Đến dâng hương tại các chùa chỉ được sắm các lễ chay: hương, hoa tươi, quả chín, oản phẩm, xôi chè… không được sắm sửa lễ mặn chư cỗ tam sinh (trâu, dê, lợn), thịt mồi, gà, giò, chả…
Việc sắm sửa lễ mặn chỉ có thể được chấp nhận nếu như trong khu vực Chùa có thờ tự các vị Thánh, Mẫu và chỉ dâng ở đó mà thôi. Tuyệt đối không được dâng đặt lễ mặn ở khu vực Phật điện (chính diện), tức là nơi thờ tự chính của ngôi Chùa.
Trên hương án của chính điện chỉ được dâng đặt lễ chay, tịnh. Lễ mặn (nhưng thường chỉ đơn giản: gà, giò, chả, rượu, trầu cau…) cũng thường được đặt tại ban thờ hay điện thờ (nếu xây riêng) của Đức Ông - Vị thần cai quản toàn bộ công việc của một ngôi chùa.
Không nên sắm sửa vàng mã, tiền âm phủ để dâng cúng lễ Phật tại chùa. Nếu có sửa lễ này thì chủ đặt ở bàn thờ Thần Linh, Thánh Mẫu hay ở bàn thờ Đức Ông.
Tiền giấy âm phủ hay hàng mã kiêng đặt ở ban thờ Phật, Bồ Tát và cả tiền thật cũng không nên đặt lên hương án của chính điện. Mà tiền, vàng công đức nên để vào hòm công đức đặt tại Chùa.
Hoa tươi lễ Phật là: hoa sen, hoa huệ, hoa mẫu đơn, hoa ngâu… không dùng các loại hoa tạp, hoa dại…
Trước ngày dâng hương lễ Phật ở Chùa cần chay tịnh trong đời sống sinh hoạt ngày thường: ăn chay, kiêng giới, làm việc thiện…
Tại Chùa, cứ đến rằm tháng Bảy thì mọi người sắm sửa lễ vật đến cầu siêu cho ông bà, cha mẹ hay những người đã khuất, thậm chí cho cả cô hồn.
Vào tiết này, sắm thêm lễ vật đặc trưng: đồ hàng mã chế tác theo hình vật dụng thường ngày: mũ, áo, xe cộ… nhưng chớ có sắm sửa các hình nhân thế mạng. Ngoài ra còn có lễ vật cúng chúng sinh: cháo lá đa, ngôi, bánh đa, khoai… Tất cả dâng đặt ở bàn thờ Đức Thánh chứ không đặt ở bàn thờ khác hay ban chính điện.
Riêng với các trường hợp “bán khoán” hay làm lễ “cầu siêu” thì cần phải sắm sửa lễ vật theo chỉ dẫn cụ thể của vị Tăng trụ tại Chùa.
Chú ý gì khi đi lễ Phật?
Thành tâm dâng hương là lễ vật lớn nhất đối với thần phật. Tôn kính, ngưỡng vọng công đức của thần phật đối với chúng sinh, nguyện vì chúng sinh giác ngộ, hướng thiện, tu thân chính đạo... sẽ "hữu cầu tất ứng", không cần sớ tấu, vái lạy hay bất kỳ lễ nghi rườm rà nào khác.
Lễ vật thông thường chỉ dùng hương hoa, phẩm quả. Hoa tươi là biểu thị "nhân", quả là biểu thị thành tựu trong quan niệm "nhân – quả" của đạo Phật.
Sáu lễ vật cúng phật gồm: Hương hoa (mộc), đèn nến (hỏa), phẩm quả (thổ), âm nhạc (lời khấn, kinh phật) thuộc kim, nước (thủy) và lòng thành kính. Nhưng nếu điều kiện không cho phép thì chỉ cần một thứ, trong đó nước là vật phẩm quan trọng nhất, vì đạo Phật coi trí tuệ là vô thượng, là phương tiện quan trọng để chúng sinh thoát khỏi bể khổ.
Nhà phật đề cao đức tín, thể hiện ở sự thành kính; lấy giác ngộ làm mục đích tối thượng nên thủy (nước) là lễ vật lớn nhất. Cúng thần phật chỉ cần chén nước trong và sự thành kính, không mâm cao cỗ đầy.
Theo kinh Phật, muốn cầu cầu phúc, trước hết phải trồng cây phúc đức. Bố thí là nhân, cầu tài cầu phúc là quả. Phúc đức do mình làm ra, chẳng Phật nào cho cả "vận mệnh do mình tạo ra, phúc do mình tự cầu".
Lễ thần phật xin nguyện bỏ điều tham tà thì phúc lộc vô biên. Không tham thì không ai lừa được mình, không tà thì ma quỷ không dám phạm. Quả phúc nhận được là sự bình an mạnh khỏe cả thân thể và tâm hồn.
Vào lễ thắp 3 nén hương là biểu thị "giới-định-tuệ", tức là "tam vô lậu"; đồng thời biểu thị cúng dàng Phật-Pháp-Tăng (tam bảo). Nhưng nếu lễ hội đông đúc, không cần thắp hương, thành tâm niệm phật là đủ.
Nếu điều kiện cho phép (hoặc chọn những ngôi chùa vắng vẻ) thì thắp 3 nén hương. Cắm nén thứ nhất giữa bát hương, tâm niệm "cúng dàng đức Phật, giác ngộ bất mê" bởi Phật là vị chính giác, chính đẳng. Nén thứ hai cắm bên phải (theo tay phải của mình), tâm niệm "cúng dàng Pháp, chính nhi bất tà". Có chính pháp thì tu hành mới có hiệu quả. Nén thứ ba cắm bên trái, tâm niệm "cúng dàng Tăng, tịnh nhi bất nhiễm". Không thể bị ô nhiễm, tham đắm của trần tục.
Cắm hương xong mới ra hành lễ.