Tháng 8/2024, có một thông tin khiến giới kiến trúc sư Việt Nam quan tâm, đó là không gian Trúc Lâm tại Bảo tàng Dân tộc học (Trúc Lâm Restaurant) nhận được hai giải thưởng kiến trúc quốc tế.
Đầu tiên là giải thưởng Danh dự (Honorable Mention) của International Architecture Awards 2024 (viết tắt là IAA). Giải thưởng này được Bảo tàng Kiến trúc và thiết kế Chicago phối hợp với Trung tâm Thiết kế kiến trúc và nghiên cứu đô thị châu Âu tổ chức hàng năm.
Thứ hai là Giải thưởng Kiến trúc xanh Green Good Design, một giải thưởng quốc tế tôn vinh những điển hình áp dụng thiết kế bền vững hướng tới tương lai xanh.
Sự kết nối của kiến trúc đương đại với văn hóa các tộc người
Theo ông Bùi Ngọc Quang, Phó giám đốc phụ trách Bảo tàng Dân tộc học, không gian Trúc Lâm là dự án hợp tác công tư trong lĩnh vực văn hóa giữa bảo tàng và Công ty TNHH MTV thủ công Trúc Lâm. Đơn vị thiết kế là Văn phòng kiến trúc sư 1+1>2, do KTS Hoàng Thúc Hào, Phó chủ tịch Hội Kiến trúc sư Việt Nam, đứng đầu.
Đội ngũ thiết kế cho biết, dự án không gian Trúc Lâm sử dụng vật liệu tự nhiên và vật liệu nhẹ có khả năng tái sử dụng cao như: đất, tre, thép, kính. Nằm dưới bóng mát của một cây đa cổ thụ, công trình có những cửa sổ và tường bằng kính trong để các du khách ngồi bên trong có thể nhìn ngắm những ngôi nhà của các dân tộc ít người và vườn cây ở xung quanh.
Điểm nhấn trong kiến trúc của không gian Trúc Lâm là bức tường đất lớn được xây dựng bằng kỹ thuật trình tường của người dân tộc Hà Nhì. Bức tường này dày tới 40 cm bọc toàn bộ mặt ngoài công trình, được sử dụng một số phụ gia để có hiệu ứng mịn màng hơn, không bị mưa gió tróc lở như tường truyền thống. Bức tường rất được khách nước ngoài yêu thích, khi kết hợp với mái tre và cửa kính lớn đã tạo được đối thoại với các ngôi nhà kiến trúc truyền thống trong khuôn viên bảo tàng.
|
Bức tường đất từ cảm hứng nhà trình tường trong không gian Trúc Lâm. Ảnh: Hoàng Thúc Hào
|
Nội thất của không gian Trúc Lâm gây ấn tượng mạnh với nhiều sản phẩm thủ công mỹ nghệ đặc sắc. Có giá trị đặc biệt trong số đó là bộ sưu tập tranh thêu thổ cẩm của người dân tộc Thái ở Nghệ An, có niên đại hàng trăm năm. Bộ sưu tập này quý giá đến mức Bảo tàng Dân tộc học dự kiến sẽ tổ chức một trưng bày riêng để giới thiệu.
Theo ông Bùi Ngọc Quang, hồ sơ dự thi hai cuộc thi kiến trúc của không gian Trúc Lâm đều nêu rõ những yếu tố văn hóa tộc người được đưa vào kiến trúc ra sao. Trong đó, việc đưa gốc đa cổ thụ vào không gian nhà hàng, các vật liệu dân gian của dân tộc ít người, việc bảo tồn khung xương của công trình cũ đều được phân tích. Một số tác phẩm độc bản khác cũng được giới thiệu trong không gian này như những chạm khắc tinh xảo từ gỗ trầm hương, bức tượng đá thạch ngọc tự nhiên điêu khắc thủ công.
|
Một góc nội thất không gian Trúc Lâm. Ảnh: Trọng Nhân / Nhà báo & Công luận. |
KTS Hoàng Thúc Hào, Phó chủ tịch Hội Kiến trúc sư Việt Nam, chia sẻ: "Không gian có sự gắn bó hữu cơ về vật liệu với không gian của bảo tàng. Thiết kế nội thất của Trúc Lâm cũng có nhiều cộng sinh với nội dung Bảo tàng Dân tộc học. Đó là sự gắn bó với cây đa đã tồn tại ở đó. Cũng có cả sự kết nối về chất liệu với những ngôi nhà của các dân tộc ít người trong bảo tàng. Đấy cũng chính là lý do mà công trình này được giải thưởng kiến trúc quốc tế".
Với sự ra mắt của không gian Trúc Lâm, Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam có thêm một không gian văn hóa đặc sắc. Công trình đã tạo ra hiệu ứng rất tốt, trở thành địa điểm thu hút đông đảo du khách trong và ngoài nước đến ghé thăm và chụp hình ở Bảo tàng.
Bảo tàng hút khách quốc tế nhất Hà Nội
Mở cửa phục vụ công chúng từ năm 1997, Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam (đường Nguyễn Văn Huyên, quận Cầu Giấy, Hà Nội) được coi là một trong những điểm tham quan hàng đầu dành cho du khách trong và ngoài nước ở thủ đô Hà Nội.
Cơ sở này là nơi nghiên cứu, sưu tầm, bảo quản, phục chế hiện vật và tư liệu về các dân tộc; tổ chức trưng bày, trình diễn và những hình thức hoạt động khác để giới thiệu, giáo dục về văn hóa của các dân tộc ở Việt Nam cũng như các nước khác... Toàn bộ khuôn viên Bảo tàng có diện tích lên tới 43.799m², được chia làm ba khu trưng bày chính: Tòa nhà Trống Đồng, khu trưng bày ngoài trời và khu trưng bày Đông Nam Á, với tổng số hiện vật đang trưng bày hoặc bảo quản trong kho là 30.000.
Khu vực trung tâm của Bảo tàng là tòa nhà hai tầng có tên gọi Trống đồng, bắt đầu mở cửa phục vụ công chúng từ ngày 13/11/1997. Đây là nơi trưng bày các hiện vật về 54 dân tộc ở Việt Nam. Cách trình bày, bố trí từ hình thức đến nội dung trong tòa nhà Trống đồng mang tính khoa học, logic và giàu thẩm mỹ, giúp du khách dễ dàng nắm bắt được màu sắc văn hóa riêng của mỗi dân tộc trên dải đất hình chữ S.
Khu trưng bày ngoài trời, được gọi là Vườn kiến trúc, rộng khoảng 2 ha, xây dựng từ năm 1998 đến 2006, là nơi giới thiệu 10 công trình kiến trúc dân gian của 10 dân tộc ở Việt Nam. Nằm giữa vườn cây xanh, 10 tòa nhà có kiến trúc độc đáo được xây dựng sát với nguyên bản từ ngoại thất đến nội thất, được coi là khu vực đặc sắc nhất Bảo tàng. Không gian Trúc Lâm chính là công trình mới nhất được xây dựng ở Vườn kiến trúc.
|
Nhà rông của người Bana ở Khu trưng bày ngoài trời, Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam. Ảnh: Quốc Lê. |
Khu vực thứ ba của Bảo tàng Dân tộc học là tòa nhà bốn tầng có tên gọi Cánh diều, được khởi công xây dựng tháng 6/2007 và khai trương từ cuối năm 2013. Đây là khu trưng bày về các cư dân ngoài Việt Nam, trước hết là các dân tộc ở Đông Nam Á. Xa hơn thế, các trưng bày ở tòa nhà Cánh diều vươn ra châu Á, châu Đại Dương, châu Phi và Nam Mỹ, nhờ những bộ sưu tập hiện vật quý giá được các cá nhân và tổ chức hiến tặng.
Cùng với các trưng bày thường xuyên, Bảo tàng có hàng loạt trưng bày tạm thời, những hoạt động trình diễn văn hóa phi vật thể, các chương trình hoạt động giáo dục trải nghiệm…
Tất cả những điều trên đã làm cho Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam được công chúng mến mộ. Theo thống kê, mỗi năm nơi đây đón tiếp khoảng 500.000 lượt khách tới tham quan. Trong nhiều năm TripAdvisor, trang web du lịch nổi tiếng thế giới, đã bình chọn Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam là Bảo tàng xuất sắc, nằm trong nhóm các bảo tàng hấp dẫn nhất châu Á.
Có thể nói, đây là một trong số ít bảo tàng ở Hà Nội nói riêng và Việt Nam nói chung trở thành một điểm sáng trên bản đồ du lịch quốc tế.
Thanh Bình