Không gian thờ tự là không gian thiêng liêng, chính vì thế, việc giữ gìn ban thờ luôn sạch sẽ, thơm mát không chỉ thể hiện sự chăm sóc và tôn kính của con cháu đối với ông bà tổ tiên mà còn là sự chăm sóc đến cái tôi tâm linh ở mỗi con người.
Trong văn hóa và tâm thức của người Việt chúng ta, ban thờ luôn là nơi linh thiêng, tôn kính nhất; là nơi ngự vị của các bậc tiền nhân trong gia đình, thường được đặt ở vị trí trang trọng nhất trong nhà.
|
Ảnh minh họa. |
Dọn bàn thờ ngày 30 tết cần chú ý :
Điều quan trọng và đáng chú ý nhất là việc lau dọn bàn thờ phải được thực hiện hoàn toàn bằng nước ấm, tuyệt đối không được dùng nước lạnh. Nếu có nhiều bài vị cần phải đổi chậu nước khác, tránh dùng chung nước để tránh vệc bất kính.
Bài vị tổ tiên được lau trước rồi sau đó chuyển sang thu dọn bát hương. Thường thì ngời ta sẽ tỉa chân hương - hay rút chân hương rồi lấy một chiếc thìa nhỏ để xúc từng thìa một đổ tro ra ngoài để tránh nguy cơ "tán tài".
Khi bát hương khô ráo, nếu là bát hương thờ thần phật thì dùng bảy tờ tiền vàng, bát hương của tổ tiên thì dùng ba tờ tiền vàng đốt hơ quanh.
Khi tiền vàng cháy một nửa thì bỏ vào trong, đợi tiền vàng cháy hết thì đổ tro vào một lần, như vậy gọi là “ra nhỏ vào lớn”, ý là “tiền ra nhỏ giọt, tiền vào như thác đổ”, nếu lúc đầu đổ ra hết sau đó múc từng ít một vào thì gọi là “vào nhỏ ra lớn”, tức “tiền ra thì nhiều mà tiền vào thì ít”.
Tro trong bát hương có thể được đem đổ ra sông, suối, ao hồ và sau đó thay bằng tro mới hoặc có những gia đình lọc lại tro để dùng tiếp. Điều này tùy thuộc vào quan niệm của mỗi gia đình.
Dọn dẹp xong xuôi, người ta có thể lau bàn thờ sạch sẽ bằng khăn sạch và nước ấm. Tiếp theo đó là đặt lại bài vị tổ tiên cùng bát hương lên ban thờ
Nếu như ngày thường, công việc dọn dẹp luôn là việc của phụ nữ thì ngày Tết, việc lau dọn ban thờ lại được ưu ái cho các đấng mày râu. Bởi vì người đàn ông là chủ gia đình, phải đại diện chăm lo nơi cư ngụ của tổ tiên để tỏ lòng hiếu kính.
Việc lau dọn ban thờ cần được tiến hành thường xuyên, tuy nhiên, vào cuối năm các gia đình thường làm việc này chu toàn hơn và đây được gọi là công việc bao sái ban thờ. Có 2 thời điểm bao sái: một là làm trước lễ cúng Táo quân chầu trời; hai là nhân tiện Táo quân vắng nhà thì tranh thủ bao sái ban thờ để đón năm mới và đón Táo quân trở về (thường vào 23 và 30 tháng Chạp). Trước khi bao sái, cần bày hoa, quả, đốt nhang xin phép gia tiên cho bao sái lại bát hương và ban thờ.
Theo Hạ Vy/Khoevadep