Giải mã độc chiêu săn tin tình báo của Phạm Xuân Ẩn

Google News

(Kiến Thức) - Không có những pha đột nhập gay cấn để sao chụp hồ sơ, kế hoạch của đối phương, Phạm Xuân Ẩn âm thầm hoạt động tình báo trong vai trò một phóng viên của Reuters và Time tại Việt Nam…

 

Nhân dịp kỷ niệm 92 năm Ngày báo chí cách mạng Việt Nam (21/6/1925 - 21/6/2017), Kiến Thức xin giới thiệu tới độc giả loạt bài có nội dung thông tin sinh động, giàu giá trị tham khảo về Phạm Xuân Ẩn - một nhà báo, nhà tình báo đặc biệt trong lịch sử báo chí cách mạng Việt Nam.
Nhà báo tầm cỡ
Trong kế hoạch cài cắm một điệp viên tình báo chiến lược, năm 1957, Phạm Xuân Ẩn được tổ chức cho sang Mỹ học về báo chí trong 2 năm. Tháng 10 năm 1959, ông về nước. Do có mối quan hệ với Trần Kim Tuyến – trùm mật vụ của chính quyền Diệm nên ông được biệt phái sang Việt tấn xã (hãng thông tấn của chính quyền Sài Gòn) phụ trách các phóng viên nước ngoài làm việc tại đây. Từ đó cho đến khi chiến tranh kết thúc, Phạm Xuân Ẩn tích cực hoạt động tình báo cho Cách mạng trong vai trò một phóng viên của Reuters và Time tại Việt Nam…
Trong những năm 1960, Ẩn là một nhà báo cỡ bự ở Sài Gòn. Ít ai có thu nhập đến 750 USD một tháng như ông. Mặt khác, tầm cỡ của ông còn thể hiện ở những mối quan hệ rộng lớn từ Phủ Tổng thống đến Bộ Tổng tham mưu chính quyền Sài Gòn. Nhiều nhân vật chóp bu trong chính quyền Sài Gòn như Trần Kim Tuyến, Đỗ Mậu, Đỗ Cao Trí, Tôn Thất Đính, ông đều quan hệ thân tình đến mức có thể lại nhà chơi bất kỳ lúc nào.
Trong cuốn sách "Phạm Xuân Ẩn – tên người như cuộc đời", ông Ẩn có kể rằng một lần ông đến nhà Trần Kim Tuyến chơi gặp nhiều vị Bộ trưởng mang quà đến biếu xén. Nhìn thấy nhiều hoa thủy tiên, ông bảo: “Ở đây nhiều quá mà nhà tôi không có”. Miệng nói tay ông vơ một nắm. Một ông Bộ trưởng nhìn thấy không vừa ý hỏi vợ Tuyến: “Đứa nào mà hỗn vậy?” nhưng bà vợ Tuyến cười xuề xòa bảo “ À anh Ẩn làm báo quen đấy mà”.
Những người cung cấp tin tức cho Phạm Xuân Ẩn rất yên tâm vì ông luôn trung thành với nguyên tắc báo chí là bảo vệ nguồn tin đến cùng. Trong dịp đưa tin về sự kiện đại sứ Mỹ Nolting khánh thành đường băng Tân Sơn Nhất, trong tay Ẩn đã có bản phô tô bài diễn văn của Nolting và ông đã phát bài diễn văn cho Reuters. Bất ngờ là khi đọc, Nolting lại tự ý cắt bỏ một số câu chữ. Khi nghe VOA phát lại tin lấy từ Reuters, Nolting thấy những câu chữ đó vẫn còn. Ông ta vô cùng tức giận cho là Reuters có nội gián trong Tòa Đại sứ và yêu cầu phải điều tra cho ra kẻ đó.
Giai ma doc chieu san tin tinh bao cua Pham Xuan An
Phạm Xuân Ẩn (ngoài cùng bên trái) trong thời gian làm báo Times, Mỹ. 
Sau khi nhân viên an ninh của Sài Gòn không thuyết phục được Ẩn nói ra, George Philip (tùy viên báo chí của Đại sứ và là bạn Ẩn) đến gặp Ẩn. Bị từ chối nói ra người cung cấp tin, Philip cố gắng tìm manh mối bằng cách chỉ hỏi người cung cấp tin là da trắng, da đen hay da vàng. Bất ngờ, ông Ẩn nói: “Mày biết người Mỹ dạy tao làm báo rất kỹ, thà mất việc chứ không nói ra nguồn tin”. Nỗ lực điều tra kẻ “nội gián” của Nolting thất bại nhưng nhờ đó, uy tín của Phạm Xuân Ẩn với các nguồn tin lại càng lên cao. Những người quen biết ông càng tin tưởng vào một nhà báo chân chính, trung thực nên không ngại cung cấp tin tức cho ông sau này.
Morley Safer (chủ biên Chương trình 60 phút của Đài CBS) trong cuốn sách Hồi tưởng: Khi trở lại thăm Việt Nam đã viết về Phạm Xuân Ẩn: “Ở tòa báo Time, anh được coi là người khôn khéo. Ẩn luôn luôn được giao nhiệm vụ thuyết trình cho nhóm phóng viên mới tới. Và cũng chính anh ta là người gỡ mối cho những vấn đề chính trị rối mù của chính giới Việt Nam lúc đó. Anh là người cởi mở, dấn thân và có óc hài hước, luôn được niềm nở tiếp đón trong các giới quân sự và ngoại giao Việt - Mỹ và cũng là một trong số ít ký giả Việt được cho phép tham dự các buổi thuyết trình hạn chế của phái bộ Mỹ”.
Làm tình báo bằng kỹ năng báo chí
Khi Morley Safer hỏi rằng: “Họ (tức những người chỉ huy của Ẩn) đã trông cậy ở anh điều gì?”. Phạm Xuân Ẩn nói: “Cũng là những điều mà tòa báo Time muốn tôi viết. Cấp trên của tôi muốn được biết về các căn cứ, tiềm năng của các đơn vị, các cấp chỉ huy, biết ai tham nhũng và những ai có thể tranh thủ được. Họ muốn biết mọi chuyện về chính trị, cũng những thứ mà các anh làm báo trước đây muốn được biết”.
Giai ma doc chieu san tin tinh bao cua Pham Xuan An-Hinh-2
 Phạm Xuân Ẩn bên đường phố Sài Gòn. (Ảnh do một nhà báo Mỹ chụp).
Mối quan hệ giữa nghề báo và nghề tình báo, như ông nói rất mâu thuẫn nhau. Một đằng biết tin tức gì thì viết toạc ra cho cả thế giới biết còn một đằng biết được tin gì thì đánh giá, phân tích rồi phải giấu nhẹm đi không để người khác biết là mình biết. Tuy vậy chúng lại thống nhất với nhau ở điểm cùng đi săn tìm thông tin và Phạm Xuân Ẩn đã kết hợp hai nghề ấy một cách hoàn hảo.
Những nguồn tin của ông thường ở các giới: báo chí, tình báo, an ninh đối phương… họ cũng rất cần tin tức. Để lấy được tin tức từ họ cũng cần phải có qua có lại, ông nói: “Thức ăn của họ là thông tin, tư liệu… Như chim phải cho ăn hoài nó mới hót. Người kinh tế cần tin kinh tế. Tin công khai thôi. Chơi thị trường chứng khoán có lúc họ không biết nên hay không nên bán ra. Họ tìm đến hỏi mình vì mình biết phân tích các dấu hiệu thời cuộc có thể ảnh hưởng. Thí dụ năm 1973 thị trường chứng khoán Mỹ xuống dữ. Mỹ lạm phát nặng. Khi họ hỏi ý kiến, tôi cũng xin chút thời gian ngắn tham khảo và đưa nhận xét để họ tự quyết định. Chẳng hạn như lạm phát đấy nhưng chưa đến nỗi. Vẫn có khả năng lên…Ngay cả giới tướng lĩnh quân sự cũng làm ăn nên họ quan tâm”.
Ngược lại, họ sẽ giúp ông những tin tức ông cần về hoạt động quân sự, các kế hoạch… mà họ nghĩ ông cần để phân tích thời cuộc phục vụ cho viết báo. Cũng có khi qua những thông tin mà họ nói khi nhờ ông tư vấn này nọ lại tiết lộ những sự việc khác. Đó là đặc điểm chỉ có ở một nhà báo giỏi hoạt động tình báo như Phạm Xuân Ẩn.
Quan sát, phán đoán là những kỹ năng quan trọng của một nhà báo. Phạm Xuân Ẩn tỏ ra rất có năng lực quan sát và nhạy cảm trong phán đoán. Khi đại sứ Nolting sắp bị triệu hồi về nước, chính quyền Diệm cố gắng giữ kín, Tòa Đại sứ cũng bưng bít thông tin. Vào một tối ngồi ở tiệm ăn Pháp có tên La Cigale, ông bắt gặp viên bí thư của Nolting dẫn theo một cô bồ người Việt vào quán. Một nhân viên an ninh của Tòa Đại sứ nhìn thấy hỏi anh ta: “Sao bữa nay ăn mặc lôi thôi lại còn dẫn theo cả đào?”. Người bí thư trả lời: “Tuần tới tao về nước, phải cho tao xả hơi chứ”. Dựa vào đó cộng với những thông tin đã nghe từ trước, Phạm Xuân Ẩn kết luận tuần tới Nolting về nước. Tin của ông đăng lên Reuters đã khiến Tòa Đại sứ Mỹ một lần nữa điên đầu. Dù ông không nói ra nhưng biết đâu những tin tức ấy kèm theo đánh giá phân tích của ông đã chuyển về chiến khu để giúp cấp trên nắm rõ tình hình chính trường Sài Gòn cũng như quan hệ Việt Mỹ thời đó.
Phạm Xuân Ẩn không viết hồi ký để nói chi tiết về đời hoạt động của mình. Tuy nhiên, với vài mẩu chuyện trên, ta cũng phần nào hiểu được bí quyết giúp ông thành công chính là sự hóa thân vào nghề báo một cách thực sự. Như ông đúc kết: “Bình phong để hoạt động không phải là cái vỏ, không phải là sự đội lốt trá hình, đó không là sự ngụy trang bên ngoài. Phải thật sự sống bằng nghề đó một cách trong sạch – sống mãn đời nghề đó mới mong tiếp cận được mọi điều”.
Khánh Nam