Nhà văn Vũ Bão (1931 - 2006) là một giọng văn độc đáo trong dòng văn chương thời bao cấp. Ông viết văn như ông nói, hài hước và châm biếm, không kiêng nể một đối tượng nào. Thứ văn ấy hiếm hoi và không được khích lệ giữa thời văn chương là vũ khí xung trận và là tiếng kèn ca bài ca chiến thắng.
Chỉ đến thời đổi mới, thì văn Vũ Bão mới như được chắp cánh. Ông nói đã hay và ông chứng tỏ mình viết cũng hay như khi phát biểu. Một loạt truyện ngắn ra đời khiến người ta phải tìm đọc và tấm tắc truyền nhau: Người vãi linh hồn, Người chưa có chiến công, Người không có tên trong từ điển…
Giữa đường trở về từ lễ hợp long cầu Bãi Cháy, ông mất đột ngột khi dừng chân ở Uông Bí trưa ngày 30/4/2006. Khi ấy, nhà thơ Dương Tường có gọi điện báo cho tôi, xót xa vì “anh ấy mất ở ngoài đường”. Nhưng tôi nghĩ Vũ Bão là chân chạy, cả đời không ngồi yên, một nhà báo năng động muốn chứng kiến giờ phút lịch sử của một chiếc cầu và nhà báo ấy đã thỏa nguyện. Chỉ có dang dở giữa đường là những trang viết của ông.
Tôi chưa từng hứa với ông, nhưng tôi tâm niệm sẽ đưa xuất bản những tác phẩm ông chưa kịp công bố. Trước đó, tôi yêu thích và đã dịch một số truyện ngắn của ông ra tiếng Anh như Người vãi linh hồn (The Man Who Pissed on His Soul), Bố con là đàn bà (Your Father is a Woman)… Những truyện này đã được in trong các tập sách xuất bản ở Mỹ: The Other Side of Heaven, Love after War… Nhưng kể từ khi Vũ Bão ra đi, tôi tự nhận vào mình công việc đỡ đầu cho những tác phẩm của ông còn trong di cảo.
|
Tuyển tập Vũ Bão, hai tập, Hồ Anh Thái tuyển chọn, Nhà xuất bản Văn học 2020 và 2021.
|
Những năm tháng sau đó, tôi đã biên tập và đưa xuất bản tiểu thuyết Utopi - một miếng để đời, tập hồi ký Rễ bèo chân sóng, tuyển tập truyện ngắn Vũ Bão... Và bây giờ là Tuyển tập Vũ Bão gồm hai tập, mỗi tập gần 1.000 trang sách, khổ 14,5 x 20,5 cm.
Tập 1 bao gồm bốn tiểu thuyết: Sắp cưới, Thời gian không đợi, Gọi ai lần cuối, Utopi - một miếng để đời.
Tiểu thuyết Sắp cưới viết năm 1956, xuất bản 1957 và “bị đánh” năm 1958, mãi ba mươi năm sau, nhờ có đổi mới mà được tái bản, tức là được “sửa sai” và “phục hồi”. Câu chuyện một đôi trai gái yêu nhau bỗng nhiên gặp cải cách, người cha cô gái bị quy thành phần trung nông.
Người con trai thấy vậy không biết xử trí thế nào, đành chọn cách xa lánh người yêu. Cuộc cải cách qua đi, đến lượt sửa sai, người cha cô gái được minh oan, nhưng hai người trẻ đã chia thành đôi ngả. Từ năm 1988, thời đổi mới, cuốn tiểu thuyết được tái bản, từ đó đến nay được in lại nhiều lần.
Thời gian không đợi viết về làng quê Bắc bộ có những tín hiệu đổi mới khi bắt đầu có những nơi vượt rào, khoán chui cho nông dân tự làm ăn. Cuốn sách chứng tỏ sự am hiểu đời sống nông thôn, những tâm tư của thời làm ăn tập thể không hiệu quả và những chuyển động đổi mới trong nếp nghĩ cách làm của người nông dân.
Gọi ai lần cuối là câu thắc mắc của một số người sau khi chiến sĩ nhân vật chính chiến đấu dũng cảm và ngã xuống trên một điểm cao. Người ta cho rằng phút ngã xuống, lời cuối cùng mà anh bật ra phải là một khẩu hiệu kiên cường, một tiếng hô xung phong, một cái tên vĩ nhân. Nhưng tác giả thì biết anh chỉ bật lên một tiếng gọi: Mẹ ơi.
Tuyển tập không thể thiếu giọng tiểu thuyết hài hước, đặc trưng của Vũ Bão. Tôi chọn vào đây cuốn Utopi - một miếng để đời. Tiểu thuyết này được xuất bản sau khi tác giả qua đời, sau đó sách được giải thưởng của Hội Nhà văn Hà Nội.
Vị khách sang thăm Việt Nam chọn quán thịt chó để ăn hóa ra là vua của một đất nước tên là Utopi. Ông vua ấy đã mời anh hàng thịt chó sang nước ông để làm đầu bếp cho hoàng gia của ông ta. Cái đất nước ấy vừa như thiên đường, lại cũng đầy những thói tật như ở quê nhà của anh thịt chó.
Tập 2 gồm ba phần: Truyện ngắn, Phóng sự, Hồi ký. Gia tài của Vũ Bão gồm hàng trăm truyện ngắn và bút ký phóng sự, người tuyển chọn chỉ có thể đưa vào đây 30 truyện ngắn và 35 phóng sự.
Truyện ngắn Người vãi linh hồn là câu chuyện người lính khi công đồn đã sợ đến vãi cả ra quần, nhưng khi đơn vị đã chiếm được đồn địch thì anh ta được chọn cầm cờ để quay phim. Hình ảnh anh lính cầm cờ ấy được in trên sách báo, được đưa vào bảo tàng… nhưng sự thật thì chỉ có cái quần anh ta vãi ra mới biết được.
Còn trong truyện Người chưa có chiến công, người lính chưa được biểu dương, chưa được kết nạp, thực ra là người biết tính toán để đến nhà ga kịp giờ tàu. Nhưng một người đi chậm để nhỡ chuyến tàu, rồi hăng hái đi bộ xuyên đêm để đuổi theo đơn vị, người này lại được biểu dương là có thành tích “vượt mọi khó khăn”. Đấy là một sự thật trớ trêu mà Vũ Bão đã chỉ ra được.
Vũ Bão là cây viết phóng sự, bởi bản tính năng nổ xốc vác và tinh tường phát hiện vấn đề. Ông viết những phóng sự chiến trường rất trẻ trung, rồi sang thời đổi mới, viết về sự hóa thân của Bách hóa tổng hợp thành trung tâm mua sắm Tràng Tiền plaza, xen lẫn niềm vui và sự ưu tư. Đọc phóng sự Vũ Bão, ta hình dung được phần nào những vấn đề của đất nước trong hơn nửa thế kỷ vừa qua.
Cuối cùng là hồi ký Rễ bèo chân sóng. Cuộc đời một con người từ mười lăm tuổi đã tham gia cách mạng, mười sáu tuổi là chiến sĩ Vệ quốc quân, từng làm báo thiếu nhi, báo thể dục thể thao, cho đến phó tổng biên tập tạp chí Điện ảnh. Ông từng được bầu là phó tổng thư ký Hội Nhà văn Hà Nội, một nhà văn gần gũi với hội viên, nhất là các bạn viết văn trẻ.
Sự nghiệp văn chương của Vũ Bão khá đồ sộ. Bản tính hóm hỉnh, ông từng đặt ra mục tiêu đặt tên sách cho đủ hết bảng chữ cái tiếng Việt: chữ A có cuốn Anh cả và em út, chữ X có Xe tăng ta. Thực tế là số sách ông viết còn nhiều hơn chủ trương tự đề ra.
Nhiều nhà văn cho rằng Vũ Bão xứng đáng với những giải thưởng cao nhất của nhà nước. Nhưng tôi nghĩ Tuyển tập Vũ Bão vài nghìn trang này là phần thưởng lớn lao mà bạn bè đứng ra thực hiện cho ông. Thế hệ nhà văn của Vũ Bão, sinh thời hầu như ai cũng mong được làm tuyển tập. Giờ đây có thể coi rằng Vũ Bão đã mãn nguyện.
Theo Hồ Anh Thái/Đại biểu nhân dân