Đoàn Dự nhờ Bắc minh thần công mà có được nội lực thâm hậu lên tới 200 năm. Nếu tỉ thí cùng Vô Danh thần tăng, liệu anh ta có thể hấp thu nội công của vị lão tăng này được không?
Trong cuốn tiểu thuyết kiếm hiệp Thiên long bát bộ, nhà văn Kim Dung đã đưa vào trong đó số lượng lớn cao thủ và rất nhiều môn võ công đỉnh cao. Có thể điểm qua một vài bộ môn võ công thượng thừa như Dịch cân kinh, Nhất dương chỉ, Hàng long thập bát chưởng, Hỏa diễm đao, Bắc minh thần công…
Sức mạnh của nội công trong truyện Kim Dung
Theo bối cảnh của cuốn tiểu thuyết, Bắc minh thần công có nguồn gốc từ phái Tiêu Dao do Tiêu Dao Tử sáng chế ra. Đây là một môn nội công có thể hút nội lực của người khác thành của mình. Vốn dĩ, bí kíp võ công này do Đoàn Dự phát hiện ra cùng với Lăng ba vi bộ trong chiếc bồ đoàn của bức tượng ngọc thạch do Vô Nhai Tử khắc nên.
Bộ bí kíp này được chép trên 1 cuốn lụa gồm 36 hình vẽ người con gái khỏa thân ghi các yếu quyết, huyệt đạo, tư thế, nét mặt. Trong 36 bức, bức nào cũng có vẽ hình những sợi chỉ màu chạy trên bộ vị, huyệt đạo và phương pháp luyện công.
Trong trang Tử Tiêu Dao Du có viết: "Ở tận cùng phía bắc có ao tối, đó chính là ao trời. Trong ao có cá lớn, vài nghìn dặm không nhìn thấy cá bao giờ. Nếu như nước tích không đủ thì không có sức mang nổi thuyền lớn. Đổ một chén nước vào chỗ trũng, lấy cái lá cỏ làm thuyền thì được, còn lấy cái chén làm thuyền thì không xong vì nước nông mà thuyền quá lớn. Bản phái võ công cũng chẳng khác, yếu quyết đầu tiên là tích súc nội lực. Nội lực đầy đủ rồi, võ công trong thiên hạ ta đều dùng được, khác gì biển bắc, thuyền lớn thuyền nhỏ đều chở được, cá lớn cá nhỏ đều dung được. Cho nên nội lực là gốc, chiêu số là ngọn" và "Bắc Minh thần công lấy nội lực của thiên hạ làm của mình. Nước lớn biển Bắc không phải tự nhiên mà có.."
Trong thế giới võ thuật của Kim Dung, nội công chính là cơ sở để các cao thủ phân cao thấp khi chiến đấu. Nếu nội công không đủ thì dù chiêu thức có tinh vi đến đâu cũng chỉ vô ích. Điển hình có Lệnh Hồ Xung, người đã học được môn kiếm pháp vô địch là Độc cô cửu kiếm nhưng do không thể dùng nội công nên võ công có mạnh cũng chỉ trên giấy.
Ngược lại, nếu chiêu thức không tốt nhưng nội công cao thì người luyện vẫn có thể đạt tới cảnh giới đỉnh cao. Có thể kể đến Giác Viễn dại sư vì vô tình học được Cửu dương thần công mà công lực tăng tiến một cách không ngờ.
Từ đây có thể thấy luyện nội công rất khó và tốn rất nhiều thời gian, nếu người luyện không bỏ công sức thì khó có thể đạt được kết quả. Vậy mà Bắc minh thần công, một môn võ không hề giống với các môn phái khác lại có thể lấy đi nội lực của người khác để cho bản thân sử dụng.
Trong Thiên long bát bộ, Hư Trúc tuy không học được Bắc minh thần công nhưng được Vô Nhai Tử truyền cho 70 năm công lực tu luyện môn võ này. Tuy nhiên, Hư Trúc không sử dụng Bắc minh thần công khi thi triển các chiêu thức do đó người thực hành môn võ này thực tế chỉ có Đoàn Dự mà thôi. Đoàn Dự cũng không hoàn toàn tu luyện Bắc minh thần công, anh ta mới chỉ học hết bức vẽ đầu tiên của cuốn bí kíp này. Dù vậy, Đoàn Dự vẫn có thể hút nội lực của một số cao thủ để từ đó khiến bản thân trở thành một đại cao thủ với nội công thâm hậu lên tới hơn 200 năm.
Đoàn Dự có thể đánh thắng Vô Danh thần tăng?
Với nội lực cao cường như vậy thì những người như Úc Quang Tiêu và các đệ tử thuộc Vô Lượng kiếm phái tốt hơn hết là không nên đấu với Đoàn Dự. Bởi thậm chí ngay cả người có võ công mạnh mẽ như Cưu Ma Trí cũng bị Đoàn Dự hút sạch nội lực bằng Bắc minh thần công. Vậy, câu hỏi đặt ra là Đoàn Dự có thể hấp thu nội lực của Vô danh thần tăng không? Đáp án cho câu hỏi này nằm trong 3 nguyên nhân chính dưới đây.
Lý do thứ 1, Bắc minh thần công không phải là tuyệt kỹ thần thánh, nó không thể hấp thụ nội công đặc thù. Kỳ thực, người muốn hút nội lực của kẻ khác cần phải phát hiện ra kẽ hở của họ để tận dụng thì mới thành công. Ví dụ như trong Tiếu ngạo giang hồ, khi Nhậm Ngã Hành muốn dùng Hấp tinh đại pháp hút nội công của Phương Chứng đại sư nhưng không được. Bởi vì sức mạnh bên trong của Phương Chứng đại sư có được là nhờ tu luyện Dịch cân kinh.
Dịch cân kinh cũng chính là bí kíp võ công được đặt trong Tàng kinh các của Thiếu Lâm tự. Và đây cũng là môn võ mà Vô danh thần tăng luyện tập mỗi ngày. Phương Chứng đại sư nhờ luyện Dịch cân kinh mà nội lực trở nên thâm hậu đến mức Nhậm Ngã Hành không thể dùng Hấp tinh đại pháp hút nội công của ông.
Theo mô tả của Kim Dung thì Hấp tinh đại pháp là một môn công phu hút nội lực của đối phương vào bản thân. Qua đây có thể thấy Hấp tinh đại pháp và Bắc minh thần công có nhiều điểm tương đồng. Vì thế, nếu Vô danh thần tăng đã thành thạo Dịch cân kinh thì cho dù Đoàn Dự có cơ hội thì anh ta cũng không thể hút nội công của lão tăng.
Lý do thứ 2, người luyện Bắc minh thần công không thể hút được nội lực của những cao thủ mạnh hơn mình. Trong Thiên long bát bộ có mô tả về Bắc minh thần công như sau: "Nếu như nội lực kẻ địch mạnh hơn ta, tức là biển chảy ngược vào sông hồ, cực kỳ hung hiểm, phải hết sức cẩn thận". Câu này đã giải thích rất rõ ràng rằng nếu người luyện cố hấp thu nội lực của đối phương dù kẻ đó mạnh hơn mình thì sẽ bị bộc phát mà chết. Từ đó có thể thấy, Đoàn Dự mà hấp thu nội lực của Vô Danh thần tăng chẳng khác nào tự tìm đường chết.
Lý do thứ 3, Đoàn Dự không phá vỡ bức tường chân khí vô hình của Vô Danh thần tăng. Chính trong truyện đã miêu tả Đoàn Dự muốn hút nội lực của người khác thì phải dùng tay ấn vào huyệt đạo của họ. Tuy nhiên, võ công của Vô Danh thần tăng cao hơn nhiều so với Đoàn Dự. Dù Đoàn Dự có dùng Lục mạch thần kiếm cũng không thể xuyên thủng bức tường khí vô hình của ông. Do đó, Đoàn Dự muốn sử dụng Bắc minh thần công cũng không có cách nào hấp thu nội công của Vô Danh thần tăng.
Theo PV/Pháp luật & Bạn đọc