Gương soi
Gương có tác dụng chuyển hóa năng lượng, tái tạo nguồn năng lượng tốt nên được xem là đồ vật không thể thiếu trong mỗi gia đình. Tuy nhiên khi đi mua gương, bạn cần lưu tâm đến giờ giấc.
Việc mua bán ngày nay diễn ra bất cứ khi nào, tùy thuộc vào quỹ thời gian và nhu cầu của khách hàng nên các cửa hàng bán gương có thể mở rất muộn. Thế nhưng, việc mua gương buổi tối được xem là những điều cấm kỵ trong văn hóa tâm linh người Việt.
Bởi trong quan niệm xưa, gương là đồ dùng có sự liên kết mật thiết với thế giới bên kia, người ta cho rằng nó có vai trò "dẫn đường" cho các lin hồn, kết nối âm - dương. Từ đó, dẫn đến quan niệm kiêng kỵ soi gương lúc nửa đêm là vì thế.
Còn về phía phong thủy, không nên mua gương vào buổi tối là bởi việc này đồng nghĩa chấp thuận cho một linh hồn xa lạ vào nhà mình. Đi cùng đó là nguồn khí trường xấu đem đến những điều tiêu cực, xui xẻo cho gia chủ.
Đinh nhọn
Hầu hết chúng ta làm việc từ sáng đến tối nên không có quá nhiều thời gian sửa đồ vào ban ngày, nhất là với những món đồ cần sửa ngay lập tức để sử dụng. Vì thế không thể đóng đinh, sửa chữa lúc trời còn sáng nên tranh thủ sau giờ làm bắt tay vào sửa chữa.
Thế nhưng có một điều kiêng kỵ rằng từ sau 19 giờ, việc mua đinh về nhà là vô cùng xui xẻo.
Nguyên nhân là do từ xa xưa việc đi mua đinh vào buổi đêm chỉ để phục vụ việc đóng quan tài, do đó hành động này được thực hiện báo hiệu sẽ có một đám tang hay một điều xui xẻo liên quan đến đổ vỡ một mối quan hệ sẽ đến với cả người bán và người mua (nên có nhiều cửa hàng kiêng bán đinh vào buổi tối là như vậy).
Kim chỉ khâu vá
Từ lâu trong dân gian đã lưu truyền rằng, việc mua bán kim chỉ sau 19h là hành động dẫn dụ các linh hồn vào nhà, việc này sẽ khiến cho cả người mua và người bán gặp những điều xui xẻo.
Lý do được giải thích rằng do các linh hồn lầm tưởng họ sắp may quần áo tang, nên sẽ bám riết lấy những người cầm kim khâu.
Có 2 quan niệm giải thích cho điều này:
- Nguyên nhân đầu tiên xuất phát từ thói quen của ông cha ta, những gia đình có người vừa qua đời thì thành viên phải tập trung may đồ tang vào ban đêm.
- Nguyên nhân thứ hai xuất phát từ quan niệm khác cho rằng, ngày trước việc mua vải vô cùng khó khăn, trong mỗi gia đình chỉ được cung cấp, dự trữ lượng vải nhất định để may đồ. Lúc này, mỗi người chỉ có một manh áo mặc ra ngoài, nếu rách tự mình phải may vào buổi tối để mai kịp mặc. Thế nên việc này tạo cảm giác nghèo khó, cùng cực.
Sau này cuộc sống no đủ hơn nhưng hình ảnh khó khăn vẫn ám ảnh nhiều người. Từ đó, việc mua kim chỉ ban đêm đồng nghĩa với việc cho thấy sự nghèo khó. Vì vậy mà sau này, dù có cần thì người ta cũng tránh mua kim chỉ vào buổi tối bởi lo sợ cái nghèo sẽ bám riết lấy họ cả đời.
Bên cạnh đó còn có một vài mặt hàng kiêng mua vào ban đêm như các loại cây họ trúc, mua ô che mưa nắng... đều mang ý nghĩa không tốt.
* Thông tin mang tính chất tham khảo
Theo Lệ Quyên/Vietnamnet