Hiếm có một vương triều nào trong lịch sử 400 năm qua lại lưu giữ được Bộ sưu tập di sản khá đầy đủ như của hoàng tộc Chăm đang được các thế hệ hậu duệ bảo quản ở làng Tịnh Mỹ (Palei Canan), xã Phan Thanh, huyện Bắc Bình, tỉnh Bình Thuận.
Có thể nói rằng, sưu tập di sản của hoàng tộc Chăm là sưu tập độc nhất vô nhị ở Việt Nam. Độc đáo với những giá trị đặc trưng về lịch sử, văn hóa nghệ thuật đại diện cho những vương triều cuối cùng của vương quốc Chămpa.
400 năm còn lại chút này
Với hàng chục vương triều và một bề dày lịch sử hội tụ lại ở vương triều Pô Klong Mơh Nai (1622-1627) nổi bật với Bộ sưu tập di sản hoàng tộc. Bộ sưu tập hiện còn trên 100 di vật với những chất liệu chính như vải thổ cẩm các loại, kim loại (đồng, sắt, vàng, bạc) gỗ, giấy, gốm sứ.
Thời gian đã 400 năm, nhưng sưu tập hiện vật này còn khá nguyên vẹn do được cất giữ cẩn thận vì sự linh thiêng cũng như ý thức bảo vệ của những người được giao công việc này.
Theo quy định của gia tộc, kho báu của tổ tiên, ông bà để lại phải được cất giữ hết sức cẩn thận; trừ những việc bất khả kháng khi có lễ lạc quan trọng của dòng tộc mới lựa chọn một số đưa ra mà thôi. Như lễ Yuen yang (lễ Cầu an) theo chu kỳ 5 năm một lần tại đền thờ Pô Klong Mơh Nai xong lễ họ lại đưa về cất vào kho.
Vương miện vua Pô Klong Mơhnai bằng vàng nguyên chất được chạm khắc tinh xảo là một trong những Bảo vật quôc gia đến từ tỉnh Bình Thuận.
Do vậy mà 400 năm qua chưa bao giờ Bộ sưu tập được đưa ra ngoài cho mọi người chiêm ngưỡng; ngay cả những người thân thích trong gia tộc cũng ít được trông thấy.
Suốt thời gian dài gần như không được phổ biến rộng rãi trong cộng đồng, người ta cũng chỉ nghe nói ở đó có đồ cổ của nhiều đời vua Chămpa để lại do một công chúa Chăm thừa kế...
Những năm đầu thập niên 90, nhận thức được việc phải bảo vệ lâu dài Bộ sưu tập duy nhất của tổ tiên nên dòng tộc hậu duệ Chăm đã đồng ý từng bước để Sở Văn hóa Thông tin khảo sát, nghiên cứu lập Hồ sơ khoa học và thiết kế trưng bày Bộ sưu tập dưới dạng “Kho mở” vừa là nơi trưng bày vừa lưu giữ bảo quản tại chỗ.
Thời gian đó mới chia tách tỉnh nên mọi thứ đối với ngành VHTT còn hết sức khó khăn, phải tận dụng bục bệ, tủ trong kho bảo tàng đưa ra trưng bày và bảo quản di vật cho đến nay. Kho mở với 2 phòng khá chật hẹp: 1 phòng 22 m2, 1 phòng 13 m2.
Đến năm 1992 việc trưng bày mới hoàn thiện để đón khách tham quan, nhưng rất hạn chế về thành phần và số lượng. Nếu cùng lúc đón khoảng 10 người thì không có chỗ đứng, nói gì đến nghe thuyết minh hay ghi chép tư liệu.
Do kho mở quá chật lại phải cùng lúc làm 2 nhiệm vụ là vừa trưng bày vừa bảo quản. Vậy nên trang phục bằng vải thổ cẩm của vua chúa xưa phải để trong tủ kính cho an toàn, nhiệt độ luôn từ 32 - 36 độ C. Có dịp trở lại thăm Bộ sưu tập và những người thân quen.
Tôi hóng chuyện một người có trách nhiệm trong gia tộc. Hỏi sao không đề nghị Nhà nước bắt máy điều hòa bảo quản hiện vật, chị này nói: Họ bảo Nhà nước bắt máy còn gia đình chịu tiền điện. Nghe vậy, chị này im lặng luôn.
Những ngày nắng nóng như hiện nay thì trong tủ luôn 40 độ C. Với vải vóc bình thường ở môi trường đó còn không chịu nổi huống hồ là vải thổ cẩm đã qua 400 năm.
Được học cách bảo quản hiện vật nên tôi biết sơ qua: Với các hiện vật bằng vải, giấy, nhiệt độ chuẩn để bảo quản từ 18 - 22 độ C; các hiện vật bằng gỗ, kim loại phải lưu giữ, bảo quản theo nhiệt độ từ 22 - 24 độ C, độ ẩm không quá 55%.
Đồ sứ trong Bộ sưu tập cổ vật hoàng tộc Chăm 400 năm tuổi ở làng Tịnh Mỹ (Palei Canan), xã Phan Thanh, huyện Bắc Bình, tỉnh Bình Thuận.
Cách nào để bảo tồn và phát huy kho tàng các vị vua Chăm
Qua 400 năm trong điều kiện chiến tranh liên miên và khí hậu khắc nghiệt, phương tiện bảo quản thô sơ, nhiều năm cất giấu bí mật trong rừng núi nhưng nhiều thế hệ người Chăm vẫn giữ được Bộ sưu tập gần như trọn vẹn.
Tuy nhiên, do tuổi đời của Bộ sưu tập quá cao, ngoại trừ những di vật bằng kim loại thì hầu hết những di vật với các chất liệu vải, gỗ đều đã tự hủy dần dần. Trong số đó phải kể đến như các loại áo của vua, hoàng hậu, hoàng tử, công chúa Chăm.
Trong đó chiếc áo bào màu đỏ tía của vua Po Klong Mhơ Nai gần như mục nát hoàn toàn. So với hơn 30 năm trước khi chúng tôi đưa vào tủ trưng bày thì nay mục nát hơn. Không phải chỉ có chiếc áo bào màu đỏ tía của vua Po Klong Mhơ Nai mà hầu hết các sưu tập đều trong tình trạng đó.
Nếu so sánh như với sức khỏe một cơ thể thì càng ngày càng hư hao và xanh xao, vàng vọt. Mỗi lần nhìn thấy tình trạng như vậy ai cũng thấy xót chứ không riêng gì những người trong gia đình dòng tộc hậu duệ vua Chăm.
Lẽ ra với một Bộ sưu tập quý hiếm như vậy về cả giá trị văn hóa nghệ thuật và giá trị kinh tế thì sẽ được bảo vệ nghiêm ngặt ở chế độ đặc biệt để chăm sóc bảo quản, kéo dài tuổi thọ cho từng di vật.
Ngành VHTT đã nhiều lần đưa cán bộ bảo tàng đến bảo quản các sưu tập di vật, chống mối mọt, ẩm mốc, camera bảo vệ… nhưng được thời gian lại hỏng. Khi yêu cầu chính vẫn là phải cải tạo lại hệ thống kho lẫn diện tích trưng bày và trang thiết bị.
Trong đó trang thiết bị là cần thiết nhất, quan trọng nhất để cứu vãn sự xuống cấp nhanh chóng của Bộ sưu tập. Đó là hệ thống báo động chống trộm và hệ thống camera an ninh, hệ thống phòng chống cháy nổ, tủ chuyên dụng đặc biệt để bảo vệ, bảo quản những di vật quan trọng, máy điều hòa nhiệt độ nhằm đảm bảo an toàn cho Bộ sưu tập.
Năm 2023 trong chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, giai đoạn 2021 – 2030 của Chính phủ. Bảo tàng tỉnh đã thực hiện “Xây dựng mô hình Bộ sưu tập di sản văn hóa hoàng tộc Chăm huyện Bắc Bình kết nối gắn với các hành trình du lịch di sản văn hóa Chăm tại địa phương”.
Trong đó có việc thêm một số tủ trưng bày, bảng chỉ dẫn và một số việc liên quan đến phục vụ du lịch. Nhưng vẫn là quá ít không đủ nguồn lực bảo tồn Bộ sưu tập di sản.
Việc cần làm trước tiên là phải nghiên cứu thiết lập Hồ sơ khoa học trình Hội đồng Di sản văn hóa quốc gia, xét duyệt công nhận Bảo vật quốc gia, từ đó mới có chính sách chế độ theo quy định hiện nay.
Theo tôi, với giá trị cao và lý lịch sáng giá của Bộ sưu tập, chắc chắn sẽ có nhiều di vật được công nhận Bảo vật quốc gia vì tính quý hiếm thuộc dạng đặc biệt của chúng. Hơn nữa, Bộ sưu tập không còn là báu vật của riêng các vị vua Chăm nữa mà trên thực tế là di sản chung của quốc gia nên cần có chế độ bảo vệ đặc biệt.
Đến thời điểm này việc lập Hồ sơ khoa học để trình công nhận Bảo vật quốc gia đã là quá muộn, nhưng vẫn còn tốt hơn là tiếp tục chờ đợi và khai thác những di sản đã và đang phế sản, sẽ tiếp tục hư hỏng, thậm chí mất mát sẽ xảy ra như từng xảy ra trong hơn 30 năm qua.
Một bài học cũ đã qua nhưng cần nhắc lại là: Nếu không bảo tồn tốt những di vật hiện nay thì sau này dẫu có nhiều tiền đến mấy cũng không bao giờ còn để bảo quản chứ chưa nói đến phát huy.
Theo Nguyễn Xuân Lý/Báo Bình Thuận