Dựng tóc gáy với phong tục “sống với người chết"

Google News

Theo phong tục “sống với người chết", họ để xác người thân tại nhà trong một thời gian dài trước khi đưa tiễn họ về "thế giới bên kia".

Hầu hết chúng ta không thích nghĩ hoặc nói về cái chết, nhưng với người dân ở vùng Toraja, thuộc Sulawesi, Indonesia thì người chết là một phần liên tục của cuộc sống hằng ngày. Họ để xác người thân tại nhà trong một thời gian dài trước khi đưa tiễn họ về "thế giới bên kia".
Để xác người thân trong nhà 12 năm
Gia đình cô Mamak Lisa đang tập trung ở phòng khách được trang trí bằng gỗ đơn giản, không có nhiều đồ nội thất, một vị khách bước vào và hỏi: "Tình hình bố thế nào?". Mamak Lisa đưa mắt về phía góc phòng, nơi có một ông lão đang nằm trên giường phủ chăn, ga đầy màu sắc.
"Ông ấy vẫn ốm," cô Mamak Lisa trả lời khách và đứng dậy, bước về phía ông lão, nhẹ nhàng lắc tay ông. "Bố ơi, có một vị khách đến thăm bố. Hy vọng bố không cảm thấy khó chịu hoặc tức giận", cô Mamak Lisa nói.
Cụ ông nằm bất động trên giường tên là Paulo Cirinda. "Tại sao ông nội lúc nào cũng ngủ?. Ông hãy thức dậy và ăn đi", một đứa trẻ nói. "Trật tự, ông đang ngủ", cô Mamak Lisa liếc mắt vào đám trẻ.
Dung toc gay voi phong tuc “song voi nguoi chet"
Mamak Lisa cho biết, việc để xác chết của bố trong nhà giúp cô cảm thấy bớt đau buồn. 
Thực chất, ông Paulo Cirinda đã chết cách đây hơn 12 năm nhưng gia đình vẫn nghĩ rằng ông còn sống. Mamak Lisa nói rằng, cô luôn cảm thấy sự kết nối tình cảm mạnh mẽ với bố mình.
Họ hàng thường xuyên ghé thăm hoặc gọi điện hỏi thăm tình trạng của bố cô vì tin rằng, ông có thể nghe và vẫn tồn tại xung quanh đây. "Việc để xác của bố trong nhà đã giúp tôi bớt đau buồn hơn. Chúng tôi có thời gian để chuẩn bị tâm lý cho sự thật đau xót này", Mamak Lisa nói.
Phần lớn mọi người nghĩ rằng, việc giữ xác người chết trong nhà là điều không thể xảy ra. Tuy nhiên, với hơn một triệu người ở vùng Toraja, thuộc Sulawesi - miền Đông Indonesia thì phong tục “sống với người chết" là truyền thống đã tồn tại nhiều thế kỷ.
Người dân Toraja tin rằng, linh hồn là đường dây nối giữa thế giới này và thế giới bên kia, làm cho người chết luôn hiện diện trong thế giới người sống.
Ðám tang của một người có thể diễn ra sau khi người đó chết vài tháng, thậm chí là vài năm. Trong quá trình chờ đợi tổ chức tang lễ, các gia đình giữ thi thể người chết trong nhà và chăm sóc những khi họ bị ốm. Người chết được phục vụ thức ăn, đồ uống, thậm chí là thuốc lá 2 lần mỗi ngày, được tắm rửa và thay quần áo thường xuyên.
Trong khu vực người quá cố nằm, đèn luôn được bật sáng. Các gia đình lo lắng rằng, nếu họ không chăm sóc xác chết đúng cách, linh hồn của người thân sẽ khiến cho người sống gặp rắc rối.
Ðể bảo quản xác chết, người dân Toraja thường dùng lá và thảo mộc đặc biệt để tắm cho xác chết. Tuy nhiên, ngày nay, thảo mộc đặc biệt được thay thế bằng chất hóa học có tên là formalin.
Những đám tang xa xỉ
Trong suốt cuộc đời, người dân Torajans làm việc chăm chỉ để tích lũy tiền bạc. Thay vì dùng tiền tiết kiệm phục vụ cuộc sống hiện tại, người dân nơi đây chi rất "mạnh tay" cho tang lễ. Họ coi đó là "tiết kiệm cho cuộc khởi hành vinh quang". Khi gia đình tiết kiệm đủ tiền, họ mời tất cả bạn bè, người thân đến dự lễ tang.
Lễ tang người đàn ông tên là Denge tổ chức thời gian gần đây được coi là xa xỉ hàng đầu ở Torajan. Ðám tang kéo dài trong bốn ngày với 24 con trâu và hàng trăm con heo được hiến tế. ước tính, chi phí tang lễ là hơn 50.000 USD.
Xác chết của ông Cirinda sẽ để ở nhà cho đến khi những người thân trong gia đình sẵn sàng nói lời tạm biệt và tích lũy đủ về tài chính. Một đám tang xa hoa với cuộc diễu hành quy mô lớn quanh làng sẽ diễn ra.
Theo niềm tin của người Torajan, đám tang là một nghi lễ vô cùng quan trọng, nơi mà linh hồn rời khỏi trái đất và bắt đầu hành trình đến thế giới bên kia Pooya - nơi linh hồn được tái sinh.
Người dân Torajans hiếm khi chôn xác chết trong lòng đất. Thay vào đó, họ đưa quan tài đặt bên trong hoặc bên ngoài các hang động. Bạn bè và gia đình thường xuyên mang "nhu yếu phẩm" cho người chết, thường là tiền bạc và thuốc lá.
Ngay cả khi đã thực hiện xong việc mai táng, mối quan hệ giữa người chết và người sống tiếp tục kéo dài thông qua nghi lễ "ma'nene" (tạm dịch: làm sạch xác chết). Hai năm một lần, các gia đình tổ chức hội ngộ với người chết bằng cách làm sạch, thay quần áo cho xác chết và cùng chụp ảnh với gia đình.
Theo PV/ CAND