Giải mã huyền tích Linh Sơn Thánh Mẫu núi Bà Đen

Google News

Lễ vía bà Linh Sơn Thánh Mẫu được tổ chức trên núi Bà Đen (Tây Ninh) vào tháng 5 Âm lịch hàng năm và được công nhận là "Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia". Dân gian lưu truyền một số truyền thuyết về Linh Sơn Thánh Mẫu.

Gắn liền với huyền tích về Linh Sơn Thánh Mẫu trên núi Bà Đen (Tây Ninh), lễ hội vía bà Linh Sơn Thánh Mẫu tổ chức hàng năm vào tháng 5 âm lịch, với các nghi thức lễ chính kéo dài trong ba ngày từ 4 - 6/5 Âm lịch. Năm nay, lễ vía Bà Linh Sơn Thánh Mẫu được Giáo hội phật giáo Việt Nam tại Tây Ninh cùng Ban điều hành hệ thống các chùa Núi Bà tổ chức vào ngày 21 - 23/6 tại chùa Linh Sơn Tiên Thạch. Trải qua nhiều thế kỷ, lễ hội mang giá trị tâm linh, văn hóa đặc sắc nên đã được công nhận là "Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia". Hàng năm, đông đảo du khách trong nước và quốc tế đã tham dự lễ vía bà Linh Sơn Thánh Mẫu.
Liên quan đến Linh Sơn Thánh Mẫu, dân gian lưu truyền nhiều truyền thuyết. Trong đó, một truyền thuyết kể rằng, ngày xưa, chủ vùng núi này là người phụ nữ Phù Nam có tên là Rê Đeng. Do người đời sau đọc chệch đi thành Đen.
Theo truyền thuyết khác, bà Đen tên thật là Lý Thị Thiên Hương - con gái một vị quan trấn nhậm Trảng Bàng thuộc triều Nguyễn tên là Lý Thiên. Mẹ là bà Ðặng Ngọc Phụng, người gốc ở Bình Ðịnh vào Trảng Bàng lập nghiệp.
Trong làng có chàng trai tên Lê Sĩ Triệt mồ côi cha mẹ và được một nhà sư nuôi dạy từ nhỏ, văn võ toàn tài. Vào một ngày nọ, Thiên Hương lên núi chiêm bái tại chùa thì bị một đám côn đồ vây bắt. Trong tình huống nguy hiểm đó, Lê Sĩ Triệt xuất hiện và xông lên đánh đuổi đám côn đồ. Ðể báo đáp ơn Lê Sĩ Triệt, cha mẹ của Thiên Hương hứa gả nàng cho chàng trai văn võ toàn tài này. Thế nhưng, cả hai chưa kịp tổ chức đám cưới thì Lê Sĩ Triệt phải tòng quân đánh Tây Sơn.
Trong thời gian Lê Sỹ Triệt tòng quân, Lý Thị Thiên Hương ở nhà bị kẻ xấu vây bắt. Vì muốn giữ lòng trung trinh, không muốn bị kẻ xấu trà đạp nên Thiên Hương nhảy xuống khe núi tử tiết. Sau khi chết, nàng hiển thánh báo mộng cho vị sư trụ trì trên núi biết. Trong giấc mộng, Thiên Hương xuất hiện trong hình dáng một phụ nữ đen đúa. Sau khi tỉnh giấc, nhà sư bèn đi tìm thi thể Thiên Hương rồi đem về mai táng. Từ đó, nhà sư gọi nàng là nàng Đen. Người đời sau gọi là Bà Đen để tỏ lòng tôn kính.
Giai ma huyen tich Linh Son Thanh Mau nui Ba Den
Tượng ngọc Linh Sơn Thánh Mẫu. Ảnh: Tạp chí Du lịch TP.HCM. 
Truyền thuyết tiếp theo về Bà Đen có viết trong quyển "Sự tích Thánh Mẫu Phật Bà Tây Ninh". Vào thuở mới khai hoang vùng đất, một viên quan trấn thủ vùng chân núi Một có 2 con. Người con trai tên là Thạch Biên và con gái là Thạch Nương ( thường gọi là Đênh).
Khi Đênh lên 13 tuổi, một nhà sư tên là Trung Vân Danh, đạo hiệu Trừng Thanh, đã đến lưng chừng núi Một để xây dựng chùa, thờ Phật và hoằng pháp độ sanh.
Sau khi chùa xây xong, nàng Đênh đã xin đi theo nhà sư Trừng Thanh học đạo. Quan trấn thủ Trảng Bàng cho người mai mối xin cưới nàng Đênh xinh đẹp cho con trai. Thế nhưng, khi 2 gia đình chuẩn bị lễ vật cho lễ cưới thì nàng mất tích bí ẩn. Vì vậy, gia đình hai bên cho người tìm kiếm nàng khắp nơi. Sau một thời gian, họ tìm thấy một khúc chân nghi là của nàng Đênh. Mọi người đồn đoán rằng nàng Đênh có thể đã bị hổ tấn công. Vậy nên, gia đình mai táng phần thi thể tìm thấy trong một ngôi mộ ở dưới chân núi. Về sau, dân gian gọi ngọn núi Một là núi Bà Đênh và đọc chệch dần thành Bà Đen.
Khi bị quân Tây Sơn đánh đuổi, chúa Nguyễn Ánh đi đến núi Bà Đen nánh nạn. Do thiếu lương thực nên những người đi theo chúa Nguyễn Ánh đều mệt mỏi, đói khát. Nghe dân gian nói về sự linh thiêng của bà Đen nên chúa Nguyễn Ánh đã cầu khẩn xin phò trợ. Vào đêm hôm đó, bà Đênh xuất hiện trong mộng của chúa Nguyễn Ánh. Trong giấc mơ, bà Đênh nói cho chúa Nguyễn Ánh rằng nhà vua đang nằm ngủ dưới gốc một loại cây cho trái có thể giúp binh sĩ có cái ăn no đủ.
Sau khi tỉnh giấc, chúa Nguyễn Ánh trông thấy trên cành cây nơi mình nằm ngủ có nhiều quả nhỏ. Vì vậy, ông hái quả xuống và ăn thử thấy có vị rất ngon. Theo đó, chúa Nguyễn Ánh truyền cho binh sĩ hái loại quả ấy để ăn. Đồng thời, chúa Nguyễn Ánh đặt tên cho loại quả ấy là "tùng quân".
Vào năm 1790, chúa Nguyễn Ánh cho người quay lại ngọn núi khi xưa và đúc tượng, cất lại điện thờ. Sau đó, chúa Nguyễn Ánh phong sắc Linh Sơn Điện và phong bà Đênh là Linh Sơn Thánh Mẫu.

Mời độc giả xem video: Xôn xao quầng mây sáng cực lạ xuất hiện trên đỉnh núi Bà Đen.

Tâm Anh (TH)