Với tiêu chí “người sẽ tạo ra tác phẩm xuất sắc nhất theo một định hướng lý tưởng trong lĩnh vực văn học”, theo di chúc của Alfred Nobel - người sáng lập giải Nobel, tiểu thuyết gia người Tanzania Abdulrazak Gurnah đã được vinh danh Giải Nobel văn học 2021 cùng với giải thưởng trị giá 10 triệu krona (hơn 26 tỉ đồng), kèm huy chương và giấy chứng nhận.
|
Tiểu thuyết gia người Tanzania Gurnah đoạt giải Nobel năm 2021 vì miêu tả tác động của chủ nghĩa thực dân và sự di cư. Ảnh: @AFP. |
Viện Hàn lâm Thụy Điển nhận định rằng, ông Abdulrazak Gurnah được vinh danh "vì sự thâm nhập không khoan nhượng và trắc ẩn của ông đối với những tác động của chủ nghĩa thực dân và số phận của những người tị nạn trong hố sâu ngăn cách giữa các nền văn hóa và lục địa".
Với huy chương Nobel này, Gurnah 72 tuổi là nhà văn gốc Phi thứ sáu được trao giải Nobel Văn học, và một số nhà quan sát coi chiến thắng này là một sự điều chỉnh quá hạn từ lâu sau nhiều năm người châu Âu và Mỹ liên tục đoạt giải Nobel Văn học, kể từ khi nó được thành lập vào năm 1901.
Anders Olsson, chủ tịch ủy ban trao giải cho biết rằng, "Gurnah được công nhận rộng rãi là một trong những nhà văn thời hậu thuộc địa nổi tiếng thế giới; Gurnah đã nhất quán và với lòng từ bi cao cả, thấu hiểu được những ảnh hưởng của chủ nghĩa thực dân ở Đông Phi và những ảnh hưởng của nó đối với cuộc sống của những người tị nạn di cư,” ông nói thêm.
Nói về Abdulrazak Gurnah, biên tập viên Alexandra Pringle của Nhà xuất bản Bloomsbury tại Anh thường tiếp xúc và làm việc với nhà văn này nhận định, chiến thắng của tiểu thuyết gia này là "xứng đáng nhất" cho một nhà văn chưa từng được công nhận xứng đáng.
"Ông ấy là một trong những nhà văn châu Phi vĩ đại nhất còn sống, và chưa ai từng để ý đến ông ấy. Điều đó giày vò tôi. Đối với tôi, ông ấy là một nhà văn phi thường viết về những điều thực sự quan trọng. Giờ thì ông ấy đạt giải Nobel rồi”.
|
Gurnah sinh ra trên đảo Zanzibar của Tanzania nhưng đến Vương quốc Anh tị nạn vào những năm 1960 và sống ở đó đến ngày nay. Ảnh: @AFP. |
Được biết, Abdulrazak Gurnah sinh năm 1948, lớn lên ở đảo Zanzibar phía đông châu Phi và đến Anh tị nạn vào cuối những năm 1960. Ông từng là giảng viên tiếng Anh và văn chương hậu thuộc địa tại Đại học Kent cho đến khi nghỉ hưu.
Trong suốt sự nghiệp của mình, nhà văn đã xuất bản 10 cuốn tiểu thuyết và nhiều truyện ngắn, thường khám phá các chủ đề về sự tha hương, bản sắc, thế giới người tị nạn. Ông bắt đầu viết năm 21 tuổi ở Anh, và chọn viết bằng tiếng Anh mặc dù tiếng Swahili là ngôn ngữ mẹ đẻ của ông.
Nổi bật nhất là ba cuốn tiểu thuyết đầu tiên của ông là Memory of Departure (1987), Pilgrims Way (1988) và Dottie (1990), ghi lại trải nghiệm của người nhập cư ở Anh từ những khía cạnh khác nhau.
Năm 1994, quyển tiểu thuyết thứ tư của Abdulrazak Gurnah được xuất bản với tựa đề Paradise lấy bối cảnh ở Đông Phi thuộc địa trong Chiến tranh thế giới thứ nhất. Quyển này cũng nhận được đề cử cho giải Booker năm đó.
Quyển Admiring Silence (1996) kể câu chuyện về một thanh niên rời Zanzibar di cư đến Anh, nơi anh kết hôn và trở thành một giáo viên. Một chuyến trở lại quê hương 20 năm sau ảnh hưởng sâu sắc đến thái độ của anh đối với cả bản thân và cuộc hôn nhân của mình.
Còn “By the Sea”, quyển sách xuất bản năm 2001 lại là câu chuyện được kể lại bởi Saleh Omar, một người lớn tuổi xin tị nạn sống ở một thị trấn ven biển nước Anh.
Biên tập viên Alexandra Pringle cho biết, Gurnah luôn viết về sự dịch chuyển, “nhưng theo những cách đẹp nhất và ám ảnh nhất về những gì mà con người tị nạn nâng đỡ lẫn nhau trên khắp các lục địa”.
Bà nói: “Không phải lúc nào đó cũng là người xin tị nạn, nó có thể là rất nhiều lý do, nó có thể là vì thương mại, nó có thể là giáo dục, nó có thể là tình yêu để người tị nạn quyết định như vậy”.
|
Nhiều tác phẩm của Gurnah khám phá điều mà ông gọi là 'một trong những câu chuyện của thời đại chúng ta' về thế giới của những người tị nạn. Ảnh: @Tolga Akmen. |
“Văn của ông ấy đặc biệt đẹp và nghiêm túc, đồng thời cũng hài hước, tử tế và nhạy cảm. Ông ấy là một nhà văn phi thường viết về những điều thực sự quan trọng với đầy lòng trắc ẩn”, Pringle nói.
Còn Lola Shoneyin, giám đốc Liên hoan Sách và Nghệ thuật Ake ở Nigeria nói rằng, bà hy vọng giải Nobel Văn Chương của Gurnah sẽ mang những tác phẩm để đời đến lục địa châu Phi, nơi tác phẩm của ông không được nhiều người biết đến, và bà hy vọng các tác phẩm tiểu thuyết lịch sử của ông có thể truyền cảm hứng cho các thế hệ trẻ Châu Phi suy ngẫm sâu sắc hơn về quá khứ của đất nước họ".
“Nếu chúng ta không nhìn nhận một cách tích cực và cân nhắc về những gì đã diễn ra trong quá khứ, thì làm sao chúng ta có thể tạo ra một tương lai thành công cho chính mình ở châu lục?”, Lola Shoneyin nói.
Huỳnh Dũng (Theo Theguardian/ Nytimes)