Giải mã chuyện rắn khổng lồ ở Quảng Ninh

Google News

Lúc 3 ông rắn theo bà đi trồng dâu, ông rắn thứ hai nhảy múa trước lưỡi cuốc, không may chặt phải bị cộc đuôi.

Về Hoành Bồ (Quảng Ninh), nếu thấy người dân khắp hang cùng ngõ hẻm kể đủ thứ chuyện về loài rắn thì cũng không phải là chuyện lạ. Bởi đối với người dân Hoành Bồ, rắn không phải là một loài vật thông thường. Rắn khổng lồ đã có trong truyền thuyết và nhẹ nhàng đi vào mọi ngõ ngách đời sống của người dân. Thậm chí người Hoành Bồ còn lập những 3 ngôi miếu thờ loài vật linh thiêng này.
Bà lão già trong ngôi miếu Rắn
"Ngày tháng mười chưa cười đã tối", mới 5 giờ chiều mà bầu trời ở Hoành Bồ đã bị phủ mờ bởi một màn sương dày đặc. Đang loay hoay với con đường đất nhão nhoét dưới chân núi, bất chợt chúng tôi bắt gặp một bà lão già đi ngược chiều. Bà lão mặc chiếc áo nâu sồng, một tay cầm nón, một tay cầm túi hồ hởi ra mặt khi nhìn thấy bóng dáng của người lạ.
"Các cô cậu đi đâu, hỏi ai?", bà lão già cất tiếng. "Chúng cháu đi tìm miếu thờ 3 ông rắn". Nghe hỏi về miếu ông rắn, bà lão lặng lẽ quay đầu lại cười: "May cho cô cậu đấy! Để tôi dẫn cô cậu quay lại".
Hỏi chuyện thì được biết, bà tên Nguyễn Thị Chiện (82 tuổi) và chính là thủ nhang của ngôi miếu thờ thần Rắn. Bà Chiện coi miếu đã được 26 năm, từ những ngày ngôi miếu bắt đầu được sửa sang và tôn tạo lại thành di tích. Bà có gia đình và có nhà riêng nhưng phần lớn thời gian bà dành cho việc trông nom và sửa sang ngôi miếu.
Mỗi sáng, bà đi bộ tầm 3 cây số từ nhà đến ngôi miếu để nhang khói. Con đường 3 cây số không xa nhưng khá quanh co, lắt léo. Bà lão 82 tuổi nhưng bước chân vẫn thoăn thoắt bước xuống hàng trăm bậc đá cũ kĩ, rêu phong. Bà thoăn thoắt đi trước, vui vẻ kể chuyện: "Miếu thiêng nhưng ít khi có người ở xa đến đây lắm. Chỉ có người dân địa phương ở đây biết mới ghé thăm thôi".
"Tiên cảnh!", tôi đã phát thốt lên như thế khi bắt gặp khung cảnh thần tiên trước mắt. Nơi sơn thủy hữu tình, ngôi miếu nhỏ tựa lưng vào núi, mặt quay ra con suối nước chảy rì rào. Bóng cây si già ngả xuống mặt hồ yên ả tạo cho lòng người một cảm giác thanh tịnh, bình yên đến lạ. Gọi là ngôi miếu nhưng thực chất nơi thờ cúng ông rắn lại là một cái hang nhỏ. Trong hang, hương vẫn nghi ngút.
Bà lão chậm rãi kể lại: "Đây không phải miếu thờ ba ông rắn. Chính xác đây là miếu ông Cộc, một trong ba ông rắn được người dân tôn lập đền thờ. Ông Cộc là con thứ hai của một người phụ nữ đẹp trong vùng với vị thần núi Mằn. Vì có công giúp nhiều người dân trong vùng nên được sắc phong Đệ Nhị Long Vương Thượng Đẳng Thần.
Giai ma chuyen ran khong lo o Quang Ninh
 

Giai ma chuyen ran khong lo o Quang Ninh-Hinh-2
 Bà Nguyễn Thị Chiện - Người trông coi ngôi miếu thờ thần Rắn.

Trước còn có một bức họa vẽ ông Cộc để làm ảnh thờ. Nhưng vì ngôi miếu nhỏ, mỗi lần nước lên ngập hang làm bức tranh bị hư hỏng nặng và trôi đi mất". Vừa nói, bà lão vừa chỉ tay vào gốc cây si già cạnh hang đá: "Chỗ đó trước kia là vết chân của ông Khổng Lồ - Vị thần núi Mằn, cha đẻ của ba ông Rắn, nguồn cơn của những câu chuyện liêu trai, kì bí được người dân địa phương truyền tai nhau kể lại".
Giấc mộng của người con gái đẹp nhất Hoành Bồ
Sở dĩ có ngôi miếu này là bởi ẩn chứa sau nó là một truyền thuyết về mối tình của người con gái đẹp nhất Hoành Bồ với vị thần của núi Mằn. Người con gái đẹp nhất Hoành Bồ, không ai nhớ rõ tên, chỉ biết bà mang họ Hoàng. Đêm nọ, cô gái họ Hoàng nằm mộng thấy vị thần khổng lồ trên núi xuất hiện. Sáng hôm sau, khi lên núi Mằn ướm chân vào một vết chân lớn, về nhà bà bỗng dưng mang thai và sinh ra bọc trứng.
Vừa sinh ra bọc trứng, vị thần khổng lồ trong giấc mộng trước đó hiện lên và bảo: "Ngày mai, nàng đem con ra khe Lăn đặt cho ta". Nghe lời, cô gái họ Hoàng mang bọc trứng ra khe Lăn đặt vào đó. Vừa đặt xuống khe Lăn thì cái bọc ấy nở ra 3 ông rắn rất to và hung dữ.
Bà vội vàng bỏ về làng nhưng 3 ông rắn vẫn nối đuôi đi theo. Thấy thế, bà rất sợ nhưng thấy nó đi theo vài ngày bà lại thấy chúng rất hiền lành nên quen. Hàng ngày, bà ra đồng, ba ông rắn cũng đi theo.
Lúc 3 ông rắn theo bà đi trồng dâu, ông rắn thứ hai nhảy múa trước lưỡi cuốc, không may chặt phải bị cộc đuôi, bà liền đặt tên là ông Cộc. Một ông thấy thế sợ quá chui tọt vào trong đống rơm, mặc dù đống rơm cháy đã tàn nhưng ở dưới vẫn còn lửa, bị cháy loang lổ thì gọi là ông Loang. Còn một ông nữa sợ quá chui xuống hang thì bà mẹ đặt tên là ông Dài.
Lại nói, bà mẹ của 3 ông Rắn này là người cực kì thương dân. Vào những ngày nước lũ chảy xiết qua núi Thiên Bân (hay còn gọi là núi Mằn), bà sai 3 ông Rắn vắt mình trên dòng suối, tạo thành một cây cầu cho người dân đi qua. Bà nhường cho dân đi trước, người dân dẫm trên lưng của con bà để qua dòng nước lũ đi về nhà. Người dân qua rất đông phải 3 ngày mới hết. Bà là người đi cuối cùng, vừa mới bước được một chân sang cầu bên kia thì 3 con rắn kiệt sức và tan theo dòng nước.
Thương xót cho ba người con, đêm bà nằm khóc và vị thần khổng lồ lại hiện lên và bảo: "Ngày mai nàng giúp ta phong thần cho các con. Ông Cộc đồng hang, ông Loang đồng cài, ông Dài đá trắng. Khi phong thần thì dặn các con nhớ phải giúp đỡ người dân vì đây là những khúc sông rất là hiểm trở". Ít lâu sau, người mẹ vì nhớ thương con mà chết. Người dân cũng lập đền Bạch Thạch (vùng toàn đá trắng dưới chân núi Mằn), tôn thành Thánh Mẫu để tưởng nhớ công ơn của bà.
Đang say sưa theo câu chuyện "thần thoại" của bà Chiện thì bỗng bừng tỉnh khi nghe tiếng kêu lộc cộc từ trong hang phát ra. Thấy chúng tôi vừa sợ, vừa ngờ vực, bà Chiện trấn an: "Đây không phải chuyện tôi bịa ra đâu nhé. Nó có sách vở và được phòng Văn hóa huyện Hoành Bồ ghi chép lại cẩn thận. Nếu không tin, mai cô cậu ra huyện gặp chị Thanh - Phó phòng Văn hóa, người đang giữ cuốn sách này để xác minh lại những gì tôi nói".
Màn đêm dày đặc đã bao quanh ngôi miếu ông Cộc từ khi nào. Dòng suối Thác Nhòng bắt đầu cuồn cuộn chảy xiết. Trên con đường rời miếu ông Cộc, những câu chuyện kì bí về vị thần núi Mằn và hình ảnh 3 ông rắn cứ nhảy múa trong đầu. "Có đêm tôi nghe tiếng rào rào trong hang, có ngày tôi nhìn thấy ba con rắn vật nhau trước miếu... Miếu thờ ông nào cũng linh thiêng, vì vậy các cô cậu đã đến miếu ông Cộc rồi thì nên đến miếu ông Loang, ông Dài nữa", bà Chiện nói.
Sáng hôm sau, chúng tôi quyết tâm hẹn gặp chị Thanh - Phó phòng Văn Hóa huyện Hoành Bồ, người đang nắm giữ cuốn sách ghi chép câu chuyện được lưu truyền từ hàng châu, hàng tổng. Cuộc trò chuyện với chị Thanh mở rộng ra nhiều điều kì bí hơn về vùng đất Hoành Bồ mà bấy lâu chưa ai khám phá.
Quả thật, đúng như những lời bà Chiện kể, chị Thanh - Phó phòng Văn hóa huyện Hoành Bồ (Quảng Ninh) chính là người nắm giữ tất cả những câu chuyện kỳ bí ở núi Mằn.
Trong căn phòng làm việc ở trụ sở huyện Hoành Bồ, chị Thanh lấy ra một cuốn sách được viết bằng chữ Nôm (có phụ đề tiếng Việt) cho chúng tôi xem. Lần theo câu chuyện mà chị Thanh kể, chúng tôi tiếp tục cuộc hành trình ở núi Mằn.
Giai ma chuyen ran khong lo o Quang Ninh-Hinh-3
 Cuốn sách ghi chép lại bí mật của núi Mằn được lưu giữ tại phòng Văn hóa huyện Hoành Bồ - Quảng Ninh,

Người gánh đá lấp Vịnh Hạ Long
Ở vùng đất Quảng Ninh thời sơ khai không có địa danh Hạ Long hay Hòn Gai. Còn ở Hoành Bồ ngày xưa chỉ có một cặp núi Mằn (núi Thiên Bân) và núi Truyền Đăng (núi Bài Thơ). Núi Mằn và núi Bài Thơ theo truyền thuyết là một cặp núi song sinh của ông Khổng Lồ gánh đá lấp biển.
Từ xa xưa, khi loài người còn mông muội, ông Khổng Lồ ông ngồi trên đỉnh núi Vua (hay còn gọi là Thành cổ Lỗ Kỳ) nhìn ra toàn bộ Vịnh Hạ Long. Ông thấy duy nhất Hoành Bồ là địa điểm bị nước biển ăn sâu vào trong đất liền, ngấm tận lên vùng rừng, vào cả các vùng đồng bào dân tộc thiểu số.
Ông nhìn thấy tương lai vùng đất này có thể trở thành cánh đồng mênh mông, đất đai màu mỡ, người dân quanh năm khoai lúa đầy bồ. Tuy nhiên, nước biển ăn sâu nên sẽ thường xuyên xảy ra lũ lụt. Vì thương dân nên ông xin thiên đình cho 3 ngày để lấp toàn bộ Vịnh Hạ Long đi.
Theo chị Thanh: "Câu chuyện ông Khổng Lồ gánh đá lấp biển là có sử tích chứ không phải rồng hạ, rồng bay như mọi người sáng tạo ra. Đây là câu chuyện lưu hàng châu, hàng tổng và được những người hàng trăm tuổi kể lại".
Ông Khổng Lồ xin 3 ngày để lấp Vịnh Hạ Long. Làm đến ngày thứ 2 thì biển động ầm ầm, Long Vương mới sai thủy thần của mình lên để dò xét, thám thính. Để đối phó với ông Khổng Lồ, Long Vương nghĩ ra một kế là tìm thần Kê (thần gà) có thể gáy vào canh 2. Bình thường là gà gáy vào canh 3 thì thần Kê vào canh 2 đã phải gáy rồi. Việc gánh đất lấp biển còn chưa xong, thì tiếng gà gáy, hết thời hạn 3 ngày, nên ông Khổng Lồ dừng lại.
Long Vương thấy rằng, mặc dù chưa lấp vịnh xong nhưng mà nếu nước biển vẫn tràn vào thì có nguy cơ ông Khổng Lồ sẽ quay lại và lấp hoàn toàn vùng Vịnh Hạ Long. Thế là, Long Vương bèn du cho những hòn đảo xen kẽ, để nước nó đan xen, hài hòa lẫn nhau. Bởi vậy, trước khi vào vịnh Cửa Lục nó tạo thành dòng chảy bạc lưu không gây nguy hiểm cho người dân.
Đến ngày thứ 3 đi làm, ông Khổng Lồ mới mang theo một nắm cơm. Thấy gà gáy, tưởng là mình hoàn thành nhiệm vụ nên ông quay về núi Vua để nghỉ. Nắm cơm không kịp ăn, ông úp nó xuống cạnh núi Mằn tạo thành một ngọn đồi y như hình nắm cơm. Bây giờ địa danh đó được gọi là đồi Nắm Cơm.
Ở gánh đất cuối cùng, những cái mắc sọt của ông rơi xuống tạo thành những hòn đảo lớn nhỏ không đều trên Vịnh Hạ Long.
Gà gáy báo hiệu một canh thì ông dừng lại để nghe. Chỗ ông đứng tạo thành vết chân ông Khổng Lồ (vết chân mà cô gái đẹp nhất Hoành Bồ ướm phải sinh ra 3 ông Rắn).
Gà gáy tiếng thứ 2, ông vội quay cái đòn gánh lại thì nó gẫy làm đôi. Một gánh rơi về xã Xích Thổ gọi là núi Bân, một bên rơi về phía xã Hiệp Khẩu gọi là núi Bài Thơ. Hai ngọn núi đều có hình đại tượng giống hệt nhau.
Giai ma chuyen ran khong lo o Quang Ninh-Hinh-4
 Nơi người dân thường thả một quả bưởi ở hang ông Cộc trong lễ Đại Kỳ Phúc, 3 ngày sau nó sẽ trôi về hang ông Dài
Trong cuốn "Đồng Khánh dư địa chí khoán sử triều Nguyễn" có ghi chép lại: "Núi Bân thuộc xã Xích Thổ, chỉ có núi này là núi đá lèn cao vách dựng. Phía đông có khe Bân, phía tây có khe Bạch Thạch đáng gọi là danh thắng. Núi Bài Thơ là một núi đá có cảnh sắc tươi đẹp".
Hình con đại tượng núi Bân chúc vòi xuống khe Bân uống nước, còn con đại tượng núi Bài Thơ thì chúc vòi xuống biển uống nước. Từ đó, người dân địa phương quan niệm là vạn vật được sinh ra bắt nguồn từ đất và nước ngọt.
Đi tìm cha đẻ của 3 ông Rắn
Theo quan niệm "trúng đại độc tiểu", tức là nhiều ngọn núi cao thì huyệt đạo lại là một ngọn núi thấp. Khi lên đỉnh Kỳ Thượng, nhìn xuống toàn bộ thành phố Hạ Long thì thấy toàn bộ núi Mằn như một quả trứng nằm giữa vịnh Cửa Lục (nối hai bờ Hòn Gai - Bãi Cháy (TP. Hạ Long) trước khi nước biển đổ sâu vào trong đất liền. Chính vì vậy, núi Mằn được coi là đại huyệt mạch của vùng đất Quảng Ninh.
Lại nói về vết chân khổng lồ dưới chân núi Mằn, sau khi người còn gái họ Hoàng ướm phải đã mang thai bọc trứng. Ít lâu sau thì nở ra 3 con rắn khổng lồ nhìn rất hung dữ. Đúng như lời bà Chiện kể trước đó, chị Thanh - Phó phòng Văn hóa huyện xác minh 3 ông Rắn thiêng được người dân lập đền thờ chính là 3 vị Thủy thần, con của ông Khổng Lồ và người con gái đẹp nhất Hoành Bồ.
Giai ma chuyen ran khong lo o Quang Ninh-Hinh-5
 Miếu ông Dài - Một trong 3 vị Thần Rắn ở Hoành Bồ - Quảng Ninh.
Cách miếu ông Cộc khoảng 15 cây số, miếu ông Dài cũng nằm ngay cạnh dòng sông (xã Thống Nhất), nơi hợp long của 3 dòng nước ngọt. Ông Dài được phân chia cai quản một đoạn sông dài, mênh mông sóng nước. Miếu ông Loang cách đó xa hơn nên chúng tôi chưa có dịp được đặt chân tới.
Tuy nhiên, khi tìm hiểu về sự tích ông Khổng Lồ, vị thần núi Mằn và 3 ông Rắn mới giải thích rõ tín ngưỡng thờ Thủy thần của người dân địa phương. Người Việt rất coi trọng vị thần Mẫu Thoải bởi xuất phát từ nền văn hóa lúa nước.
Sự tích miếu ông Cộc, ông Loang, ông Dài cũng giải thích một quy luật tự nhiên của dòng sông ngầm, xuyên qua các dãy núi, giải thích về quy luật dòng sông chảy ngược, quy luật về dòng thủy lưu.
Vào ngày 13, 14, 15 tháng 11 âm lịch hàng năm, người dân Hoành Bồ tổ chức lễ Đại Kỳ Phúc. Trong ngày lễ này, người ta khắc vào 3 quả bưởi và thả xuống dòng sông ngầm ở miếu ông Cộc, ông Loang, chỗ dòng sông thờ Mẫu ở núi Mằn. 3 ngày sau tất cả các quả bưởi đó đều chảy về miếu ông Dài, nơi hợp long của 3 dòng sông.
Khi 3 quả bưởi cùng chảy về một điểm, theo quan niệm của người dân là lời cầu khẩn đến thần linh đã ứng nghiệm. Nó cũng ngầm lý giải cho tín ngưỡng thờ Mẫu, thờ Thủy thần hình thành xuất phát ở vùng núi Hoành Bồ (Quảng Ninh) từ thời xa xưa.

Theo Kim Thược - Đức Thuận (VTC News)