Người Việt xưa quan niệm rằng những ngày đầu năm mới, nếu gặp điều may mắn thì suốt năm đó làm gì cũng thuận lợi. Ngược lại, nếu đầu năm gặp xui xẻo thì suốt năm sẽ gặp điều không may, bất lợi, làm gì cũng khó thành.
Vì vậy, ông cha ta đã đề ra các điều kiêng kỵ trong những ngày đầu năm mới – Tết Nguyên đán để căn dặn con cháu không được phạm phải, tránh xui xẻo cả năm.
Kiêng ngồi hoặc đứng trước cửa
Việc đứng hay ngồi án ngữ trước cửa chính trong dịp năm mới không chỉ vô duyên mà còn được coi là hành động gây phương hại đến vượng khí gia đình. Luồng khí tốt lành của năm mới trên đường vào nhà sẽ bị chặn lại, hao tán đi, khiến gia đình đó không được may mắn, thành công, hạnh phúc.
Quét nhà
Người xưa cho rằng quét nhà là việc đại kỵ trong ngày Tết, nhất là vào ngày mồng 1. Theo quan niệm dân gian, việc quét nhà trong ngày Tết sẽ quét đi theo cả lộc xuân, gia đình nghèo túng, làm ăn không phát đạt.
|
Ảnh minh họa. |
Xin lửa
Ngày mùng Một Tết, người ta rất kỵ người khác đến xin lửa nhà mình, vì quan niệm lửa là đỏ là may mắn. Cho người khác cái đỏ trong ngày mùng 1 Tết thì cả năm đó trong nhà sẽ gặp nhiều điều không may như làm ăn thua lỗ, trong nhà lủng củng, ra đường hay gặp tai bay vạ gió.
Xông nhà khi không hợp tuổi
Xông nhà hay còn gọi là xông đất, đây là phong tục tập quán lâu đời của người Việt. Nếu như có một người khách đầu tiên đến chúc Tết gia đình bạn trong năm mới thì người đó chính là người xông đất cho gia đình bạn.
Nếu như người đó hợp tuổi với gia đình bạn, hoặc là người luôn gặp may mắn trong cuộc sống thì gia đình bạn sẽ có được nhiều điều may mắn trong năm mới.
Vì vậy, những người “nặng vía”, không hợp tuổi với gia chủ đừng nên đến xông nhà ngày đầu năm. Người có tang không nên xông đất nhà người khác để tránh xui xẻo.
Đóng cửa sẽ đói nghèo tù túng
Trong dịp Tết, trừ khi phải ra khỏi nhà đi chơi, thăm hỏi… vì theo tín ngưỡng dân gian từ sớm Mồng 1 đến trước ngày rằm tháng Giêng, Ngọc Hoàng cùng chư vị thần tiên sẽ giáng phàm du lý từng nhà và nếu đóng kín cửa, các vị coi như sự bất kính mà giận dỗi bỏ đi và cả năm, thậm chí nhiều năm sau gia đình sẽ không được hưởng phúc.
Kiêng cho nước đầu năm
Cũng như lửa, nước được ví như “nguồn tài lộc” trong câu chúc “tiền vô như nước,” nếu cho nước thì coi như… mất lộc.
Thường thì trước khi bước sang năm mới ở nông thôn nhà nào cũng lo đổ đầy nước vào bể, vào chum hoặc vại. Từ trong tâm thức người ta tin rằng năm mới đến sẽ đem theo của cải nhiều như nước.
Kiêng ăn đuôi cá
Ở miền Bắc có một số nơi cầu may năm mới bằng việc ăn cá chép – loài cá vượt vũ môn hóa rồng. Nếu ăn cá chép trong ba ngày đầu năm mới thì trong năm đó sẽ được hanh thông trong chuyện học hành, công việc thăng tiến.
Tuy nhiên, nhằm tăng sự may mắn, người ta tránh ăn phần đuôi, để luôn có dư thừa, tích lũy của cải trong năm mới, chứ không chỉ đủ ăn đủ mặc.
Không mặc quần áo màu đen – trắng
Với người Việt Nam, màu đen – trắng tượng trưng cho sự tang tóc nên vào ngày Tết thường tránh mặc quần áo màu đen hoặc trắng.
Những ngày Tết, mọi người thường mặc quần áo nhiều màu sắc để tạo không khí vui vẻ, phấn khởi.
Không làm đổ vỡ đồ dùng
Ông bà ta quan niệm, từ “vỡ”, “bể” là những từ tạo nên sự chia cắt, đứt lìa, đó có thể là vật dụng trong nhà hoặc thậm chí là các mối quan hệ trong gia đình và xã hội.
Do đó, người già thường khuyên con cháu trong những ngày này không được đánh vỡ bát đĩa, ấm chén.
Không tranh cãi, bất hòa
Vào những ngày Tết, mọi người thường cố giữ hòa khí, không tranh cãi, gắt gỏng dù có khó chịu đến thế nào. Người lớn tránh quát mắng, trẻ con không khóc lóc để giữ cho hòa khí một năm luôn vui vẻ, hòa thuận.
Kiêng quan hệ nam nữ
Trong ngày Mùng 1 Tết, người phương Đông có quan niệm kiêng khem, tránh việc gần gũi nam nữ. Bởi lẽ, theo quan niệm cổ xưa, việc quan hệ nam nữ vào những ngày này sẽ dẫn đến những điều vận hạn đen đủi, không may mắn, thậm chí là đại hạn.
Theo Nguyễn Hồng/Phapluatplus