Nguyễn Trật sinh năm 1573, người làng Nguyệt Viên, huyện Hoằng Hóa (nay thuộc xã Hoằng Quang, huyện Hoằng Hóa, Thanh Hóa). Tương truyền ông là người cao lớn khỏe mạnh, lại hiền lành siêng năng. Vậy nhưng vì tối dạ nên dù đọc sách nhiều, Nguyễn Trật không nhớ nổi mấy trang. Thế là sau một thời gian miệt mài, ông cuối cùng cũng phải bỏ cuộc, không còn màng đến sách vở nữa.
Trong sách “Tang thương ngẫu lục” có kể lại rằng có người thầy địa lý già thường hay đến làng Nguyệt Viên. Một hôm ông đến nhà một Nho sinh nổi tiếng học rộng văn hay trong làng, nói rằng vì mến mộ tài học mà muốn tặng anh ta một miếng đất phát tiến sĩ. Thế nhưng Nho sinh này cho rằng mình học rộng tài cao, thi chắc chắn sẽ đỗ, nên không cần đất tốt làm gì.
Sau đó thầy địa lý già đến nhà Nguyễn Trật, thấy đây là người hiền lành lễ độ nên có ý muốn tặng cho một huyệt quý. Nguyễn Trật kính cẩn tiếp thấy địa lý ở nhà mình đến mấy tháng và nhận miếng đất quý.
Nguyễn Trật lại tìm thầy học lại và chăm chú việc đèn sách, đến kỳ thi Hương lúc đó ông đã 40 tuổi. Biết học trò của mình hiền lành, lễ độ nhưng tối dạ nên thầy giáo dặn các học trò khác khi vào trường thi thì nhớ tìm cách giúp đỡ cho Nguyễn Trật.
Lúc bấy giờ nhà Lê Trung Hưng vừa đánh bại nhà Mạc nên kinh thành Thăng Long còn rất lộn xộn, việc thi cử còn lỏng lẻo. Nhờ thế mà khi đi thi, Nguyễn Trật được bạn bè giúp đỡ mà đỗ Hương cống và lọt vào kỳ thi Hội.
Đến kỳ thi Hội năm 1623 thời vua Lê Thần Tông, Nguyễn Trật về Kinh dự thi. Nhờ bạn bè giúp đỡ ông vượt qua được trường nhất, trường nhì và trường ba.
Đến trường tư thì bạn bè của Nguyễn Trật hầu như đã rơi rớt hết cả. Chẳng còn ai giúp Nguyễn Trật khi ông thi trường tư, cũng là kỳ thi cuối cùng của thi Hội.
|
Thời xưa, các thí sinh phải tự làm lều và đặt chõng để viết bài. |
Cuốn “Tang thương ngẫu lục” mô tả rằng:
Đến trường tư, trước đó mấy ngày, bạn cùng trọ một nhà đều lo đi sắm sửa thêm các thứ cần thiết để vào trường thi, ông ở nhà nằm ngủ ngày, trong giấc chiêm bao, thấy có một vị thần đến, kêu to lên rằng: Khương khương!
Tỉnh dậy ông nghĩ:
– Hai chữ Khương cùng âm (một chữ là họ hoặc tên người, một chữ là gừng), ta cứ thử mang theo gừng xem sao.
Hôm vào trường tư, ông mang theo gừng thật. Thế rồi chiều tối hôm ấy, ở lều bên cạnh có một thí sinh vật vã ôm bụng kêu đau, hỏi ra mới biết đó chính là viên nho sinh quê ở làng Bột Thái. Ông đem nước gừng đổ cho uống. Lát sau, người ấy lấy quyển thi của mình ra và nói:
– Đây là bài thi rất đắc ý của tôi nhưng chưa đề tên vào, nay xin tặng ông để đền ơn. Xin ông cõng tôi ra khỏi trường, tôi dầu có chết cũng chẳng ân hận gì nữa.
Ông vâng lời, cõng viên Nho sinh ra khỏi trường. Sau, viên Nho sinh này lại phát bệnh mà mất.
Nguyễn Trật nhận bài thi của Nho sinh này, nhưng vì bài thi làm chưa xong nên ông viết thêm phần cuối cho xong, ghi tên mình vào rồi nộp cho quan trường.
Khi các quan chấm thi thấy bài của Nguyễn Trật thì thấy làm rất hay, nhưng đến phần sau thì câu văn kém hẳn nhưng vẫn chấm nằm trong 7 người đỗ đầu được vào thi Đình.
Có 3.000 sĩ tử lọt vào đến thi Hội, chọn ra 7 người đỗ và vào đến thi Đình. Trong khi bạn bè người làng đều thi rớt cả thì Nguyễn Trật vẫn lọt được vào danh sách thi Đình. Điều này khiến nhiều người quen biết vô cùng kinh ngạc, bàn tán xôn xao.
Vào đến thi Đình, Nguyễn Trật không sao làm bài được bèn bỏ giấy trắng nộp bài. Cho rằng Nguyễn Trật ngông nghênh nên nộp giấy trắng, Triều đình rất tức giận. Theo lệ thì 7 người vào đến thi Đình thì đều đậu hết, chỉ là phân định ra một người đỗ đầu và sáu người còn lại đỗ tiến sĩ (theo thứ tự). Thế nhưng vì cho rằng Nguyễn Trật ngông cuồng không chịu làm bài mà bỏ giấy trắng nên Triêu đình dự tính không treo bảng vàng cho ông đậu.
|
Hội đồng giám khảo tại một trường thi. |
Trong khi Triều đình dự định xóa tên ông khỏi tất cả các kỳ thi và cân nhắc hình thức xử phạt thì trong Triều có biến, chúa Trịnh Tùng ốm nặng không qua khỏi liền trao quyền bính lại cho con cả là Trịnh Tráng. Một người con khác là Trịnh Xuân đem quân tranh giành quyền với anh mình, giao tranh khiến kinh thành hỗn loạn, Trịnh Tráng vội rước Vua vào Thanh Hóa.
Về sự việc này Văn bia đề danh tiến sĩ khoa thi Quý Hợi (năm 1623) tại Văn Miếu có ghi rằng:
Đến ngày tháng 6 mùa hạ, gặp thời tiết sấm chớp mưa gió các quan văn võ tạm rước thánh giá hồi loan để củng cố căn bản, hòa hợp lòng dân để nước nhà được thêm lớn lao rạng tỏ.
Trong lúc hỗn loạn, Nguyễn Trật có công lớn khi hộ giá nhà Vua đến Thanh Hóa, vì thế sau đó việc trừng phạt được bỏ qua. Cuối cùng ông vẫn được cho đậu tiến sĩ, và có lẽ đây là trường hợp thí sinh văn tài không có, nộp giấy trắng vẫn đậu vị tiến sĩ đặc biệt có một không hai trong lịch sử.
Văn bia đề danh tiến sĩ khoa thi năm 1623 có đề như sau:
Ngày lành tháng tư mùa hạ, Hoàng thượng ngự ở cửa điện Kính Thiên, ra bài văn sách ở sân rồng. Trong khi các sĩ tử làm bài, bỗng có Nguyễn Trật làm văn hơi sai thể thức, nên chỉ có 6 quyển được khảo duyệt mà thôi. Các quan hữu ty dâng quyển tiến đọc. Hoàng thượng ngự lãm, lấy Phùng Thế Trung đỗ đầu, 6 người còn lại đều cho đỗ đồng Tiến sĩ xuất thân. Vả xét theo lệ cũ, những người được vào thi Đình thì không bị truất nên vẫn cho Nguyễn Trật đỗ cuối bảng, tất cả là 7 người. Vì việc ấy mà kéo dài việc xướng danh yết bảng, đến việc ban cấp áo mũ, yến tiệc vinh quy cũng đều chưa làm đúng lệ cũ. Lúc bấy giờ kẻ sĩ trong nước đều buồn bực trong lòng.
Đến ngày tháng 6 mùa hạ, gặp thời tiết sấm chớp mưa gió các quan văn võ tạm rước thánh giá hồi loan để củng cố căn bản, hòa hợp lòng dân để nước nhà được thêm lớn lao rạng tỏ.
|
Nguyễn Trật thương yêu dân chúng. (Tranh minh họa của họa sĩ Đức Hòa trong bộ “Lịch sử Việt Nam bằng tranh” – Sử dụng dưới sự đồng ý của tác giả). |
Sau này Nguyễn Trật làm quan đến chức Công khoa Đô Cấp sự trung. Dù ông không có văn hay, nhưng tính tình hiền lành thương yêu dân chúng, làm quan rất thanh liêm, người dân yêu mến gọi ông là quan Nghè Nguyệt Viên.
Theo Tri thức VN