Bên cạnh Gia Cát Lượng, Tào Tháo, tiểu thuyết Tam quốc diễn nghĩa của tác giả La Quán Trung cũng đề cập đến những nhân vật kiệt xuất khác thời Tam quốc như Quan Vũ, Tôn Quyền, ngũ hổ tướng Thục Hán… Loạt bài này sẽ làm rõ những tình tiết hư cấu trong tiểu thuyết cũng như khai thác yếu tố mà Tam quốc diễn nghĩa không đề cập đến.
Theo trang mạng Qulishi (Trung Quốc), dân gian có câu “Anh hùng nan quá mỹ nhân quan” (anh hùng khó qua ải mỹ nhân).
Đàn ông háo sắc vốn là chuyện thường, huống hồ là chuyện anh hùng kết mỹ nhân từ thời cổ xưa. Tuy nhiên, một nhà chính trị, quân sự kiệt xuất như Tào Tháo lại háo sắc đến mức lấn át lý trí, gây ra nhiều tai họa.
Tào Tháo thê thiếp đếm không xuể
Các học giả Trung Quốc cho đến nay vẫn chưa thể thống kê chính xác việc Tào Tháo lấy tất cả bao nhiêu người đẹp làm vợ. Theo sử sách, Tào Tháo có tới 15 người vợ với lai lịch rõ ràng. Các bà vợ này có thành phần phức tạp, xuất thân đến từ những nơi khác nhau.
Chính thất Đinh phu nhân tính cách cao ngạo, Biện phu nhân xuất thân kỹ nữ, còn nhiều nhất là vợ người khác cướp được qua chiến trận. Tào Tháo có tổng cộng 25 người con với nhiều bà vợ, trong đó các con trai Tào Phi, Tào Thực và Tào Xung là nổi bật nhất.
Những câu chuyện dân gian về việc Tào Tháo háo sắc lan truyền khắp nơi. Sử sách Trung Quốc cũng ghi lại một số trường hợp Tào Tháo vì háo sắc mà đánh mất lý trí.
Tào Tháo háo sắc bất kể thời gian, địa điểm, đối tượng, chỉ cần thấy ưng mắt là muốn chiếm đoạt. Theo sử sách, Tháo nghe nói Tiểu Kiều vợ Chu Du phe Đông ngô rất đẹp bèn công khai bày tỏ muốn cướp đoạt. Điều này khiến Chu Du rất tức giận và kiên quyết chống Tào đến cùng.
Bên cạnh đó, chuyện ba cha con Tào Tháo cùng yêu một người phụ nữ đã trở thành một giai thoại trong dân gian. Trong cuộc chiến ở Quan Độ, Viên Thiệu đại bại, để lại vô số chiến lợi phẩm. Nhưng thứ mà Tào Tháo muốn có nhất lại chính là nàng Chân Mật, vợ bé của Viên Thiệu.
Không ngờ “cha nào con nấy”, con trai Tháo là Tào Phi cũng theo đuổi mỹ nhân này. Khi chiến trận chưa kết thúc, Tào Phi đơn phương đã dẫn quân xông đến cướp lấy Chân Mật.
Biết chuyện, Tào Tháo nổi trận lôi đình: “Lão đây vất vả đánh trận rốt cuộc thằng ranh lại đắc lợi”. Nhưng cuối cùng Tào Tháo chấp nhận nhường mỹ nhân cho con trai. Về phe Tào, người đẹp này lại đem đến rắc rối. Chân Mật tuy lấy Tào Phi nhưng lại đem lòng yêu người em chồng Tào Thực.
Cuối cùng, Tào Phi là người kế tục khi cha qua đời. Nhưng con trai Tào Tháo cũng không thể thay cha thống nhất thiên hạ.
Câu chuyện đáng chú ý nhất mà sử sách lưu lại là việc Tào Tháo ngang nhiên tranh giành mỹ nhân với danh tướng Quan Vũ. Dù Quan Vân Trường là người mà Tào Tháo hết sức ngưỡng mộ nhưng bản tính háo sắc vẫn luôn trên hết.
Tranh giành mỹ nhân với Quan Vũ
Trong tiểu thuyết “Tam Quốc diễn nghĩa”, La Quán Trung xây dựng nên ba nhân vật xuất sắc nhất và gọi là “tam tuyệt”. Tào Tháo tuyệt gian, Quan Vũ tuyệt nghĩa, Gia Cát Lượng tuyệt trí.
Sử sách chép lại, có một mỹ nhân bị chồng ruồng bỏ nhưng lại khiến cho hai “tam tuyệt” phải tranh giành. Người phụ nữ này tên Đỗ Thị. Bà có chồng là Tần Nghi Lộc, tướng phục vụ dưới trướng “Tam quốc chiến thần” Lữ Bố.
Hai “tam tuyệt” này không ai khác chính là Tào Tháo và Quan Vũ. Sử sách ít đề cập đến câu chuyện về Tần Nghi Lộc và Đỗ Thị. Hai người theo Lữ Bố nhiều năm và có với nhau một con trai.
Mọi chuyện thay đổi khi Lữ Bố chiếm Từ Châu, vốn do Lưu Bị kiểm soát. Lữ Bố không phải là người nghĩ xa, không tận diệt Lưu Bị, để Bị liên kết với Tào Tháo.
Cho đến khi đối mặt với nguy cấp, Lữ Bố mới phái Tần Nghi Lộc đến cầu viện Viên Thuật. Tần Nghi Lộc bị Viên Thuật lôi kéo, ở lại lấy con gái hoàng tộc nhà Hán. Đỗ Thị mong mỏi ngóng tin chồng trong vô vọng rồi cũng chấp nhận sống với Lữ Bố.
Năm 199, Lữ Bố bị liên quân Lưu Bị-Tào Tháo vây đánh, phải cố thủ trong thành Hạ Bì. Lúc đó, Quan Vũ, phục vụ dưới trướng Lưu Bị muốn xin Tào Tháo cho mình được lấy Đỗ Thị. Tào Tháo nói đó là chuyện nhỏ, để sau hẵng hay.
Mấy hôm sau, lần thứ hai Quan Vũ nhắc lại chuyện này, Tào Tháo chỉ ngáp ngắn ngáp dài cho qua chuyện. Lần thứ ba Quan Vũ đề cập đến việc này khiến Tào Tháo chú ý, nghi ngờ rằng Đỗ Thị là một tuyệt sắc giai nhân mà Quan Vũ muốn có bằng được. Kể từ đó, Tào Tháo đã lên kế hoạch đích thân xem mặt Đỗ Thị.
Khi quân Tào đánh thành Hạ Bì, Tào Tháo ra lệnh cho một đội quân thân tín đánh trước, nhằm vào nơi Đỗ Thị ở.
Tận mắt chứng kiến nhan sắc của Đỗ Thị, Tào Tháo ngang nhiên chiếm lấy, đưa về làm thê thiếp mà bỏ ngoài tai lời thỉnh cầu của Quan Vũ.
Biết tin, Quan Vũ vô cùng tức giận nhưng cũng đành phải chấp nhận. Một số học giả Trung Quốc cho rằng, mối quan hệ Quan Vũ, Tào Tháo trở nên căng thẳng kể từ đó.
Sách Thục ký còn chép lại rằng: Sau sự việc này, có lần Lưu Bị cùng đi săn với Tào Tháo, Quan Vũ lén khuyên Lưu Bị nhân lúc mọi người hỗn loạn mà giết Tào Tháo. Lưu Bị dĩ nhiên không nghe theo vì tình thế không cho phép manh động.
Sau này, Quan Vũ cùng đường, buộc phải đầu hàng Tào Tháo. Phục vụ cho Tào Tháo một thời gian, Quan Vũ lập nhiều chiến công như để trả ơn tha mạng rồi quay về với Lưu Bị.
Quan Vũ cũng là người duy nhất thời Tam quốc dám phụ lòng Tào Tháo mà vẫn còn toàn mạng trở về.
Số phận của mỹ nhân từng khiến Tào Tháo và Quan Vũ tranh giành sau này cũng khá yên bình. Đỗ Thị mang theo con trai Tần Lãng rời khỏi thành Hạ Bì binh đao loạn lạc, chuyển đến phủ đệ của Tào Tháo. Ở đó, bà được sống an lành cho đến cuối đời, trong thời Tam quốc khốc liệt.
Theo Đăng Nguyễn/ Khám Phá