|
Cuốn tản văn Hà Nội chưa xa đã nhớ của tác giả Vy Anh.
|
Tác giả Vy Anh tên thật là Cao Thị Lan Anh, phóng viên, biên tập viên của Báo Pháp luật & Xã hội (nay là Báo Kinh tế & Đô thị), quen thuộc với độc giả qua thời gian dài phụ trách chuyên mục “Văn hóa Thăng Long”. Cùng với viết báo, Vy Anh viết tản văn để trải nỗi niềm, cảm xúc của mình.
“Tản văn là một thể thức văn chương khá đặc biệt. Chúng ta không thể viết giống như tin, bài thông thường mà đòi hỏi người viết phải có sự giao thoa cảm xúc để chạm đến trái tim bạn đọc. Tản văn đã giúp tôi tìm thấy niềm vui mỗi ngày khi được kết nối với những bạn đọc có cùng tình yêu văn chương”, tác giả Vy Anh tâm sự.
Trước đây, tác giả đã có những bài tản văn in chung trong tập Miền mưa xanh (Nhà Xuất bản Hội Nhà văn, năm 2020), Những đôi môi cười (Nhà Xuất bản Hội Nhà văn, năm 2021). Nhưng phải đến cuốn Hà Nội chưa xa đã nhớ, độc giả mới cảm nhận được đầy đủ lối viết sâu sắc, tinh tế cũng như những nỗi niềm, xúc cảm mà ngòi bút chị luôn hướng về.
Tác giả chia sẻ: “Có lẽ, mỗi góc phố, mỗi con đường Hà Nội trong ký ức của ai đó chỉ là một địa danh, nhưng với tôi, đó là nơi lưu giữ cảm xúc, kỷ niệm thân thương. Hà Nội qua những trang tản văn của tôi trải dài bốn mùa thương nhớ. Mùa nào Hà Nội cũng đẹp với một phong vị riêng có, khiến những trái tim yêu mảnh đất này chưa xa đã nhớ”.
Viết về Hà Nội, nhất là bằng thể loại tản văn đã được không ít người cầm bút bước vào thể hiện, trong đó có nhiều nhà văn thành danh. Nhưng đọc những trang viết của Vy Anh, độc giả vẫn thấy những nét riêng, vừa tự nhiên, trong trẻo, vừa chất chứa hoài niệm, nhớ nhung, lại gói ghém những thông điệp ý nghĩa.
Hai phần của cuốn sách nối trọn cảm xúc của người đọc. Đúng như chủ đề Hà Nội bốn mùa thương nhớ, các bài tản văn trong phần một đưa độc giả trải nghiệm vẻ đẹp của Hà Nội chuyển mình trong phố qua từng bước thời gian.
Đó là Hoa xuân ca rực rỡ khoe sắc khắp mọi ngả đường, là tiết trời mưa xuân như lời thì thầm, là những cảm xúc Rưng rưng màu tím hoa xoan, Vương vấn hương ngọc lan, Trong veo màu nắng tháng năm, Xao xuyến tiếng ve đầu tiên, Hương mùa hạ, Thoảng hương hoa sữa đầu mùa, Nhớ thương mùa bàng chín, Cúc họa mi “chạm ngõ” mùa đông, Gánh hàng hoa…
Phần hai, Món ngon Hà Nội thật sự đánh thức mọi giác quan của độc giả khi gợi những phong vị riêng có, đặc sắc, gây nhớ thương của ẩm thực tinh tế Hà thành.
Nào là Thanh nhẹ phong vị phở gà Hà Nội, Món diếp cuốn bỗng rượu, Thanh mát gỏi sứa ngày nắng hạ, Bún chả Hà Nội, đi xa vẫn nhớ, Bún ốc nguội - món ăn đặc sắc nhất Hà thành, nào là Mùa thanh trà thoắt đến thoắt đi, Sấu à… sấu ơi…, Dịu ngọt chè sen, Hương cốm đánh thức mùa thu, hay Đông về nhớ món chả rươi, Canh bóng nấu thả… Trong mỗi bài viết, người đọc luôn thấy thấp thoáng hình dáng những con người Hà Nội bình dị, chân thành mà tinh tế, thanh lịch.
Nhà văn Ma Văn Kháng, người luôn cổ vũ, động viên Vy Anh trên con đường viết nhận định: “Dấu ấn cá nhân là tính nữ trong tản văn của Vy Anh thể hiện không chỉ ở chỗ chọn đề tài. Mà đậm đà hơn ở trong cách cảm, cách nghĩ và những cảm xúc tươi mới, tự nhiên, trong trẻo, chân thành, dồi dào và tinh tế.
Đọc tản văn của Vy Anh là trôi theo dòng cảm xúc, là như được thoát ra khỏi cái ồn ào nhộn nhàng thường khi, lảng ra một góc trời tĩnh lặng, êm đềm, đắm mình vào nỗi nhớ, xốn xang trong hoài niệm, lắng nghe tiếng nói thầm thì của tạo vật và trân trọng thêm, yêu quý thêm cuộc đời”.
Còn nhà văn Bùi Ngọc Phúc bày tỏ: “Tôi ấn tượng với những trang viết tỉ mỉ trong từng câu chữ và sự tinh tế vốn có của người Hà Nội. Cuốn sách như một bức tranh đa sắc với nhiều mảng màu đan xen mà chỉ có người yêu Hà Nội hết mình mới có thể viết hay đến vậy”.
Cuốn tản văn hấp dẫn người con Hà Nội đang ở nơi xa, những người từ nơi khác đến đây, những người đang ở mảnh đất này và tất cả đều thấy thêm yêu Hà Nội.
Theo Thuỵ Du/Hà Nội mới