Điều thú vị về Ivan Lôi đế - Sa hoàng đầu tiên của nước Nga

Google News

Sa hoàng Ivan Lôi đế được coi là Sa hoàng đầu tiên của nước Nga vì đã có công hợp nhất công quốc Matxcơva, công quốc Novgorod và chinh phạt nhiều quốc gia khác.

Sa hoàng Ivan Lôi đế, có tên thật là Ivan Vasilyevich, biệt danh của ông trong tiếng Nga là Ива́н Гро́зный/ - Ivan Grozny, trong đó từ “grozny” nghĩa đen là sấm sét, nghĩa bóng là “người uy quyền, mạnh mẽ, khiến người khác phải sợ hãi”.

Sa hoàng Ivan Lôi đế được coi là Sa hoàng đầu tiên của cả nước Nga vì đã có công hợp nhất công quốc Matxcơva và công quốc Novgorod; chinh phạt Hãn quốc Kazan, Hãn quốc Astrakhan, đánh bật sự ảnh hưởng của Đại công quốc Litva ở phía Bắc cũng như các Hãn quốc từ phía Nam.

Tuy nhiên, ông cũng bị các sử gia phương Tây hoặc sử gia Thiên chúa giáo coi là một vị hoàng đế tàn bạo vì đã gây ra cuộc thảm sát quý tộc và tăng lữ Novgorod vì nghi ngờ họ chạy theo Đại công quốc Litva, thảm sát dân thường thành Kazan sau khi chiếm được hãn quốc này hay chính tay đánh chết con trai ruột của mình. Mặc dù vậy, với nhiều bằng chứng khảo cổ cũng như so sánh lại các tài liệu lịch sử khác nhau, Ivan Lôi đế có lẽ không “bạo chúa” như những gì sử học chính thống phương Tây thường miêu tả.

Dieu thu vi ve Ivan Loi de - Sa hoang dau tien cua nuoc Nga

Chiều cao và hình dáng

Năm 1963, khi khai quật được mộ của Ivan Lôi đế và khám nghiệm di cốt của ông, các nhà khoa học Liên Xô khám phá ra ông là người tóc đỏ, có vai rộng với chiều cao 1m80. Điều này khác hẳn với mô tả “dáng vẻ gầy gò như một thằng nhóc” như trong các bức họa hay ghi chép của nhà thờ. Một lượng lớn đầu khớp bị xương hoá trên bộ xương của ông cũng cho thấy những năm cuối đời, Ivan Lôi đế đã hoàn toàn bị bại liệt và bất động. Theo như ghi chép của các đại sứ châu Âu, Ivan Lôi đế không hút thuốc, không uống rượu, không vướng vào các scandal tình ái và làm việc rất hiệu quả.

Khai sinh nước Nga

Khi lên nắm quyền, Ivan Lôi đế chỉ là Đại công tước quản lý 2 vùng Matxcơva và Novgorod. Dựa trên cơ sở này, ông đã chinh phạt được một vùng rộng lớn, xây dựng lên phần lãnh thổ Nga tại châu Âu hiện nay. Ông cũng là người nỗ lực bãi bỏ chế độ nông nô phong kiến của Nga, luôn tìm cách đối xử bình đẳng giữa những người nông nô và quý tộc bằng cách xây dựng hệ thống bầu cử quan chức địa phương. Ivan Lôi đế cũng là ngươi đảm bảo mỗi tầng lớp xã hội đều có đại diện trong cơ quan lập pháp cao nhất của nước Nga lúc đó là hội đồng Zemsky Sobor. Ngoài ra, ông cũng là người đặt nền móng xây dựng nền giáo dục phổ thông cho toàn nước Nga khi đó.

Chưa từng thua trận

Trong thời kỳ trị vì của Ivan Lôi đế, nước Nga trải qua rất nhiều cuộc chiến tranh, trong đó, có những trận chiến lớn như trận đánh thành Kazan khi Nga huy động tới 15 vạn quân. Hầu hết những cuộc chiến này đều kết thúc với chiến thắng của quân Nga. Do đó, họ đã lấy được 1 vùng lãnh thổ khổng lồ. Trong triều đại của Ivan Lôi đế, duy nhất trong cuộc chiến Livonia chống lại liên quân Đan Mạch – Thụy Điển – Khối liên hiệp Ba Lan – Litva, theo các sử gia phương Tây, nước Nga đã bị thua cuộc.

Tuy nhiên, vào giai đoạn quân Nga bị đẩy lùi, trên thực tế Ivan Lôi đế đã bị bại liệt hoàn toàn và ông không còn đóng vai trò chỉ huy nữa. Dù sao, quân Nga cũng chỉ bị đẩy lui khỏi những vùng đất họ chiếm được. Mặc dù Thụy Điển đòi quyền kiểm soát Novgorod khi ký hiệp định hòa bình nhưng họ không thể ép được nước Nga đồng ý với điều khoản này.

Trực tiếp tham chiến

Năm 1572, khi hầu hết quân đội Nga đang chiến đấu với quân Ottoman ở gần Molody, đích thân Ivan Lôi đế đã dẫn lính cấm vệ của mình đánh chiếm thành Weissenstein (khi đó nằm trên lãnh thổ đế quốc Thụy Điển, nay thuộc Estonia). Ông đã chiếm được thành, tuy nhiên rất nhiều lính cấm vệ đã bị thương, bản thân đội trưởng đội cấm vệ hoàng cung Malyuta đã tử nạn. Trong giai đoạn sau đó, toàn bộ Hoàng gia Nga và khối tài sản của họ nằm dưới sự bảo vệ của người Novgorod.

Quan hệ với Tổng giám mục Philip 2

Theo như sử sách chính thống, Tổng giám mục Philip đã bị Ivan Lôi đế sát hại. Tuy nhiên, trên thực tế, Tổng giám mục Philip vốn được vị Sa hoàng này bổ nhiệm vào vị trí trên khi còn là 1 chức sắc tôn giáo rất ít tên tuổi, khiến cho giới chức sắc nhà thờ của toàn bộ nước Nga thờ đó phản đối kịch liệt. Đứng đầu vụ phản đối là Đại giám mục Pimen của vùng Novgord và Đại giám mục German ở Kazan, những người chắc mẩm ghế Tổng giám mục đó phải là của mình.

Trong thời gian sau đó, Tổng giám mục Philip luôn là 1 đồng minh tin cậy của vua Ivan với những bài thuyết pháp lên án những kẻ âm mưu tham gia vào cuộc lật đổ Fedorov. Theo ghi chép của nhà thờ, Tổng giám mục Philip bị Sa hoàng Ivan Lôi đế tống giam và sát hại vì lên án Sa hoàng trong cuộc thảm sát Novgorod.

Tuy nhiên, mối bất hòa này không được ghi chép lại trong các tài liệu của Hoàng gia, vì thế còn một thuyết khác cho rằng Đại giám mục Pimen vùng Novgorod đã ngụy tạo lên bằng chứng này và sai một người thân cận của mình là Stefan Kobylin sát hại vị Tổng giám mục. 

Sát hại con trai

Một chi tiết thường được dùng để miêu tả sự tàn bạo của Ivan Lôi đế là chi tiết ông dùng trượng đánh chết con trai mình là Ivan Ivanovich năm 1581. Câu chuyện này thậm chí đã được danh họa Ilya Repin vẽ lại vào thế kỷ 19. Tuy nhiên, theo bằng chứng khảo cổ lăng mộ của Ivan Lôi đế, giai đoạn này ông đã bị bại liệt hoàn toàn và việc thực hiện tội ác này là bất khả thi.  

Dieu thu vi ve Ivan Loi de - Sa hoang dau tien cua nuoc Nga-Hinh-2

Người bị hành hình sống lại

Theo các tổ chức nhân quyền phương Tây, Ivan Lôi đế đã hành hình rất nhiều quý tộc và quan lại Nga như công tước Mikhailo Vorotynsky, Giám mục Korneliy vùng Pechora, dân biểu Duma Mikhail Kolychev, Toàn quyền von Fustenberg, Công tước Afanasiy Vyazemsky, công tước Ivan Shishkin, công tước Ivan Sheremetyev… cùng rất nhiều quan chức hay chức sắc nhà thờ khác.

Tuy nhiên, rất nhiều người trong số này, không hiểu tại sao dù đã bị “hành hình” nhưng lại xuất hiện trở lại trong lịch sử, được ghi lại trong các tài liệu về bổ nhiệm chức vụ hay cưới hỏi. Ví dụ công tước Mikhailo Vorotynsky đã hai lần được nhắc tới trong danh sách bị hành hình, nhưng 3 năm sau ông ta vẫn xuất hiện trong danh sách được bổ nhiệm cầm quân tại biên giới trong “Bản phán quyết về việc phục vụ quân sự tại làng Boyarsky”.

Kết

Sau khi mất đi, Sa hoàng Ivan Lôi đế đã để lại một nước Nga rộng lớn, đoàn kết và giàu có, với ngân sách dồi dào và quân đội mạnh hàng đầu khu vực. Trong 20 năm sau khi ông mất (1584 – 1604), không một đội quân nào dám tấn công nước Nga. Về phần mình, Nga đã xây dựng các thành trì vững chắc tại vùng Voronezh (năm 1585),  Livny, Samara (năm 1586), Tsarisyn (1589 – nay là Volgograd), Saratov (1590). Nhiều thành phố như Belgorod, Tsarev-Borisov cũng được xây dựng. 

Theo TÔNG HÙNG/ VTC