Dựa theo các văn tự được lưu giữ trong lịch sử, sự tồn tại của một vương triều có thể nói là được bắt đầu từ thời nhà Hạ vào khoảng những năm 2700 TCN.
Ở thời đại lịch sử xa xôi ấy, con người vẫn còn rất nhỏ bé. Để có thể duy trì sự sống, các bộ lạc phải cùng giúp đỡ lẫn nhau, cùng nhau chống lại sự tấn công của môi trường tự nhiên khốc liệt, sự lạc hậu và hiểm nguy cận kề khiến con người thời đại ấy sống vì mục đích sinh tồn.
Phải cho đến khi bước sang thời đại Xuân Thu Chiến Quốc, con người mới có đủ khả năng để chống chọi lại tự nhiên, các bước phát triển cũng được bắt đầu từ đây.
Vì tài nguyên và lợi ích sinh tồn, các cuộc chiến tranh để thống nhất thiên hạ đã nổ ra khắp lục địa Hoa Hạ. Đến năm 221 TCN, Tần Thủy Hoàng Doanh Chính thống nhất trung nguyên, mở ra bức màn của thời đại phong kiến, từ đây, một vương triều chân chính mới chính thức bắt đầu.
Song nhìn vào lịch sử các triều đại phong kiến của Trung Quốc, quả thực là có những sự việc trùng hợp đến thú vị, ví dụ như không có một vương triều nào kéo dài được hơn 300 năm thống trị, điều này ngay lập tức đã thu hút sự tìm hiểu của các học giả.
Từ con đường phát triển của nhà Thanh nhìn ra điểm kỳ lạ chung của các triều đại khác
108 năm trước, vị Hoàng đế cuối cùng của triều đại phong kiến Trung Quốc thoái vị, sự sụp đổ của nhà Thanh đánh dấu cho sự kết thúc của hơn 2300 năm triều đại phong kiến thống trị.
Là triều đại tương đối quen thuộc với chúng ta, vương triều nhà Thanh là triều đại được đánh giá vô cùng phức tạp.
Nhưng nếu xét về sự phát triển tổng thể của nhà Thanh, bốn chữ "thịnh cực tất suy" đã đủ để miêu tả con đường của triều đại này.
Năm 1616, Nỗ Nhĩ Cáp Xích thành lập nhà Đại Kim, năm 1636, Ái Tân Giác La Hoàng Thái Cực xưng đế ở Thẩm Dương, xây dựng nhà Đại Thanh, vương triều nhà Thanh được bắt đầu từ đây. Sau đó, trải qua các đời vua Khang Hi, Ung Chính, Càn Long, nhà Thanh đã phát triển lên đến đỉnh cao, cường thịnh chưa từng có, đạt đến đỉnh cao về kinh tế.
Nhưng, theo sự thay đổi của thời gian, nhà Thanh cũng dần bước vào thời kỳ thoái trào. Cùng với sự biến động không ngừng của Hoàng thất nhà Thanh, gian thần, quyền thần ngày càng có thế lực, sự thay đổi Hoàng đế liên tục cũng là nguyên nhân quan trọng dẫn đến sự bất ổn của quốc gia.
Từ sau thời Đạo Quang Đế, Hàm Phong Đế cũng đoản mệnh, tại vị 11 năm thì qua đời; Đồng Trị Đế còn thảm hơn, mới 19 tuổi đã chết bệnh, khiến Quang Tự Đế đăng cơ khi mới vừa 4 tuổi, Từ Hi Thái Hậu nắm quyền, giai cấp thống trị hỗn loạn vô cùng.
Có thể thấy được rằng, nguyên nhân rất lớn khiến nhà Thanh rơi vào con đường diệt vong là vì các vị Hoàng đế đoản thọ, mất sớm, hoàng quyền liên tục thay đổi, biến động.
Chúng ta đều biết rằng, trong xã hội phong kiến, hoàng quyền là luôn thứ hấp dẫn lòng người, hơn thế cùng với sự thay đổi của người cầm quyền, lớp quan viên của triều đại trước cũng sẽ bị loại trừ, càng đừng nói đến dưới sự lộng hành của bè lũ gian thần, sự thối nát của quốc gia có thể hình thành trong chớp mắt.
Xét về triều đại nhà Thanh, Khang Hi tại vị 61 năm, Càn Long trị vì 60 năm, cả hai đều là những vị Hoàng đế sống thọ, cho nên xã tắc Đại Thanh mới thịnh vượng như vậy, quyền lực không có sự biến động liên tục, đất nước đạt đến sự ổn định cao nhất, như vậy mới khiến cho đất nước không thể suy yếu, sụp đổ, rồi trở thành con rối trong tay bè lũ gian thần.
Hoàng đế sống thọ, Đại Thanh hưng thịnh, Hoàng đế đoản mệnh, nhà Thanh suy vong, có thể thấy rằng, việc Hoàng đế băng hà sớm cũng là một trong các nguyên nhân chính khiến một vương triều suy vong.
Không chỉ riêng nhà Thanh, mà các triều đại trước cũng như vậy. Hán Cao Tổ Lưu Bag thọ 62 tuổi, Hán Văn Đế, Hán Cảnh Đế cũng đều thọ gần 50 tuổi, nếu xét về điều kiện và trình độ y tế lúc bấy giờ, thì tuổi thọ như vậy đã là rất thọ rồi, nhờ thế nên vào thời kỳ đầu nhà Tây Hán, quốc gia vô cùng hùng cường thịnh vượng.
Ngược lại, đến thời Đông Hán, Thương Đế Lưu Long 2 tuổi chết yểu, Xung Đế Lưu Bỉnh 3 tuổi mắc bệnh qua đời, Hán Chất Đế Lưu Toản 9 tuổi đã băng hà.
Thử hỏi, nếu cứ 2, 3 năm lại thay một vị Hoàng đế thì vương triều nào có thể chống chọi được? Có thay đổi tất sẽ có rối loạn, có rối loạn tất sẽ có gian thần, nịnh thần thừa cơ hoành hành, cuối cùng sẽ dẫn đến việc quốc gia bị chia cắt, khiến thời thế loạn lạc.
Hoàng đế đoản thọ, cũng tức là vị Hoàng tử kế vị sẽ đăng cơ từ khi còn rất nhỏ. Mà hoàng quyền là thứ quyền lực to lớn không gì sánh nổi, có thể nắm giữ cả thiên hạ. Thử nghĩ xem hậu quả sẽ ra sao khi một đứa trẻ mới 10 tuổi nắm trong tay thứ quyền lực tối thượng đó.
Thứ nhất là Hoàng đế có thể đưa ra những ý chỉ vô cùng vô lý, hơn thế tuổi còn nhỏ thì sẽ không thể lo chuyện triều chính, việc quốc gia đại sự sẽ bị trì trệ; mặt khác, vì Hoàng đế còn nhỏ, đầu óc còn trẻ dại, ngây thơ sẽ dễ bị gian thần mê hoặc, dụ dỗ, đưa bè lũ gian thần lên nắm quyền.
Tại sao Hoàng đế Trung Hoa thường "đoản mệnh"?
Có một thực tế không thể chối cãi là đa phần các Hoàng đế Trung Hoa xưa đều không thể sống lâu. Theo các ghi chép lịch sử liên quan thì tuổi thọ trung bình của các Hoàng đế Trung Hoa phong kiến là 39 tuổi. Rốt cuộc là vì sao?
Có thể xét đến triều đại nhà Minh, tình hình chính trị ở triều đại này tương đối tốt, không có nhiều sự thay đổi Hoàng đế nắm quyền. Tuy nhiên, tuổi thọ trung bình của 16 vị Hoàng đế nhà Minh chỉ là 42 tuổi và trong số đó chỉ có 5 vị Hoàng đế sống lâu hơn con số 42 tuổi.
Từ thời Hoàng đế Tuyên Đức đến thời Hoàng đế Chính Đức (từ Hoàng đế thứ 5 đến thứ 11 của triều nhà Minh), có đến 5 vị Hoàng đế qua đời trong năm đầu tiên tại vị. Thậm chí, Hoàng đế Thái Xương (tức Minh Quang Tông, Hoàng đế thứ 15 của triều Minh) chỉ cai trị đất nước chưa đầy 1 tháng thì băng hà.
Trước hết là vấn đề Hoàng đế rèn luyện cơ thể mỗi ngày không đủ, thêm vào đó họ thường xuyên uống rượu. Điều này khiến tình trạng sức khỏe của Hoàng đế dễ dàng suy yếu, và luôn ở mức thấp hơn sức khỏe của người bình thường.
Tiếp theo đó, một phần xuất phát từ áp lực công việc. Là Hoàng đế của một quốc gia rộng lớn như Trung Hoa, họ cần phải dậy sớm mỗi ngày để xử lý chính vụ quốc gia. Và theo thời gian, cách sinh hoạt này đã khiến cơ thể của họ không thể chịu đựng thêm, ngày càng suy kiệt và qua đời khi còn tuổi còn tương đối trẻ.
Ngoài chính sự của đất nước, Hoàng đế còn phải để tâm đến an nguy của bản thân cũng như ổn định ngôi báu của mình. Sự căng thẳng trong tinh thần sẽ càng khiến cơ thể mệt mỏi hơn.
Thêm vào đó, vị Hoàng đế nào cũng muốn trường sinh bất lão (trẻ mãi không già) nên đã tùy tiện uống thuốc kéo dài tuổi thọ. Chẳng những vậy, Hoàng đế phải sủng hạnh không ít phi tần hậu cung nên cần sử dụng nhiều loại thuốc để bồi bổ cơ thể.
Nhưng, vào thời cổ đại những thuật sĩ điều chế thuốc gần như là kẻ lừa đảo, họ chỉ lấy cái mác "trường sinh bất lão" hay "Xuân dược" để lừa gạt Hoàng đế. Những viên thuốc đó có chứa một lượng kim loại nặng, nếu sử dụng trong thời gian dài, chất độc sẽ tích tụ trong cơ thể. Như thế thì làm sao Hoàng đế có thể sống lâu hơn?
Cuối cùng, đó là áp lực sinh con đẻ cái của Hoàng đế, ông cần phải có nhiều con cháu, càng nhiều càng tốt. Ai cũng biết rõ, trong hậu cung Hoàng đế có hàng nghìn mỹ nữ, nếu mỗi ngày Hoàng đế thị tẩm 1 người thì cũng khó mà thị tẩm toàn bộ nữ nhân hậu cung. Kéo dài tình trạng như vậy, cơ thể dù có khỏe mạnh đến thế nào cũng sẽ có lúc yếu đi.
Tóm lại, Hoàng đế vừa phải tiêu hao sức khỏe thể chất và tinh thần xử lý việc triều chính lại còn phải để tâm chiều chuộng phi tần, cố gắng sinh con đẻ cái, mỗi ngày đều phải tranh đấu với kẻ khác để giữ vững ngôi báu. Lâu ngày sẽ khiến sức khỏe suy yếu, dẫn đến tuổi thọ trở nên ngắn ngủi.
Theo Mộc/ Khoevadep