Trong suốt chiều dài lịch sử, thế giới đã chứng kiến không ít vụ cướp tàu hỏa trắng trợn và manh động. Trong số đó, vụ tráo vàng ở Anh năm 1855 cho tới ngày nay vẫn được nhắc tới như một bài học đau thương của ngành đường sắt thế giới.
Trên một chuyến tàu của Hãng đường sắt South Eastern đi từ ga London Bridge (Anh) qua Paris, tổng cộng 91kg vàng trị giá khoảng 12.000 bảng Anh (tương đương hơn 1 triệu USD ngày nay) đã bị đánh cắp trong hành trình đến cảng Folkestone, nơi mà số vàng sẽ được vận chuyển qua eo biển English Channel để đến Boulogne.
Vàng biến thành chì
|
Khi các nhân viên đường sắt mở niêm phong kiểm tra, toàn bộ 91kg vàng đã biến thành chì |
Vào đêm 15/5/1855, ba hòm chứa vàng của Công ty Abell, Công ty Spielmann và Bult được niêm phong, buộc chặt với những thanh sắt và đặt bên trong chiếc tủ đã khóa cẩn thận.
Khi các nhân viên vận chuyển những hòm vàng ra khỏi tủ tại Boulogne, họ phát hiện một hòm chỉ nặng 18kg, trong khi hai hòm kia thì nặng hơn một chút. Mặc dù cảm thấy có cái gì đó khác lạ, các hòm vàng vẫn được chuyển sang chuyến đi tiếp theo về Paris.
Đến Paris, trước lúc bàn giao cho khách hàng, bộ phận chuyên trách đã cân lại và khi mở niêm phong kiểm tra, trước sự ngỡ ngàng của những người có mặt, số vàng bên trong đã biến thành chì.
Rõ ràng vụ đánh tráo vàng đã diễn ra trước khi lên tàu từ Boulogne về Paris. Điều bất thường là khóa và niêm phong không có dấu hiệu bị phá hay làm giả.
Cảnh sát ngay lập tức vào cuộc. Ban đầu, cánh báo chí nhận định “vụ cướp không thể diễn ra nhanh chóng ngay trên chuyến tàu từ London đến Folkstone”. Tuy nhiên, sau khi điều tra, cảnh sát kết luận nó không thể thực hiện được tại Folkestone hoặc trên tàu qua eo biển English Channel, thậm chí trước khi đoàn tàu rời bến ở ga London Bridge và do đó những tên cướp chắc chắn đã hành động khi tàu đang di chuyển.
Lực lượng cảnh sát Anh và Pháp đã mở rộng tìm kiếm trong nhiều tháng và bắt giữ hàng trăm nghi phạm để thẩm vấn nhưng không có kết quả. Dư luận Anh cho rằng vụ cướp xảy ra trên lục địa nước Pháp, trong khi đó, cảnh sát Pháp lại tuyên bố vàng đã biến mất ở Anh dựa trên sự khác biệt về trọng lượng của những chiếc hòm ở Boulogne.
Hãng đường sắt South Eastern đã đưa ra một phần thưởng khá lớn cho ai cung cấp thông tin giúp bắt giữ hung thủ và thu hồi số vàng, tuy nhiên chỉ nhận được các thông tin sai lệch.
Trong khi vụ án đang đi vào bế tắc thì tháng 8/1855, Edward Agar, một tên tội phạm chuyên nghiệp, đã bị bắt giữ vì sử dụng séc giả, bị kết án và thi hành tại nhà tù Pentonville. Tại đây, y nhắn cho bạn gái là Fanny Kay tới gặp William Pierce - một cựu nhân viên hãng đường sắt South Eastern - để lấy 7.000 bảng Anh. Nhưng khi đến, Pierce không hề đưa cho cô số tiền này.
Nhận thấy có điều đáng ngờ, mùa hè năm 1856, Kay đã đến gặp thống đốc nhà tù. Thống đốc sau đó liên lạc với điều tra viên Rees và ông này đã tới gặp Agar thời điểm đó đang thi hành án tại nhà tù Portland. Sau một hồi thuyết phục và động viên, Agar quyết định nói ra toàn bộ sự thật.
|
Chân dung các tên cướp |
Kế hoạch không thể hoàn hảo hơn
Agar gặp Pierce lần đầu lúc Pierce đang làm việc cho Công ty đường sắt South Eastern. Khi Agar trở về Anh sau một thời gian ở Úc và Mỹ, 2 tên gặp lại nhau và thảo luận về khả năng cướp số vàng thường được vận chuyển từ London đến Paris. Pierce rất hào hứng với kế hoạch này, y nghĩ rằng mình có thể có được chiếc chìa khóa tủ sắt đựng vàng, nhất là khi nhận được sự hỗ trợ của một nhân viên bảo vệ khác tên là James Burgess.
Để thực hiện kế hoạch, Pierce và Agar tới Folkestone thăm dò các điểm trả hành lý, quan sát nhân viên khuân vác. Sau đó họ chia tay nhau, Pierce trở về London còn Agar ở lại tìm ra nơi cất giữ chìa khóa tủ.
Bước tiếp theo, Agar gửi một hộp vàng trị giá 200 bảng Anh trên chuyến tàu đến Folkestone. Kết thúc chuyến đi, nhân viên đường sắt đã dùng chìa khóa mở tủ sắt trả lại vàng cho Agar sau đó đi vào phòng dành cho nhân viên. Lúc này, Pierce tận dụng sự vắng mặt của nhân viên đó, nhanh tay lấy chìa khóa anh này bỏ lại trong phòng và giao cho Agar phác thảo nhanh rồi trả lại chỗ cũ.
Mọi thứ đã sẵn sàng, ngày 15/5/1855, Agar và Pierce ăn mặc như các quý ông, mua vé hạng nhất cho chuyến tàu đi Folkestone. Những bao đựng chì được Burgess hỗ trợ đưa lên tàu.
Ngay khi con tàu bắt đầu di chuyển, Agar mở két bằng chiếc chìa khóa được sao chép và tráo vàng rồi niêm phong lại như cũ. Khi tàu đến Folkestone cũng là lúc 3 hòm vàng đã “không cánh mà bay”.
Trong những tuần sau đó, Agar và Pierce nấu chảy vàng và mang đi bán. Burgess nhận được 700 bảng Anh tiền công. Khi Agar bị bắt, Pierce đã chôn một số lượng vàng trước cửa nhà.
Sau khi Agar tự thú, cảnh sát ngay lập tức đã tiến hành bắt giữ William Pierce, James Burgess tại London vào tháng 10/1856, kết thúc vụ tráo vàng “có một không hai” trong lịch sử đường sắt thế giới.
Vụ cướp tàu hỏa táo tợn xảy ra năm 1963 khiến dư luận Anh thời điểm đó không khỏi bàng hoàng vì khó có thể ngờ một băng nhóm tội phạm nhỏ có thể liều lĩnh thực hiện vụ cướp mạo hiểm đến vậy.
Hành trình truy tìm băng cướp này diễn ra như thế nào? Mời độc giả đón đọc Hoảng hồn với vụ cướp liều lĩnh nhất lịch sử ngành đường sắt Anh vào 4h, ngày 11/2/2017.
Theo Huyền Anh/Dân Việt/Revolvy