Trong một nỗ lực và cố gắng nhất có thể, xin được mạn phép trình bày những kiến giải về nguồn gốc, xuất xứ một số đạo hiệu, danh hiệu có liên quan đến một danh tăng kỳ lạ vào bậc nhất ở nước Nam.
Theo nhiều nguồn tư liệu khác nhau, có thể tóm lược tiểu sử của vị đại danh sư như sau: Ngài tên thật là Nguyễn Chí Thành, quê ở thôn Điềm Xá (còn gọi là Điềm Giang/Điềm Dương), phủ Trường An (nay thuộc xã Gia Thắng, huyện Gia Viễn, tỉnh Ninh Bình). Cha Ngài là ông Nguyễn Sùng, mẹ là Dương Thị Mỹ, quê bà ở làng Phả Lại, phủ Từ Sơn (nay làng Phả Lại, xã Đức Long, huyện Quế Võ, tỉnh Bắc Ninh, giáp với phường Phả Lại, TP Chí Linh, tỉnh Hải Dương).
Vợ chồng ông Nguyễn Sùng tuy gia cảnh nghèo khó nhưng luôn chăm lo làm việc thiện. Hai ông bà sinh hạ được một người con trai khôi ngô, tuấn tú, đặt tên là Nguyễn Chí Thành.
Về ngày sinh, các sách vở có ghi chép khác nhau, tài liệu thì viết Ngài sinh ngày 15 tháng 10 năm Ất Tị (1065), tài liệu khác thì ghi sự ra đời là năm Bính Ngọ (1066) tại thôn Điềm Xá quê cha. Sách thì viết Ngài ra đời vào ngày 14 tháng 8 năm Bính Thìn (1076) làng Loại Trì, huyện Chân Định, (nay thuộc tỉnh Nam Định). Tại làng Hành Thiện (Nam Định) cũng có một ngôi chùa gọi là chùa Keo (giống tên gọi chùa Keo ở làng Hành Nghĩa, tỉnh Thái Bình), người dân khi đi lễ Thánh còn đọc bài kệ, trong đó có câu:
Nam mô đại pháp thiền sư,
Thác sinh triều Lý quán cư xã Đàm.
Tuy năm sinh được ghi chép khác nhau, nhưng chính sử và nhiều thư tịch hầu hết đều chép Thánh Nguyễn Minh Không viên tịch vào tháng 8 năm Tân Dậu (1141) thọ 76 tuổi (tính cả tuổi mụ). Như vậy, chính xác năm sinh của Ngài phải là năm Bính Ngọ (1066).
Trong cuộc đời hành đạo của mình, Ngài được gọi bằng rất nhiều danh hiệu khác nhau, có hiệu do triều đình phong tặng, có hiệu do tu hành mà nên, có hiệu lại do dân gian yêu kính mà đặt. Dưới đây là một số danh hiệu ấy:
1. Khổng Lồ - Không Lộ - Khổng Lộ
Trong kho tàng văn hóa dân gian, nhất là ở vùng Ninh Bình, Nam Định, Thái Bình còn lưu giữ nhiều câu chuyện truyền thuyết về thần Khổng Lồ như "Ông Khổng Lồ gánh núi", "Ông Khổng Lồ bắt lươn", "Núi Đó và lò nước của ông Khổng Lồ", "Sự tích núi Kẽm Đó", "Sự tích núi Con Mèo" gắn với hàng loạt di tích liên quan đến sư Nguyễn Chí Thành như: núi Đồng Cân, núi Đầu Rau, núi Nút Đó,…
Việc thần thoại hóa vị sư họ Nguyễn thành vị thần Khổng Lồ là một mô típ độc đáo trong nền văn hoá của cư dân nông nghiệp trồng lúa nước ở vùng châu thổ sông Hồng. Hình ảnh đó được xây dựng từ những mảnh vụn huyền thoại, từ một quốc sư tài danh để trở thành một ông Khổng Lồ có yếu tố của một anh hùng văn hoá. Từ sự tích thần Khổng Lồ có thể thấy sự đan xen các lớp văn hoá, tín ngưỡng khó có thể nhận ra từng yếu tố, đâu là những mảnh vụn huyền thoại được thần thoại hoá, lịch sử hoá, tín ngưỡng thờ thần linh nông nghiệp, thần đánh cá, thờ Tổ nghề và lớp văn hoá Phật giáo để tôn vinh một vị sư trở thành một vị Thánh bất tử.
|
Tượng thờ Thánh Không Lộ tại đền Thánh Nguyễn (huyện Gia Viễn, Ninh Bình). Ảnh: Lê Thái Dũng. |
Có ý kiến cho rằng, pháp hiệu Không Lộ chính là sự biến âm, đọc chệch đi từ chữ Khổng Lồ. Điều này cần có sự nghiên cứu, phân tích rõ ràng hơn về mặt ngữ âm, nhưng về mặt thư tịch, các tài liệu đều viết rằng Không Lộ là đạo hiệu của sư sau khi xuất gia, riêng có sách Tân đính Lĩnh Nam chích quái chép rằng Khổng Lồ là tên của vị sư, sau khi đi tu mới lấy đạo hiệu là Không Lộ thiền sư. Có sách thì viết rằng vì tu hành tại chùa Không Lộ ở Giao Thủy (tức chùa Keo ở Nam Định ngày nay) nên sư lấy luôn đạo hiệu là Không Lộ; trong Lĩnh Nam chích quái có đoạn chép rằng: “Chùa Không Lộ ở làng Giao Thuỷ có nhà sư Minh Không”.
Theo sách Tân biên Nam Định tỉnh địa dư chí lược thì: “Không Lộ tên chính là Nguyễn Chí Thành, người xã Điềm Xá, huyện Gia Viễn cùng Nguyễn Viết Y người xã Loa Điền, Hải Thanh kết bạn với nhau, Chí Thành đạo hiệu là Không Lộ, Viên Y đạo hiệu là Giác Hải”.
Không Lộ có nghĩa là đường trên không, hay đi trên không, pháp hiệu này để chỉ tài năng phép thuật của vị sư có thể “giá vũ đằng vân”. Trong sách An Nam chí lược của Lê Tắc viết vào thế kỷ XIII có đoạn chép: “Tục truyền Không Lộ có tài bay lên không trung”. Hay như trên tấm bia dựng tại chùa Quán Sứ (Hà Nội) thuộc niên hiệu Tự Đức thứ 8 (1855) đời Nguyễn Dực Tông có ghi: “Thiền sư (Minh Không) là người tinh thông pháp thuật, pháp môn kỳ quái không sao lường hết được. Có khi ngài theo cây tích trượng bay về chốn đế đô, có nơi lại mây bay dạo chơi núi Thiên Thai, không sao đoán biết được…”.
Sách Đại Nam nhất thống chí thì viết: “Thiền sư Không Lộ… , tinh thông pháp thuật, bay lên không trung, đi trên mặt nước, hàng phục được long hổ, kỳ quái khó lường”.
Một biến âm khác là chữ Khổng trong Khổng Lồ được ghép với chữ Lộ trong Không Lộ để thành một tên gọi khác nữa là Khổng Lộ nên sau khi Ngài viên tịch, đã được người theo đạo Phật ở nước ta suy tôn là Khổng Lộ vương Bồ Tát hoặc Không Lộ Như Lai, thế nên mới có câu rằng:
Nam mô Không Lộ Như Lai,
Giáng sinh triều Lý đương thời thái minh.
2. Dương Không Lộ
Ngoài đạo hiệu Không Lộ, nhiều sách viết là Dương Không Lộ để ý chỉ vị sư họ Dương, có đạo hiệu là Không Lộ. Trong sách Thiền uyển tập anh viết: “Thiền sư họ Dương, người hương Hải Thanh, nhà mấy đời làm nghề đánh cá, sau bỏ nghề cũ quy tâm Phật đạo”; tương tự như vậy, sách Lĩnh Nam chích quái chép: “Thiền sư Dương Không Lộ ở chùa Nghiêm Quang, huyện Hải Thanh, mấy đời làm nghề câu cá, sau bỏ nghề ấy mà đi tu, thường hay đọc kinh Già-la-ni-môn”…
Các tài liệu khác cũng ghi nhận thông tin như vậy khi viết về tiểu sử vị sư họ Dương có đạo hiệu là Không Lộ để phân biệt với một vị sư có đạo hiệu là Nguyễn Minh Không.
Thực ra, Dương Không Lộ hay Nguyễn Minh Không chỉ là một người, sự đa dạng trong pháp danh, đạo hiệu.v.v..v. của vị sư đặc biệt này đã dẫn đến sự nhầm lẫn coi đó là hai nhân vật hoàn toàn khác nhau. Chúng ta nếu so sánh chuyện về Dương Không Lộ và Nguyễn Minh Không sẽ thấy có nhiều chi tiết giống hệt nhau. Một điều rất đáng lưu ý, đó là trong chính sử không có đoạn nào chép riêng về sự tích Dương Không Lộ, chỉ thấy có một số đoạn đề cập đến thiền sư Minh Không mà thôi nên có ý kiến cho rằng rằng Dương Không Lộ thực chất là tên lấy theo họ mẹ của Nguyễn Minh Không ghép với hiệu Không Lộ.
|
Thiền sư bên rừng núi. (Hình minh họa – Nguồn: http://www.tintm.com). |
3. Dương Minh Nghiêm – Dương Minh Không
Liên quan đến họ Dương, ngoài Dương Không Lộ một số tài liệu còn chép Thánh tổ là Dương Minh Nghiêm, tức là chép thẳng họ và tên húy của Ngài với quan điểm phân biệt với Nguyễn Minh Không, như trong sách Quốc sư bảo lục.
Có tài liệu khác thì ghi là Dương đại sư hoặc ghi là Dương Minh Không, lấy họ Dương ghép với pháp hiệu Minh Không, như trong thần tích về Quốc sư triều Lý thờ ở chùa làng Chính Đại, thuộc huyện Nga Sơn, tỉnh Thanh Hóa viết rằng: “Quốc sư họ Dương, húy là Minh Không”. Hay như trong sách Không Lộ thiền sư ký ngữ lục thì sư tên thật là Minh Nghiêm “người Hải Thanh, họ Dương, pháp hiệu là Minh Không, làm nghề đánh cá, sau bỏ nghề đi tu, đắc đạo, có pháp thuật, có thể bay trên không, đi trên mặt nước, bắt long, hổ phải qui phục…”, sách này còn cho biết Ngài có công giúp triều đình đánh được Chiêm Thành.
Theo ý kiến của nhà nghiên cứu văn hóa Lê Xuân Quang thì ở núi Dương Sơn, giữa ngã ba sông Kỳ, thuộc thôn Lạc Khoái, xã Gia Lạc, huyện Gia Viễn, tỉnh Ninh Bình có đền thờ Quốc sư triều Lý, quê ở Điềm Xá với đạo hiệu là: “Dương sơn đại sư”, tại đây còn giữ được bản sắc phong năm Cảnh Hưng thứ 44 (1783) đời Lê Hiển Tông có phong hiệu cho Thánh tổ là: “Dương Sơn Minh Không”, vì phong hiệu này mà có người nhầm sư mang họ Dương, làm cho một người hóa thành hai.
Cuốn Lịch sử Phật giáo Ninh Bình cung cấp thêm thông tin về nơi thờ của Ngài như sau: “Chùa Lạc Khoái có tên chữ là chùa Hưng Khánh, ở thôn Lạc Khoái, xã Gia Lạc, huyện Gia Viễn. Theo truyền thuyết và câu đối ở chùa, chùa gắn liền với Quốc sư Nguyễn Minh Không. Tương truyền Nguyễn Minh Không đã tu hành ở đây, nên khi Quốc sư mất, nhân dân địa phương đã lập miếu thờ ông ở núi Dương”.
4. Thánh Nguyễn – Thánh Tổ - Đức Tổ Điềm Giang
Một điều rất thú vị, tuy là một vị sư nhưng Nguyễn Chí Thành lại được tôn làm Thánh vì cho rằng Ngài có nguồn gốc từ Thiên đình giáng sinh, trong bản Thánh tổ kệ diễn quốc âm có đoạn viết:
Xưa ông hộ xá Nguyễn lang,
Bà người Hán Lý, họ Dương duyên phùng.
Ông, bà trung hiếu thủy chung,
Mượn nghề sơn thủy mở lòng Phật, Tiên.
Người phàm hiếu cảm Hoàng thiên,
Trời cho tiên tử ứng điềm thánh thai.
Bính Thìn hứng cảnh thu bay,
Đương đời Nhân đế đản ngày Thái Ninh.
Dòng Tiên dấu Nguyễn rành rành,
Đã thông việc nước lại tinh việc nhà.
Xuất xứ của Thánh được sinh ra trong một gia đình họ Nguyễn, được đặt tên là Nguyễn Chí Thành nên có nơi người dân gọi Ngài là Thánh Nguyễn, tức vị Thánh họ Nguyễn. Người theo đạo Phật ở nước ta tôn Ngài cùng với các thiền sư Từ Đạo Hạnh, Giác Hải là Nam thiền tam tổ; còn đạo Giáo lại suy tôn Ngài là Thánh tổ, coi là một trong ba vị Thánh Tổ của Đạo giáo nước ta thời Lý (Đại Việt tam thánh tổ) với những pháp thuật cao siêu, kỳ diệu và cũng bởi thế dân gian ở vùng Ninh Bình có câu:
Đại Hữu sinh Vương,
Điềm Dương sinh Thánh.
Có nghĩa là làng Đại Hữu sinh ra vua, làng Điềm Dương (tức Điềm Xá) sinh ra Thánh, hai làng này nằm kề nhau, nay đều thuộc huyện Gia Viễn, Ninh Bình. Vua ở đây là Đinh Tiên Hoàng đế, vị vua đầu tiên của nhà Đinh và Thánh ở đây chính là Nguyễn Chí Thành. Cũng với ý nghĩa đó nên một số câu đối, câu ca có nội dung tương tự, như câu đối ở chùa Lạc Khoái trên núi Dương Sơn (xã Gia Lạc, huyện Gia Viễn, Ninh Bình) có câu:
Điềm Xá chung linh sinh Nguyễn thánh,
Hoa Lư dục tú xuất Đinh Hoàng.
Ngoài ra Ngài được tôn làm Tổ nghề đúc đồng, với rất nhiều câu chuyện được lưu truyền trong dân gian. Hiện nay, nhiều làng nghề đúc đồng trong cả nước như làng Yên Xá, Tống Xá (Nam Định); phố Lò Đúc, Ngũ Xã, Châu Long (Hà Nội); các làng Châu Mỹ, Long Thượng, Đông Mai (Hưng Yên); làng Đào Viên, Điện Tiền (Bắc Ninh); làng Chè, làng Rỵ, làng Đông Sơn (Thanh Hóa); … đều thờ với tư cách ông tổ nghề đúc đồng.
Có nơi còn truyền tụng những địa danh gắn với việc truyền nghề của Ngài, như tại Nam Định có chuyện kể rằng Thánh Tổ có lần đến chùa Tống Xá, sau đó đi thăm các cánh đồng ở đây và thấy có một khu đất rộng, có loại đất sét tốt có thể làm khuôn đúc ở đây. Thánh bèn hướng dẫn dân làng nghề đúc đồng. Từ đó cánh đồng có hố đào để lấy đất sét được gọi là cánh đồng Hố.
Ngoài việc suy tôn là tổ nghề đúc đồng, một số nơi còn tôn Ngài là làm tổ nghề đan sọt hoặc tổ nghề rèn, như trong sách Tân biên Nam Định tỉnh địa dư chí lược có đoạn viết: “Đền thờ tổ nghề rèn đúc, xã Tống Xá, tổng Vũ Xá thường gọi là đền Thánh tổ, tổ tên là Nguyễn Chí Thành”.
Một số vùng ở Ninh Bình thì gọi Ngài là đức Tổ Điềm Giang: Tổ là tổ nghề, Điềm Giang là tên quê hương của Thánh.
5. Lý Quốc sư
Vì là một người giỏi y thuật, từng chữa khỏi bệnh “hóa hổ” cho vua Lý Thần Tông nên để thưởng công, nhà vua đã phong cho Ngài làm Quốc sư, lại ban 100 cân vàng và 100 khoảnh ruộng để hương hỏa cho chùa.
Theo chính sử, vua còn ban cho sư một số làng xã gồm có vài trăm gia đình để lấy tô thuế mà ăn lộc và được có người phục vụ công việc ở chùa mình tu; vài trăm hộ ấy không phải đóng tô thuế và cùng sưu dịch cho nhà nước nữa, cũng từ đó Nguyễn Minh Không được gọi là Lý Quốc sư.
Sách Đại Việt sử ký toàn thư cho biết như sau: “Vua bệnh nặng, chữa thuốc không khỏi, nhà sư Minh Không chữa khỏi, phong làm Quốc sư. Tha phú dịch cho vài trăm hộ”; sách Việt sử tiêu án viết: “Vua cho vị tăng là Minh Không làm Quốc sư. Lúc bấy giờ vua đau nặng, thuốc uống vào không kiến hiệu, Minh Không chữa khỏi mới cho làm Quốc sư”; sách Đại Việt sử ký tiền biên cũng ghi: “Bính Thìn [1136] phong sư Minh Không làm Quốc sư. Khi ấy vua bị bệnh nặng, thầy thuốc chữa không hiệu nghiệm, nhà sư Minh Không chữa khỏi, phong làm Quốc sư, cho hưởng vài trăm hộ”…
Có hai cách giải thích về danh hiệu này, thuyết thứ nhất cho rằng vì có công nên Ngài được ban quốc tính họ Lý, phong làm Quốc sư, vì vậy Lý Quốc sư là tên gọi theo quốc tính họ vua ghép với chức danh cao nhất của một thiền sư ở vị trí đứng đầu trong hàng tăng ni cả nước thời Lý. Thuyết thứ hai thì cho rằng có thể hiểu đơn giản Lý Quốc Sư là vị quốc sư triều Lý.
|
Đền Lý triều quốc sư tại Hà Nội. (Hình minh họa – Nguồn: http://baotanglichsu.vn). |
6. Không Lộ Minh Không – Khổng Minh Không
Nếu như Không Lộ và Minh Không là hai đạo hiệu được ghi chép riêng rẽ khi viết về Thánh Tổ thì trong một số tài liệu lại gộp chung hai đạo hiệu này. Thí dụ trong truyện Minh Không thần dị chép trong tập Nam Ông mộng lục của Hồ Nguyên Trừng có nói đến việc này như sau: “Ở hương Giao Thủy ngày xưa, ở chùa Không Lộ có vị sư họ Nguyễn tục gọi Minh Không”.
Trong bản Nam thiên Thánh tổ Quốc âm kệ dẫn thì có câu viết rõ:
Chí Thành là húy Thánh ông,
Hiệu là Không Lộ Minh Không chính truyền.
Tiến sĩ triều Nguyễn là Đặng Xuân Bảng biên soạn sách Quốc sư bảo lục (khoảng năm 1898), ông đã phụng khảo các sắc phong của Thánh Tổ qua các triều đại thì thấy, tính từ triều vua Cảnh Thịnh (1792 - 1802) triều Tây Sơn trở về trước, các phong hiệu cho đều có bốn chữ: Không Lộ Minh Không.
Ngoài đạo hiệu kép Không Lộ Minh Không, trên cơ sở nhận định có hai vị sư nổi danh thời Lý với sự tích giống nhau nên giới nghiên cứu văn hóa có quan điểm cho rằng dân gian đã hoà nhập Dương Không Lộ và Nguyễn Minh Không làm một thành nhân vật gọi là Khổng Minh Không, điều này có thể tìm thấy trong văn bia chùa Keo Thái Bình, chùa Keo Nam Định và chùa La Vân (Quỳnh Phụ - Thái Bình)…
7. Thông Huyền
Không chỉ là một đại sư danh tiếng, có công rất lớn với xã hội, nhất là trong việc dựng chùa, hoằng dương Phật pháp, có tài liệu cho rằng Thánh tổ còn có hiệu là Thông Huyền, bởi Ngài thông hiểu, am tường mọi việc, biết chuyện quá khứ, rõ việc tương lai... và người đời gọi là Thông Huyền đạo nhân.
Dân gian có câu ca rằng:
Dục cầu cao ẩn lục,
Tu hướng Thông Huyền am.
Nghĩa là:
Muốn tìm sách cao thượng,
Hãy tới am Thông Huyền.
Truyền rằng Thánh tổ Không Lộ từng cùng với người bạn là thiền sư Giác Hải được vua Lý mời vào cung để trừ yêu quái. Thấy hai thiền sư đều là người tài giỏi, vua làm bài thơ khen rằng:
Giác Hải tâm như hải,
Thông Huyền đạo tối huyền.
Thần thông năng biến hóa,
Nhất Phật, nhất thần tiên.
Nghĩa là:
Giác Hải tâm như biển,
Thông Huyền đạo rất huyền.
Thần thông tài biến hóa,
Kẻ Phật, kẻ Thần tiên.
Trong bản Thánh Tổ kệ diễn quốc âm cũng nói đến chuyện này:
Vua Lý vừa mới sửa dinh,
Bỗng đôi cáp dới kêu inh trên xà.
Thầy kia, phép nọ càng ra,
Truyền mời Giác Hải cùng hòa Minh Không.
Năm mươi võ sĩ thuyền rồng,
Lệnh băng kíp rước hai ông lên thuyền.
…
Lên thuyền mỏi chút nghỉ ngơi,
Mộng lương chưa tỉnh, hồn mai vừa tàn.
Trông lên đã thấy kinh trường,
Kẻ rằng mơ sảng, người rằng quả nhiên.
Rước vào Thánh tấu sân đền,
Lập đàn lễ Phật mới yên việc này.
Vua tin kỳ đảo ăn chay,
Hai ông thành kính tụng rày Đà la.
Kính thành đôi chữ địch tà,
Miệng niệm linh chú, tay ra quyết thần.
Hết lòng hộ quốc cứu dân,
Mộc tinh mất tiếng rời thân am nhà.
Hiển linh phép nức sơn hà,
Hoàng gia thiên tải thái hòa an khang.
Quốc sư đôi chữ son vàng,
Kim điền, cờ biển gia ban tức thì.
|
Cây đèn đá ở sân đền Thánh Nguyễn (huyện Gia Viễn, Ninh Bình). Ảnh: Lê Thái Dũng. |
8. Nguyễn Minh Không
Minh Không là một trong những đạo hiệu phổ biến nhất của Thánh tổ và được ghép với họ của Ngài thành Nguyễn Minh Không, đạo hiệu này không những được được chính sử ghi chép mà trong các tư liệu, thư tịch và cả giai thoại dã sử, câu chuyện dân gian nhắc đến rất nhiều.
Thí dụ, trong sách Đại Việt sử ký toàn thư có 3 đoạn đề cập đến Thánh tổ Nguyễn Minh Không, như: “Khoảng tháng 6 năm Tân Hợi, niên hiệu Thiên Thuận thứ 4 (1131) dựng nhà cho đại sư Minh Không”; hoặc đoạn chép: “Vua bệnh nặng, chữa thuốc không khỏi. Nhà sư Minh Không chữa khỏi, phong làm Quốc sư. Tha thuế dịch cho vài trăm hộ”. Khi Ngài qua đời, trong Đại Việt sử ký toàn thư có đoạn viết: “Mùa thu tháng 8 [năm 1141], Quốc sư Minh Không chết (sư người Đàm Xá, huyện Gia Viễn, phủ Trường Yên) rất linh ứng, phàm khi có tai ương hạn, lụt, cầu đảo đều nghiệm cả, nay hai chùa Giao Thủy và Phả Lại đều tô tượng để thờ”.
Về xuất xứ của đạo hiệu Minh Không, có chuyện kể rằng sau khi đi Tây Trúc cầu đạo trở về, Thánh tổ đã đến trụ trì tại chùa Điềm Xá (nay thuộc xã Gia Tiến, huyện Gia Viễn, Ninh Bình). Đêm đêm Ngài thường ngồi thiền định tại sân chùa, thế rồi ở sân chùa tự nhiên mọc lên một cây đèn đá cao hơn 3 thước ta (khoảng hơn 1,27 m). Cũng từ đó, bên cây đèn, mỗi khi Thánh tổ ngồi thiền, các loài chim thú về chầu xung quanh, ánh sáng của cây chiếu sáng soi rọi cả lên không trung nên người dân kính cẩn tôn gọi Ngài là Minh Không và từ đó Thánh tổ có đạo hiệu là Minh Không.
Cụ Lê Xuân Quang, tác giả bản “Chuyện đức Thánh Nguyễn Không Lộ - Minh Không” có đoạn viết về câu chuyện lạ kỳ ấy như sau:
“Dãi dầu trải mấy mùa thâu,
Hai năm có lẻ, tới cầu Lăng Vân.
Đức Như Lai đón khách trần,
Truyền cho tâm ấn, phép thần huyền vi.
Về chùa Điềm Xá trụ trì,
Một đêm đèn đá mọc thì tự nhiên.
Cao dư ba thước cửa thiền,
Đèn soi sáng tỏ, kinh chuyên tụng cầu.
Lòng thành động đến cao sâu,
Muôn chim ngàn thú về chầu ở đây.
Sáng choang soi thấu tầng mây,
Minh Không dân đặt, tên nay gọi đầu.
Ngày càng đạo pháp nghiệm mầu,
Sen kia nở bát, lau hầu qua sông”.
*
Về Thánh tổ Không Lộ, cho đến nay vẫn còn nhiều ý kiến khác nhau về quê hương, tên họ, cuộc đời hành đạo… của Ngài. Trong bài viết nhỏ này chúng tôi không đi vào giải quyết những vấn đề còn nhiều khúc mắc, chưa sáng tỏ ấy mà chỉ đề cập tới nguồn gốc, xuất xứ một số đạo hiệu của Thánh tổ, giúp cho phần đông đại chúng khi tiếp cận thông tin được mở rộng kiến văn, phần nữa cung cấp ít nhiều thông tin tư liệu bổ ích khi nghiên cứu cũng như trong hoạt động tuyên truyền, quảng bá rộng rãi về một vị Quốc sư đặc biệt nhất trong lịch sử Phật giáo Việt Nam.
Lê Thái Dũng