Các nhà nghiên cứu cho biết những phát hiện này đã làm sáng tỏ hành vi của loài ếch, cho thấy con cái không chỉ đơn giản là chịu đựng hành vi tranh giành bạn tình của con đực. Ở ếch, con đực có thể bám lấy con cái, đôi khi gây tử vong.
Tiến sĩ Carolin Dittrich tại Bảo tàng Lịch sử Tự nhiên Berlin, tác giả đầu tiên của nghiên cứu, cho biết: “Trước đây người ta cho rằng ếch cái không thể lựa chọn hoặc tự vệ trước sự ép buộc của ếch đực”.
Nhưng nghiên cứu mới cho thấy giả thuyết này sai lầm. “Những con cái trong các quần thể sinh sản dày đặc này không thụ động như chúng ta vẫn nghĩ trước đây,” Dittrich nói.
Hình minh họa. Nguồn: Getty Images
Viết trên tạp chí Royal Society Open Science, Dittrich và đồng tác giả, Tiến sĩ Mark-Oliver Rödel, mô tả cách họ đặt mỗi con ếch đực vào một chiếc hộp có 2 con cái: một lớn và một nhỏ. Hành vi giao phối sau đó được ghi lại trên video.
Trong số 54 con ếch cái ở các hộp khác nhau bị con đực bám vào, 84% đã cố gắng xoay cơ thể. 48% phát ra những tiếng kêu như tiếng rít, 48% này cũng tìm cách xoay cơ thể.
Tình trạng bất động do căng cứng – tay và chân dang ra trong tư thế như chết – xảy ra ở 33% tổng số ếch cái bị ếch đực ôm chặt. Tình trạng giả chết có xu hướng xảy ra cùng với việc xoay người và kêu rít. Những con ếch cái nhỏ hơn thường xuyên sử dụng cả 3 chiến thuật cùng lúc hơn những con có kích thước lớn hơn.
Mặc dù bất thường nhưng tình trạng bất động giả chết đã từng được quan sát trước đây. Dittrich nói: “Tôi tìm thấy một cuốn sách viết năm 1758 của Rösel von Rosenhoff mô tả hành vi này nhưng nó không bao giờ được nhắc đến nữa".
Nhóm nghiên cứu cho biết tình trạng cơ thể bất động có thể là một phản ứng căng thẳng. Họ nhận thấy tình trạng này phổ biến hơn ở những con cái nhỏ hơn và do đó non hơn, có thể là kết quả của sự căng thẳng lớn hơn do có ít kinh nghiệm sinh sản hơn.
Theo nhóm nghiên cứu, 3 chiến thuật này đã cho phép ít nhất một số con cái né tránh con đực. “Việc thể hiện hành vi tránh né bạn tình đã giúp 25 con ếch cái thoát thân thành công", họ viết.
Tuy nhiên, các nhà nghiên cứu thừa nhận hành vi giả chết có thể có những mục đích khác. Ví dụ, việc ếch cái xoay cơ thể có thể giúp chúng đánh bật con đực nhưng đó cũng có thể là một cách để kiểm tra sức mạnh và sức chịu đựng của con đực.
Nghiên cứu cũng có những hạn chế, chẳng hạn như cần có cỡ mẫu lớn hơn để điều tra hiệu quả né tránh của hành vi giả chết ở những con cái nhỏ hơn. Tuy nhiên, Dittrich lưu ý nghiên cứu này đã mang lại cái nhìn mới về hành vi của ếch cái. Cô nói: “Ngay cả khi chúng ta nghĩ rằng đã biết rõ về loài ếch, thì vẫn có những khía cạnh mà chúng ta chưa biết và có lẽ chưa nghĩ tới”.
Theo Khoa học & Phát triển