Mượn tay phát xít Nhật lập tổ chức đấu tranh của thanh niên
Sau cuộc đảo chính Pháp ngày 9/3/1945, Nhật chủ trương tập hợp lực lượng thanh niên để “bảo vệ độc lập”, nhưng thực chất là để chống quân đồng minh.
Để thực hiện ý đố, Nhật đã đề nghị Bác sỹ Phạm Ngọc Thạch (về danh nghĩa là một người hợp tác với Nhật, nhưng thực chất là đảng viên Cộng sản mà Nhật không biết) đứng ra tập hợp thanh niên Nam bộ. Việt Minh đã tương kế tựu kế để biến tổ chức thanh niên do quân Nhật hậu thuẫn trở thành lực lượng đấu tranh của mình.
Thông qua bác sĩ Phạm Ngọc Thạch, ta đã đặt tên tổ chức là Thanh niên Tiền Phong, đặt ra hệ thống tổ chức, đặt hiệu cờ, đồng phục, cách hoạt động và nội dung tư tưởng của hoạt động thanh niên. Những nhân vật cốt cán của Thanh niên Tiền Phong đều là người của cách mạng, với người đứng đầu là Bác sỹ Phạm Ngọc Thạch trong vai trò Tổng thư ký.
Chỉ trong 3 tháng, được sự giúp sức của các tổ chức quần chúng của Đảng, Thanh niên tiền phong phát triển rất nhanh ở 21 tỉnh thành Nam Bộ với số đoàn viên lên tới 1,2 triệu người, riêng Sài Gòn có hơn 200.000 người tham gia, trong đó có rất đông trí thức.
Vào cuối tháng 7 ở Nam Bộ nói chung và Sài Gòn nói riêng, Thanh niên Tiền Phong là tổ chức mạnh nhất, thu hút được nhiều tình cảm của người dân. Họ đã tổ chức hàng ngàn cuộc hội họp, biểu tình, mít tinh, lễ tuyên thệ, cứu tế, cùng nhiều hoạt động mang tính chất yêu nước khác…
Đến khi Nhật biết được bản chất của Thanh niên Tiền Phong thì đã trễ, phong trào phát triển mạnh quá Nhật không ngăn nổi.
Vai trò của Thanh niên Tiền Phong trong Cách mạng tháng 8 ở Sài Gòn
Ngày 14/8/1945, Nhật tuyên bố đầu hàng Đồng minh vô điều kiện. Ngày 16/8/1945, Thanh niên Tiền phong công khai tuyên bố là thành viên của Mặt trận Việt Minh. Đại diện của Thanh niên tiền phong đã yêu cầu quân đội Nhật không can thiệp vào cuộc khởi nghĩa sắp tới tại Sài Gòn - Gia Định.
Ngày 17/8/1945, hội nghị mở rộng của Xứ ủy Nam Kỳ đã được tổ chức ở chợ Đệm (huyện Bình Chánh) quyết định ngày, giờ Tổng khởi nghĩa và chỉ định thành lập Ủy ban Hành chính lâm thời Nam Bộ.
Sáng 19/8/1945, tại vườn ông Thượng (nay là Công viên Tao Đàn), Thanh niên Tiền phong đã tổ chức lễ tuyên thệ với 70.000 người tham dự. Bác sĩ Phạm Ngọc Thạch đã đọc diễn văn khích lệ lòng yêu nước, kêu gọi quần chúng đứng lên đấu tranh giành độc lập. sau lễ tuyên thệ, 70.000 đoàn người đã tuần hành trong thành phố, hát vang những bài ca cổ vũ thanh niên “lên đàng” đấu tranh.
Ngày 21/8/1945, Thường vụ Xứ ủy Nam Kỳ tổ chức hội nghị ở chợ Đệm lần thứ hai, quyết định tỉnh Tân An (Long An ngày nay) sẽ khởi nghĩa trước. Tối 22/8/1945, các đội xung kích vũ trang cùng nhân dân Tân An đã chiếm các cơ quan chính quyền ở tỉnh. Cuộc khởi nghĩa thắng lợi, quân đội Nhật không can thiệp.
Sáng 23/8/1945, Xứ ủy Nam Kỳ tổ chức hội nghị tại chợ Đệm lần thứ ba quyết định tối 24/8/1945 sẽ khởi nghĩa ở Sài Gòn - Gia Định với lực lượng xung kích là Thanh niên Tiền Phong.
|
Nhân dân Sài Gòn nổi dậy giành chính quyền tháng 8/1945.
|
Khi cuộc khởi nghĩa nổ ra, các đội Thanh niên Tiền Phong xung kích gồm hàng nghìn đội viên, nhận nhiệm vụ phối hợp với các đơn vị khác và nhân dân chiếm lĩnh các cơ sở quan trọng như: Kho bạc, nhà máy điện, nhà máy nước, sở bưu điện, dinh Thống đốc Nam Kỳ, các đầu cầu vào Sài Gòn, các bốt cảnh sát…
Sáng 25/8/1945, nhân dân Sài Gòn - Gia Định và các tỉnh lân cận tiến hành cuộc biểu tình, tuần hành trên các đường phố và tại các cơ quan chủ chốt, khẳng định vai trò của chính quyền cách mạng. Cuộc Cách mạng tháng 8 ở Sài Gòn đã kết thúc thắng lợi.
Sau khi toàn Nam Bộ giành được chính quyền, sứ mệnh lịch sử của Thanh niên Tiền Phong kết thúc, nhưng những bài học về nghệ thuật tập hợp lực lượng trên một mặt trận rộng lớn trong quá trình hoạt động của tổ chức này vẫn còn phát huy giá trị cho nhiều cuộc đấu tranh sau này.
Thanh Bình (tổng hợp)