Kinh phí hoạt động cho báo chí thiếu rất nhiều
Đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Việt Nga, Phó Trưởng Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Hải Dương cho hay, bà nhận được phản ánh, kinh phí cho hoạt động báo chí còn thiếu rất nhiều.
|
Đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Việt Nga. Ảnh: QH. |
Đặc biệt, việc giao tự chủ cho các cơ quan báo chí khiến các cơ quan báo chí rất loay hoay. Họ vừa phải thực hiện nhiệm vụ chính trị trong công tác tuyên truyền, mặt khác lại vẫn phải gồng gánh trách nhiệm, nghĩa vụ tài chính. Điều đó khiến cho cơ quan báo chí khó khăn, thực hiện nhiệm vụ rất nặng nề.
Theo đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga, đây cũng là một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng một số cơ quan báo chí vì quá mải “chạy theo” cơ chế tự chủ tài chính, nên có phần xao nhãng chuyên môn chính. Thậm chí, đã nảy sinh những tiêu cực liên quan đến việc này, đặc biệt là những chi nhánh, văn phòng đại diện, phóng viên thường trú của những tờ báo nhỏ.
Tất nhiên, không phải là tất cả, nhưng đã có những trường hợp vi phạm pháp luật bị phát hiện, xử lý theo quy định. “Tôi thấy báo chí đưa tin là phóng viên này, phóng viên kia bị khởi tố vì “tống tiền” doanh nghiệp hoặc là “bắt tay” với doanh nghiệp trong hoạt động báo chí, truyền thông để có hành vi tiêu cực, vi phạm pháp luật. Điều này cũng xuất phát một phần từ gánh nặng tài chính mà các tờ báo phải đối mặt. Đấy là áp lực rất lớn”, đại biểu Việt Nga nói.
Để khắc phục tinh trạng này, đại biểu Việt Nga cho rằng cần phải nghiên cứu, rà soát thật kỹ đối với nhiệm vụ chính trị của báo chí. Báo chí là công cụ rất hiệu quả trong công tác tuyên truyền chủ trương, chính sách, pháp luật của Đảng và Nhà nước.
“Vậy nếu chúng ta muốn báo chí phát huy tốt nhất chức năng này của mình thì cũng phải xem xét một cơ chế tài chính thực sự thỏa đáng cho báo chí, tránh trường hợp do cái gánh nặng về tài chính khiến cho báo chí nhiều khi rất loanh quanh”, đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga nêu quan điểm.
Đã đên lúc sửa Luật báo chí
Đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga ho hay, Luật Báo chí được ban hành năm 2016. Từ khi Luật có hiệu lực cho đến nay, chúng ta đã thấy rõ hiệu quả tác động của Luật báo chí.
|
Đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Việt Nga trao đổi với PV Tri thức và Cuộc sống bên lề Quốc hội. |
Có thể nói, sau 6 năm thực hiện, Luật đã góp phần quản lý nhà nước về báo chí một cách tốt hơn và góp phần đẩy nhanh, đẩy mạnh sự phát triển nền báo chí hiện đại của Việt Nam.
Những năm qua, kể từ khi Luật báo chí 2016 có hiệu lực thì bộ mặt báo chí có thay đổi rất đáng kể. So với các ngành nghề khác, báo chí là một trong những lĩnh vực được hiện đại hóa sớm, luôn luôn đi tiên phong trong rất nhiều lĩnh vực. Quản lý nhà nước về báo chí thì ngày càng chặt chẽ, chuyên nghiệp hơn rất là nhiều. Tôi nhận thấy rằng, báo chí hoạt động rất hiệu quả.
Tuy nhiên, trong quá trình thực thi Luật Báo chí 2016 đã bộc lộ một số bất cập, khó khăn.
Lý do là vì, báo chí là loại hình phát triển nhanh, mạnh mẽ. Cùng với sự hiện đại của công nghệ thì báo chí có nhiều bước phát triển vượt bậc. Trong khi đó, có những quy định của Luật Báo chí 2016 mà đến nay không còn phù hợp nữa. Thậm chí, có những loại hình mới ra đời và chúng ta chưa quy định ở trong Luật báo chí thì bây giờ chúng ta cần phải rà soát để sửa đổi cho phù hợp.
Như vậy, việc xem xét sửa đổi Luật Báo chí trong thời điểm hiện nay là cần thiết, để một mặt vừa nâng cao hiệu lực quản lý nhà nước đối với báo chí, một mặt là kịp thời tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc mà báo chí đang gặp phải, nhằm phát triển nền báo chí Việt Nam mạnh mẽ hơn nữa và toàn diện hơn nữa.
Và khi sửa Luật Báo chí. Chúng ta nên tập trung vào một số “điểm mắc”. Điểm mắc thứ nhất là về kinh phí cho hoạt động báo chí.
Đại biểu Nga cũng mong, trong Luật Báo chí sửa đổi phải nhìn nhận rõ vai trò quan trọng cũng trách nhiệm của cơ quan chủ quản các tờ báo. Theo đó, các cơ quan chủ quản phải bố trí được nguồn kinh phí thỏa đáng cho báo chí thực hiện nhiệm vụ chính trị, tuyên truyền chính sách, pháp luật.
Cùng với đó, các cơ quan nhà nước phải dành nguồn kinh phí để “đặt hàng” báo chí. Chúng ta phải đẩy mạnh hơn nữa công tác truyền thông chính sách, pháp luật.
Đặc biệt, cần xây dựng một chương riêng quy định về đạo đức người làm báo. Phải rà soát thật kỹ, quy định rất cụ thể đối với vấn đề này.
“Tuy nhiên, chúng ta cũng phải có một cơ chế thực sự thỏa đáng cho báo chí. Chứ còn nếu như mà vẫn đặt báo chí trước cái cảnh vừa phải lo công tác chuyên môn, vừa phải lo kinh tế - đòi hỏi nhiều phẩm chất như vậy rất là khó”, đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga nói.
Hiện nay, báo chí đang chuyển đổi số mạnh mẽ, Đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga cho hay, cùng với sự phát triển của khoa học kỹ thuật, công nghệ thông tin thì bộ mặt của báo chí, cơ cấu báo chí có sự thay đổi rất đáng kể. Trong đó, có những khái niệm báo chí truyền thống dường như đã trở nên lạc hậu. Thực tế, đã xuất hiện rất nhiều loại hình báo chí mới, các loại hình truyền thông đa phương tiện. Vậy thì chúng ta cũng cần phải xem xét rà soát để sửa đổi Luật cho phù hợp.
Theo đại biểu Việt Nga, chúng ta luôn luôn cần phải rất chú ý tới việc ưu tiên nguồn lực cho báo chí để làm sao tiếp cận nhanh nhất, mạnh mẽ nhất đối với sự phát triển của công nghệ. Bởi nếu như báo chí mà không đi đầu trên nền tảng số thì chắc chắn sẽ kéo theo sự “chậm chạp” và tụt hậu của rất nhiều thứ khác nữa! Cho nên theo tôi, vấn đề về hạ tầng ngành báo và khai thác dữ liệu của báo chí, cần được quan tâm đầu, để báo chí thực sự phát triển hiện đại và đáp ứng được nhu cầu và đòi hỏi cuộc sống hiện nay.
Mời quý độc giả xem video: Đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga (Hải Dương) trao đổi với PV Tri thức và Cuộc sống bên hành lang Quốc hội về việc dùng điểm Văn xét tuyển ngành Y. Video do PV Tri thức và Cuộc sống thực hiện.
Mai Loan