Theo dữ liệu mới được Viện nghiên cứu Lưu trữ An ninh Quốc gia Mỹ công bố vào ngày 16/4, Cơ quan Tình báo Trung ương Mỹ (CIA) từng lên kế hoạch ám sát ông Raul Castro vào năm 1960.
Việc Mỹ công khai vụ việc trên vào ngày 16/4 trùng thời điểm diễn ra Đại hội Đảng lần thứ VIII của Đảng Cộng sản Cuba (PCC) dưới sự chủ trì của Bí thư thứ nhất-Đại tướng Raul Castro và Chủ tịch nước Miguel Diaz-Canel. Sự kiện diễn ra từ ngày 16-19/4 tại thủ đô La Habana. Cùng ngày 16/4, Đại tướng Raul Castro xác nhận ông sẽ thôi giữ chức lãnh đạo cấp cao nhất của PCC sau một thập niên tại nhiệm.
Nội dung của âm mưu ám sát ông Raul Castro nằm trong biên bản ghi nhớ vào tháng 1/1975, được chuẩn bị cho Tổng thanh tra CIA với đề tài trình bày là "hoạt động đáng ngờ". Trong đó nhấn mạnh "một công dân Cuba là phi công có thứ hạng tại Cubana Airline" được CIA "tuyển dụng và huấn luyện" năm 1960.
Ngày 18/7/1960, viên phi công có tên Jose Raul Martinez Nunez mới về phe CIA này đã đề nghị gặp gỡ khẩn cấp người quản lý. Martinez tiết lộ rằng nhiều khả năng ông ta được lựa chọn làm người điều khiển chuyến bay từ Havana đến Prague (Séc) trong 3 ngày tới để đón ông Raul Castro và nhiều quan chức Đảng Cộng sản Cuba.
Martinez đã gợi ý về việc "sắp xếp một tai nạn" khi máy bay trở về từ Prague. Bên cạnh đó, Martinez đề nghị khoản tiền 10.000 USD (tương đương 90.000 USD ngày nay) trong trường hợp thực hiện thành công chiến dịch.
Đến sáng 21/7, trụ sở chính của CIA gửi điện báo đến cơ sở mật tại Havana đánh giá chuyến bay từ Havana đến Prague là cơ hội vàng để "loại bỏ" nhóm 3 lãnh đạo hàng đầu của Cuba khi đó.
Một đại diện của CIA được cử đến gặp gỡ Martinez để thảo luận về "vụ tai nạn", cặp đôi đã trao đổi các điểm mấu chốt của âm mưu khi viên phi công lái xe đến sân bay. Martinez muốn được đảm bảo rằng trong trường hợp người này thiệt mạng, Washington sẽ nhận trách nhiệm để hai con trai của ông ta hoàn thành chương trình đại học.
Tuy nhiên, khi trở về cơ sở tại Havana, đặc vụ của CIA lại nhận được điện tín từ trụ sở yêu cầu dừng âm mưu ám sát ông Raul Castro. Theo các tài liệu mật được công bố gần đây, nguyên nhân khiến CIA quyết định dừng âm mưu này bắt nguồn từ lý do thực tiễn thay vì nhân đạo.
Một điều đáng chú ý là phi công Martinez đã ở trên không khi cơ sở Havana nhận lệnh hủy kế hoạch ám sát. Do vậy, cơ sở Havana bất lực trong việc thông báo cho Martinez. Nhưng âm mưu ám sát ông Raul Castro đã "đổ bể". Khi quay trở về Cuba, phi công Martinez chia sẻ với người trung gian rằng ông ta không có cơ hội dàn xếp vụ tai nạn như đã thảo luận.
Ngày hôm sau, cơ sở Havana gửi điện tín đến trụ sở của CIA tại Mỹ đề cập đến những hạn chế trong hai kế hoạch được đề xuất để "tạo tai nạn giả". Hai kế hoạch này là "cháy động cơ trong quá trình cất cánh"và "tai nạn trên biển".
Bức điện tín của cơ sở Havana nêu rõ: "Martinez loại trừ kế hoạch hỏng động cơ khi đang bay bởi nguy hiểm từ hỏa hoạn và không có nhiều cơ hội để cứu hành khách và phi hành đoàn. Chiếc phi cơ được canh gác kỹ càng nên không thể gây tác động đến lốp máy bay. Khó có khả năng tạo ra tai nạn thật mà không gây nguy hiểm đến mạng sống của những người có mặt trên chiếc phi cơ. Nhưng, ông Martinez vẫn sẵn sàng thử sức nếu có cơ hội".
Nhà phân tích Peter Kornbluh tại Viện nghiên cứu Lưu trữ An ninh Quốc gia Mỹ nhận định: "Những tài liệu này nhắc nhở chúng ta về một quá khứ đen tối và nham hiểm từ các chiến dịch của Mỹ chống lại cách mạng Cuba.
Ngoài ra, vụ ám sát bất thành này có thể coi là bằng chứng cho thấy "may mắn" đặc biệt của gia đình nhà Castro. Kênh RT (Nga) cho biết Chủ tịch Fidel đã lãnh đạo Cuba trong 49 năm và vượt qua hơn 638 âm mưu ám sát, chủ yếu do Washington đứng đằng sau giật dây. Cựu lãnh đạo cơ quan phản gián Cuba-ông Fabian Escalante ước tính rằng âm mưu ám sát Chủ tịch Fidel do CIA chủ mưu dưới các thời Tổng thống Mỹ lần lượt là Dwight Eisenhower với 38 vụ, John F. Kennedy là 42 vụ, Lyndon B. Johnson có 72 vụ, Richard Nixon là 184 vụ, Jimmy Carter 64 vụ, Ronald Reagan kỷ lục 197 vụ, George H. W. Bush 16 vụ và Bill Clinton là 21 vụ.
Tháng 12/1960, phi công Martinez đào tẩu đến Mỹ và trở thành cư dân Miami, Florida. 15 năm kể từ cuộc cách mạng 1959, có khoảng 500.000 người Cuba đã đến Miami. Nhiều trong số này tham gia vào cuộc chiến bí mật của CIA nhằm chống lại chính phủ của Chủ tịch Cuba Fidel Castro.
Một trong những vụ việc "điển hình" nhất của chiến dịch chống phá Cuba do CIA chống lưng là Sự kiện Vịnh Con Lợn tháng 4/1961. Có 1.400 người Cuba lưu vong được CIA đào tạo, đã cố gắng lật đổ chính phủ của Chủ tịch Fidel Castro. Tuy nhiên, chiến dịch kéo dài 3 ngày thất bại với 114 người thiệt mạng, 360 trường hợp bị thương và 1.200 tên bị bắt.
Theo Hà Linh/ Báo Tin Tức