tháo chưa hề nghĩ đến. Đây là điểm Tào Tháo khác xa với Viên Thiệu. Tào Tháo chỉ nhìn thấy những sự vụ trước mắt, nghĩ cách giải quyết những vấn đề trước mắt.
Mục tiêu của Tào Tháo rất thấp, ban đầu làm quan văn thì muốn nắn sửa chính giáo, làm một viên quan tốt; về sau làm quan võ thì muốn lập công biên cương, làm một lương tướng. Viên Thiệu thì khác hẳn. Thiệu sớm đã chán ngán với thực trạng nhà Hán, kết giao hào kiệt sửa soạn để xây dựng một triều đại mới.
Nếu đem mục tiêu của hai người ra mà so sánh, Tào Tháo chẳng qua chỉ là “người tốt”; Viên Thiệu thì mới thực sự là “anh hùng”. Viên Thiệu đã nhiều lần mời gọi Tào Tháo đi con đường đó, nhưng Tháo chỉ cười mỉa, “coi Thiệu là không ngay thẳng”. Kỳ thực đúng như Trần Thắng nói: Chim én chim sẻ, làm sao biết được ý chí của chim hộc, chim hồng!
Chiến lược quanh quẩn
Từ lúc khởi binh đánh Đổng Trác, Tào Tháo phải mất ba năm (189-192) mới tìm ra Long Trung sách cho bản thân. Ấy là khi Tào Tháo may mắn có được cơ hội Duyện Châu mục Lưu Đại vừa mới mất, một bạn chiến đấu của Tháo là Bào Tín và Vạn Tiềm tới Đông quận rước Tháo về làm Duyện Châu mục. Bấy giờ, Tào Tháo mới tạm có đất đứng chân (Đông quận vốn là địa bàn mà Viên Thiệu sai Tào Tháo cai trị).
Mao Giới theo phò Tào Tháo, mới bắt đầu đề xuất chiến lược “binh nghĩa thì thắng, giữ địa vị, dùng tiền của, nên phụng thiên tử để ra lệnh cho kẻ không thần phục, sửa sang việc cấy hái, tích trữ quân binh của cải”. Dịch Trung Thiên chỉ ra rằng đây chính là Long Trung sách, là chiến lược bình định thiên hạ của Tào Tháo.
Nhưng chiến lược bình định ấy vẫn còn thiếu sót rất lớn, đó là chỉ nói lên những vấn đề chính trị, kinh tế chung chung, mà thiếu đi một chiến lược phát triển đất đai cụ thể. Trên thực tế Tào Tháo vừa không phụng được thiên tử (vì thiên tử ở tận Trường An), vừa không thể phát triển kinh tế. Ngược lại, Tào Tháo bị cuốn vào vòng xoáy chiến tranh. Tháo đánh đuổi Khăn Vàng tới tận Thanh Châu, rồi tham gia vào cuộc chiến tranh Viên-Viên ở bên phía Viên Thiệu, sau đó lại đi đánh Đào Khiêm.
Chính vì đánh Đào Khiêm, Tào Tháo đã phá tan liên quân Quan Đông cứu Hán đế lần thứ hai mà Đào Khiêm đang trù tính, cũng mất luôn sự ủng hộ của sĩ tộc Duyện Châu. Kết quả là Trần Cung, Trương Mạc chọn một anh hùng khác là Lữ Bố làm Duyện Châu mục.
Tào Tháo lại mất thêm hai năm trời giành giật Duyện Châu với Lữ Bố. Chẳng những Tháo không thể “sửa sang việc cấy hái, tích trữ quân binh của cải”, mà ngược lại Duyện Châu rơi vào cảnh thiếu đói, Tào Tháo hết sạch lương thực, suýt nữa là dắt díu cả nhà tới Nghiệp Thành làm bề tôi cho Viên Thiệu!
Chính vào lúc đó, Tào Tháo gặp may lần thứ hai. Hán Hiến đế bằng khả năng chính trị của mình, đã thoát khỏi bàn tay Lý Thôi, Quách Dĩ, quay về được Lạc Dương, rất gần Duyện Châu. Tào Tháo liền đem quân tới đón Hán Hiến đế, đưa về Hứa Xương.
Long Trung sách của Tào Tháo đã thực hiện được điểm quan trọng nhất. Thế nhưng, Tào Tháo vẫn không sao thoát khỏi sự bế tắc về chiến lược tranh thiên hạ. Tào Tháo luôn qua lại giữa hai mục tiêu: đi về đông đánh Lữ Bố, Viên Thuật hay đi về nam đánh Trương Tú, Lưu Biểu. Tào Tháo thấy chỗ nào có lợi thì đánh chỗ đó. Kết quả, Tào Tháo giống như Khổng Tử bị vây ở Trần, Sái - hổ chẳng phải, tê chẳng phải, rừng hoang một bầy quanh quất mãi.
Chạy theo mối lợi
Cuộc đời binh nghiệp của Tào Tháo thể hiện rất rõ sự yếu kém của ông ta về mặt chiến lược. Nếu để Tào Tháo tự chủ trương, ông ta liền ra những quyết sách sai lầm. Trong khi Lữ Bố đã chiếm gần hết Duyện Châu, Tào Tháo lại định đem quân đi tranh Từ Châu với Lưu Bị.
Trong khi Tào Tháo lo ngại Viên Thiệu sẽ đưa quân vào Trường An và liên lạc với Ích Châu, thì ngược lại Viên Thiệu đang sửa soạn đánh thẳng vào sào huyệt Tào Tháo. Khi Viên Thiệu vừa thua trận lớn ở Quan Độ, Tháo lại định để yên cho Thiệu mà quay sang đánh Lưu Biểu. Tào Tháo thấy chỗ nào có vẻ dễ đánh thì liền tới đánh chỗ đó, hoàn toàn chỉ là chạy theo mối lợi.
Ngược lại, thấy chỗ nào khó nhằn, Tháo liền muốn bỏ. Tào Tháo vây Lữ Bố ở Hạ Bi hơi lâu, liền nản muốn rút. Tào Tháo đánh với Viên Thiệu ở Quan Độ, thấy khó thắng, liền viết thư cho Tuân Úc định quay về Hứa Đô.
fgTào Tháo vừa thua Chu Du một trận liền cuốn gói ra về, để mặc Tào Nhân ở lại đối phó. Tào Tháo giằng co với Lưu Bị ở Hán Trung, liền nảy ra tư tưởng “xương sườn gà” (kê lặc –bỏ đi thì tiếc, mà gặm thì không có thịt). Nói cách khác, Tào Tháo là loại cả thèm chóng chán!
Nếu Tào Tháo chỉ một mình mà mưu tính, sự nghiệp Tào Tháo hẳn sẽ nát bét. May thay, Tháo có hai mưu sĩ quan trọng luôn chỉnh sửa sai lầm cho Tháo. Đó là Tuân Úc và Quách Gia. Tuân Úc hai lần chỉ ra chiến lược đúng đắn. Lần thứ nhất Úc khuyên nên tập trung đoạt lại Duyện Châu. Lần thứ hai ông khuyên Tào Tháo nên thừa cơ thanh toán Viên Thiệu. Nhưng Quách Gia mới là người phá thế bế tắc về chiến lược cho Tào Tháo.
Quách Gia chỉ ra rằng Tháo nên tập trung đi về phía đông phá Lữ Bố. Từ khi Quách Gia xuất hiện, sự nghiệp của Tào Tháo mới hanh thông và đất đai mới liên tiếp được mở rộng một cách vững chắc. Đây là điều hết sức kỳ lạ, chẳng phải Tào Tháo được khen là kỳ tài trời sinh về mặt quân sự đó sao? Trên thực tế Tào Tháo là một nhà quân sự như thế nào?
Theo Ngô Du/Pháp luật Việt Nam