Theo quan niệm dân gian, tháng cô hồn là tên gọi chỉ tháng 7 âm lịch hàng năm, là tháng Diêm Vương cho mở cổng địa ngục, xóa tội cho các vong linh có lỗi lầm, vì thế người âm có thể tự do đi lại trên dương gian, thậm chí quấy phá người trần.
Do đó trong tháng này, ngoài lễ cúng gia tiên, người ta cũng có lễ cúng giành cho các cô hồn, quỷ đói, gọi là cúng cô hồn.
Việc cúng cô hồn không chỉ để khỏi bị quấy phá, mà vì muốn làm phúc, giúp những cô hồn ít ra cũng có một ngày được no nê, đỡ tủi phận. Đó là ý nghĩa mang tính nhân văn rất cao trong văn hóa Việt, cũng như các nước Á Đông có ảnh hưởng của Phật giáo.
Dưới góc độ Phật giáo, tục cúng cô hồn bắt nguồn từ tích cổ Trung Hoa. Truyền thuyết dân gian cho rằng từ mùng 2/7, Diêm Vương ra lệnh bắt đầu mở Quỷ Môn Quan và đến rằm tháng 7 thì “thả cửa” để cho người cõi âm có thể tự dọ trở lại dương thế.
|
Tháng cô hồn chính là tháng 7 âm lịch hàng năm. Ảnh: Internet. |
Do đó, vào tháng 7 Âm lịch, người ta quan niệm trên dương gian có rất nhiều người âm, nên phải cúng cháo, gạo, muối hối lộ cho họ để họ không quấy nhiễu cuộc sống và công việc làm ăn của gia chủ.
Ở Trung Quốc, việc cúng cô hồn được thực hiện vào ngày 14 tháng 7 Âm lịch. Còn ở Việt Nam, có sự khác biệt khá lớn, đa số người Việt Nam coi tháng cô hồn kéo dài nguyên một tháng, không nhất thiết phải là ngày rằm. Ngày cúng cô hồ có thể tùy thuộc vào từng gia đình, từng vùng miền khác nhau và lễ cúng tháng cô hồn cũng có đôi chút khác biệt, giữa các gia đình, vùng miền, tập tục.
Ngoài ra, theo quan niệm, tháng 7 âm lịch hàng năm là tháng cô hồn là tháng ma quỷ, không đem lại may mắn nên hầu hết các công việc cưới hỏi, khởi công xây dựng, mua sắm, đi xa, ký kết hợp đồng làm ăn, hay khởi nghiệp đều tránh tháng 7.
>> Mời quý vị độc giả xem video: Ảm đạm chợ đầu mối “tháng cô hồn” (nguồn: VTC14):
Theo Nguyễn Hưng/Đời sống Plus/GĐVN