Độc đáo quan họ cổ chỉ có ở Châm Khê

Google News

Châm Khê (Bắc Ninh) là một trong những làng quan họ có sớm nhất vùng Kinh Bắc. Nơi đây còn lưu giữ những câu quan họ cổ không nơi nào có cùng lối hát riêng, đặc sắc.

Đặc sắc cách hát quan họ cổ
Châm Khê trước đây có tên chữ là Bùi Xá, tên nôm là làng Bùi, là một ngôi làng cổ của Việt Nam nằm bên bờ nam của sông Ngũ Huyện Khê (nay thuộc xã Phong Khê, Yên Phong, Bắc Ninh). Nơi đây còn lưu giữ những làn điệu quan họ cổ với lối hát riêng, đặc sắc.
Doc dao quan ho co chi co o Cham Khe
 Hát canh tại Hội chùa Bùi. Ảnh: Mai Loan.
Chúng tôi đến Châm Khê vào đúng ngày diễn ra chính hội chùa Bùi, ngôi chùa cổ của làng (ngày 28 tháng Giêng), được nghe các đôi liền anh, liền chị hát canh – tục hát cổ nhất của làng quan họ. Tiết trời mùa xuân se lạnh, thi thoảng lại có “mưa xuân phơi phới bay”, mái ngói thâm trầm… Khung cảnh đó cùng những lời ca, tiếng hát quan họ với đủ “vang, rền, nền, nảy” đã khiến du khách chìm đắm trong một cảm xúc đặc biệt.
Thời gian dường như quay ngược, không còn những ồn ào, náo nhiệt, chỉ có giếng nước, sân đình… cùng những anh hai, chị hai duyên dáng với những câu quan họ cổ sâu lắng, thiết tha…
Doc dao quan ho co chi co o Cham Khe-Hinh-2
 Ông Nguyễn Trọng Cau (trái), Chủ tịch Câu lạc bộ Quan họ Châm Khê hát quan họ trong ngày Hội chùa Bùi. Ảnh: Mai Loan.
Trò chuyện với Tri thức và Cuộc sống, ông Nguyễn Trọng Cau, Chủ tịch Câu lạc bộ Quan họ Châm Khê cho hay, tỉnh Hà Bắc cũ có 49 làng quan họ. Trong đó, tỉnh Bắc Ninh có 44 làng, Bắc Giang 5 làng. Làng quan họ Châm Khê là 1 trong 9 làng quan họ có sớm nhất, rất nổi tiếng.
Nơi đây đã sản sinh ra nhiều thế hệ nghệ nhân hát quan họ như cụ Nguyễn Trọng Ngữ, Nguyễn Trọng Cầu, Nguyễn Trọng Ích… Sau này là cụ Nguyễn Thị Khai, Nguyễn Công Dứa, Nguyễn Công Lụt, Nguyễn Thị Bí…
Quan họ Châm Khê có những nét đặc sắc riêng. Trước đây, Châm Khê có 4 bọn quan họ. Các liền anh, liền chị quan họ Châm Khê từ xưa vốn vẫn có tiếng là thuộc nhiều câu, nhiều giọng. Có những câu hát khó mà đã gần ba, bốn thập kỷ nay, không ai còn nhớ nhưng quan họ Châm Khê vẫn nhớ và ca đúng câu, đúng giọng.
Doc dao quan ho co chi co o Cham Khe-Hinh-3
 Những liền chị làng Châm Khê - những người đã góp phần giữ di sản quan họ cho đời sau. Ảnh: Mai Loan.
“Đặc biệt, có những câu quan họ cổ chỉ ở Châm Khê mới có như “trúc trúc mai mai”, “hòn đá đổ xô”, “nhìn sang chốn bến giang hà”… Các làng đều công nhận, làng quan họ gốc Châm Khê lưu truyền nhiều câu quan họ cổ độc đáo, và họ phải tới Châm Khê để học”, ông Cau cho hay.
Cách hát quan họ Châm Khê, theo ông Cau cũng có nét riêng, nhiều nơi không có được. Chẳng hạn, với câu có bỉ, ở các làng quan họ khác chỉ 2 chữ đã dừng lại, nhưng bỉ của Châm Khê phải đi 4 - 5 chữ, đòi hỏi kỹ thuật hát lấy hơi rất sâu. Ngoài ra, phải hết “trổ” mới được dừng lại, tức là không được dừng lại tự do để lấy hơi. Vì vậy, mới có hai người hát với nhau để đỡ cho nhau, với những câu trổ dài, để đi đúng đến chỗ nghỉ mới được nghỉ.
Những thế hệ gìn giữ quan họ cổ
Người Châm Khê tự hào về truyền thống của mình. Bà Nguyễn Thị Thắm, 65 tuổi, là người gốc Châm Khê chia sẻ, bà biết hát quan họ từ khi còn bé. Mẹ của bà là cụ Nguyễn Thị Tiền vốn cũng là một nghệ nhân quan họ. Từ 7-8 tuổi, bà đã theo mẹ đi hát quan họ ở các nơi. Tình yêu với quan họ cũng ngấm dần vào trong bà một cách tự nhiên.
Doc dao quan ho co chi co o Cham Khe-Hinh-4
 Bà Nguyễn Thị Thắm (phải) và bà Nguyễn Thị Lập có một tình yêu tha thiết, sâu nặng với quan họ. Ảnh: Mai Loan.
“Những lời ca quan họ với giai điệu thiết tha, sâu lắng đã bồi đắp tâm hồn của biết bao thế hệ người con Châm Khê. Đi bất cứ đâu, chỉ cần nghe thấy tiếng hát quan họ là trong lòng đã thấy xốn xang, chỉ muốn vào nghe và hát cùng”, bà Nguyễn Thị Thắm nói.
Là bạn hát đôi cùng với bà Thắm, bà Nguyễn Thị Lập (58 tuổi) cho hay, bà hát quan họ từ năm 20 tuổi, Với bà Lập, bà yêu quan họ còn là vì quan họ hợp với tính cách của bà. “Cách nói của quan họ rất sâu lắng, tình tứ… bản thân tôi cũng rất thích như vậy”, bà Lập chia sẻ.
Bà Nguyễn Thị Thắm và bà Nguyễn Thị Lập ví dụ về cách hát "vang, rền, nền, nảy" của quan họ cổ và lối thể hiện tình cảm tinh tế, duyên dáng, ý nhị của người quan họ.
Bà Lập lấy ví dụ, câu hát: “Đứng ở đằng xa, yêu nhau đứng ở đằng xa/Con mắt liếc lại, con mắt liếc lại bằng ba đứng gần” đã cho thấy cách thổ lộ tình cảm của người quan họ rất tinh tế, không xô bồ. Nó thể hiện vẻ đẹp tâm hồn của những người dân quê chất phác, mộc mạc nhưng cũng thật ý nhị, duyên dáng.
Để trở thành một người hát quan họ thực thụ, theo bà Lập, phải học thời gian rất dài, có khi cả mấy chục năm mới đạt được kỹ thuật vang, rền, nền, nảy. Ngoài ra, phải có một tình yêu đậm sâu với quan họ thì mới truyền được cái tha thiết ấy vào trong lời hát.
Những anh hai, chị hai xưa, ban ngày đi làm ruộng, tối về tranh thủ chút thời gian ngắn ngủi cùng nhau học hát. Mọi bài hát chỉ là truyền miệng chứ không qua sách vở. Thậm chí, nhiều cụ còn không biết chữ. Thế nhưng, với tình yêu sâu sắc của mình dành cho quan họ, họ đã lưu giữ được cho thế hệ sau kho tàng vô giá.
Điều khiến những người yêu quan họ như bà Thắm, bà Lập cảm thấy băn khoăn là thế hệ trẻ hiện nay không phải ai cũng đam mê quan họ cổ. Hoặc có thích nhưng khó theo được, bởi quan họ cổ rất khó hát, phải đủ vang, rền, nền, nảy và hát chậm. Còn hát theo nhạc thì sẽ dễ hơn.
“Chúng tôi rất yêu quan họ cổ, hiện cũng đang truyền dạy cho các cháu học sinh. Điều này cần thời gian, dày công mới làm được. Tuy nhiên, chúng tôi hết sức cố gắng, bởi ở Châm Khê có nhiều câu quan họ cổ, lối hát rất độc đáo, không nơi nào có. Nếu để mai một đi sẽ là điều rất đáng tiếc”, bà Nguyễn Thị Thắm chia sẻ.

Ông Nguyễn Trọng Cau cho hay, năm 2023, CLB Quan họ Châm Khê tổ chức lớp quan họ măng non, dạy quan họ cho 20 em học sinh tuổi từ 8-15 tuổi, đến giờ các cháu đã hát được khá tốt. Tuy nhiên, việc truyền dạy này cũng chỉ thực hiện được vào dịp hè, tại trường các cháu vào buổi tối, do chưa có nhà chứa quan họ. Còn lại, những hoạt động truyền dạy quan họ khác cũng chủ yếu trong các gia đình. Nguyện vọng của ông Cau và những người dân Châm Khê, là được tỉnh hỗ trợ xây dựng một nhà chứa quan họ. Nếu có nhà chứa, việc truyền dạy có thể được thực hiện thường xuyên hơn. Với các cháu học sinh, có thể dạy vào thứ 7, chủ nhật, chứ không phải đợi đến hè.

Mời quý độc giả xem video: Hát quan họ cổ tại hội Chùa Bùi (làng Châm Khê, xã Phong Khê, Yên Phong, Bắc Ninh). Video do PV Tri thức và Cuộc sống thực hiện.


Mai Loan