Trịnh Tạc sai người đem một gói trân châu, cùng với năm khối vàng và một bức mật thư đưa cho Nguyễn Hữu Dật.
Theo sách "Đại Nam Thực lục Tiền biên" vào năm 1650, khi còn giữ chức ký lục châu Bố Chính, vì bị Tôn Thất Tráng gièm pha, nên Nguyễn Hữu Dật đã bị nhà vua hạ lệnh tống giam vào ngục một thời gian. Lần ấy, nhờ có tài văn chương mà ông được chúa Nguyễn hiểu và tha cho. Nội dung sự việc như sau: Mùa thu, năm ấy, Trịnh Tạc thấy quân mình liên tiếp bại trận, lòng rất lấy làm lo ngại, bèn tìm cách để chiêu dụ Nguyễn Hữu Dật về hàng. Trịnh Tạc sai người đem một gói trân châu, cùng với năm khối vàng và một bức mật thư đưa cho Nguyễn Hữu Dật.
Nhận được thư, ông cả giận nhưng vẫn giả vờ nói với sứ giả rằng: Tháng sau, xin vương (ý chỉ Trịnh Tạc) hãy đem quân đến đón tôi ở trên sông.
Sứ giặc đi rồi, Hữu Dật lập tức đem tất cả thư từ và các thứ mà Trịnh Tạc gởi biếu để dâng lên chúa và tâu rằng: Thần thờ chúa thượng, ơn nghĩa như cha con, dám đâu có chí khác. Nhưng nay muốn mượn kế giặc để đánh giặc, lại sợ không tâu bày rõ ràng từ trước thì mang tội không gì lớn bằng.
Chúa trả lời: Ta vẫn biết khanh trung thành. Mọi thứ họ Trịnh tặng, khanh cứ nhận lấy, đừng nghĩ ngợi bận tâm làm gì. Hữu Dật nghe vậy thì mừng lắm.
Đến mùa đông, có người từ Bắc Hà đến, người này tên là Tộ Long đã nói với Nguyễn Hữu Dật rằng: Người ở Bắc đều cho rằng việc binh quý ở sự thần tốc, thế mà nay các tướng cứ ngần ngại không tiến, bỏ lỡ cơ hội, thật đáng tiếc. Hữu Dật hậu đãi người ấy rồi cho về. Sau đó, ông đến dinh của Hữu Tiến bàn việc xuất quân, nhân thuật lại lời của Tộ Long và Hữu Tiến hỏi rằng: Bây giờ Tộ Long ở đâu?
Hữu Dật đáp: Đã cho về rồi.
Nghe thế, Hữu Tiến im lặng, có vẻ không bằng lòng. Ngay lúc đó, các tướng dưới quyền là Tôn Thất Tráng, Tống Hữu Đại và Phù Dương đều nói: Đại binh đi chinh phạt thì lệnh ở nguyên soái (chỉ Nguyễn Hữu Tiến, vì lúc này Nguyễn Hữu Tiến giữ chức Tiết chế) sao dốc chiến lại tự ý cho Tộ Long về? Vả chăng, trước đây đã có bức mật thư, chúng tôi chưa hiểu hư thực thế nào. Nay chỉ một lời của Tộ Long, ai mà dễ tin được? Chi bằng hãy đóng quân chờ thời.
Nghe vậy, Hữu Tiến nói: Phải.
Ngay lúc đó, Hữu Dật đứng phắt dậy và nói: Tôi cùng chư tướng vâng mệnh ra quân, quyết chí báo đền ơn nước. Vừa đây, họ Trịnh gửi mật thư để chiêu dụ tôi thì tôi đã tức tốc báo lên, chính vì muốn tương kế tựu kế mà làm việc lớn. Các ông không nên ngờ vực nhau như thế.
Hữu Tiến nói: Bọn chúng ta chịu ơn nặng với nước nhà nên mới cùng nhau dốc lòng báo đáp chứ có nghi ngờ gì. Nhưng, các tướng bàn nên đợi thời, kể cũng có lý, đốc chiến nên theo là phải.
Hữu Dật nghe vậy, uất ức mà lâm bệnh.
Bấy giờ, quân lính đóng lại ở đất Bắc đã lâu, có ý nhớ nhà nên muốn về, quân Nghệ An mới đến hàng cũng có nhiều người trốn. Nguyễn Hữu Dật hăng hái muốn tiến đánh, nhưng các tướng khác thì phần lớn lại không hợp ý. Nguyễn Hữu Tiến thấy Nguyễn Hữu Dật nhiều lần được khen thưởng nên sinh lòng ghen ghét. Cũng lúc đó, tướng dưới quyền là Phù Dương nói với Hữu Tiến: Hữu Dật chẳng qua là đứa học trò mặt trắng, nhờ khéo nói năng mà được tin dùng, tự ví mình với Quản Trọng (mưu sĩ của nước Tề ở Trung Quốc vào thời Xuân Thu), Nhạc Nghị (mưu sĩ của nước Yên ở Trung Quốc vào thời Chiến Quốc), bọn chúng tôi vẫn lấy đó làm điều xấu hổ. Đã thế lại còn có sứ Trịnh bí mật đi lại, sợ có ý khác đấy.
Lời bàn:
Dười thời phong kiến, theo quan niệm Nho giáo thì người quân tử phải là người biết, hiểu và làm đúng đạo của kẻ bề tôi. Tức đã là người quân tử thì phải biết lấy trung ái làm đầu. Trung để thờ vua và cũng là trung với quốc gia xã tắc. Còn ái là để kết bạn, là hòa thuận với đồng liêu, tất thảy bách quan trong triều cùng lòng phò vua giúp dân. Thế nhưng không hiểu những người thuộc loại bậc đại trượng phu, đại thần dưới triều đình nhà Nguyễn ngày xưa như Nguyễn Hữu Tiến, Phù Dương, Tộ Long... trong giai thoại trên lại nghi kị nhau ngay khi đối mặt với quân địch. Đây là điều tối kỵ của nhà binh, vì tướng lĩnh bất hòa, quân sĩ biết tin ai mà tuân lệnh. Hơn nữa, điều nghi kỵ nhau giữa các tướng soái còn thể hiện sự không tin tưởng vào người giao việc là chúa Nguyễn. Cho nên quân Nguyễn thất bại trong trận này cũng là điều dễ hiểu.
Những gương tày liếp như vậy trong sử sách đã có không ít, nhưng hậu thế thời nay cũng có nhiều người, nhiều bằng mà vẫn không sao tránh khỏi cái vòng danh lợi và rồi đâm ra nghi kỵ lẫn nhau. Lại có kẻ công lao thì chẳng là mấy, nhưng lúc nào cũng đòi hỏi quyền lợi cho cá nhân mình. Và những người như thế thường thì chẳng quan tâm tới ai, nhưng lại cứ đòi hỏi mọi người xung quanh phải ưu ái đối với riêng mình. Thậm chí lại có kẻ cũng chỉ vì quyền, vì lợi, vì sự đối kỵ nhỏ nhen, hẹp hòi mà suốt đời phải mang tiếng là kẻ phản thầy hại bạn, thật đáng buồn thay.
Theo K.N/Báo Bình Phước