Định học kinh tế để làm giàu, nhưng rồi lại theo nghề giáo
Được biết, sau khi tốt nghiệp loại giỏi Trường Đại học Quốc gia Hà Nội, trúng tuyển vào một công ty nước ngoài với mức lương cao, nhưng rồi, bà lại chọn trở về trường làng dạy học. Cơ duyên nào đã khiến bà chọn theo nghề giáo, thưa đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Hà?
|
Đại biểu Quốc hội, cô giáo Nguyễn Thị Hà chia sẻ, chỉ cần được hiểu đúng cho những nỗ lực đang làm, là giáo viên đã cảm thấy vui, hạnh phúc. |
Việc tôi lựa chọn theo nghề giáo tựa như một cái duyên. Bởi gia đình tôi thuộc diện tương đối khó khăn, khi xác định ngành nghề, tôi đã nung nấu ý định học Kinh tế để sau này đỡ đần cho gia đình thoát nghèo. Đến khi làm hồ sơ tuyển sinh vào đại học, lựa chọn đầu tiên của tôi cũng vẫn là Kinh tế. Tôi luôn nghĩ rằng, nếu theo Kinh tế, chắc chắn tôi sẽ làm giàu được cho gia đình, cho xã hội.
Nhưng rồi, khi lắng lại tâm trí, tôi chợt nghĩ về 12 năm đèn sách đã qua, tôi may mắn gặp được những người thầy, người cô tâm huyết với nghề, yêu thương học trò hết mực. Nhờ có sự giúp đỡ của thầy cô mà tôi mới có thể học hành, có được những gì như ngày hôm nay.
Tôi tự hỏi, nếu tôi không theo nghề giáo, thì ai sẽ là người giúp đỡ những học trò nghèo như mình năm xưa? Có thể nói, chính tấm gương của những người thầy, người cô đã là động lực để tôi quyết định chọn theo học ngành Sư phạm,
Sau đó, trong quá trình học đại học, tôi bắt đầu đi dạy gia sư, rồi dạy ở các trung tâm. Tôi thấy từ các em bé rất rất nhỏ đến những người lớn, rồi cả những người đã lớn tuổi đều có một khao khát đối với việc học, học tiếng Anh một cách say mê. Chính điều đó, càng bồi dưỡng cho tôi tình yêu với nghề giáo và quyết định sẽ không theo một nghề nào khác ngoài dạy học, đem lại kiến thức cho mọi người.
Đã có rất nhiều thầy cô giáo phải bỏ nghề vì mức lương thấp hoặc những áp ực khác, cho đến thời điểm này, bà có còn giữ được ngọn lửa, tình yêu đối với nghề không?
Thi thoảng nghe những tin về những chuyện tiêu cực, không đẹp của đồng nghiệp, rồi những đánh giá không đầy đủ, toàn diện của xã hội về nghề của mình, tôi thấy rất buồn và cũng có lúc tinh thần bị chùng xuống. Nhưng cho đến thời điểm này, tôi vẫn còn giữ được tình yêu, nhiệt huyết với nghề.
Nguồn động lực này đến từ những học sinh, phụ huynh của tôi. Có rất nhiều phụ huynh, sau khi con lớn ra trường, đã tiếp tục xin cho con nhỏ theo học tôi. Phụ huynh thường gọi điện xin tham khảo ý kiến tôi về nhiều vấn đề, ngay cả khi con không theo học tôi nữa.
Hoặc học trò cũ, dù ở cách xa, nhưng vẫn giữ mối liên lạc với cô, trò chuyện, chia sẻ những vui buồn, nhờ cô tư vấn… Thực sự, đến giờ, tôi vẫn có thể yêu được nghề là nhờ những sợi dây tình cảm như thế.
Nhưng để có được tình cảm từ học trò như vậy, người giáo viên hẳn cũng rất tuyệt vời. Theo bà, để theo nghề giáo, đâu là yếu tố quan trọng nhất?
Theo tôi, giáo viên phải là người truyền cảm hứng. Và để có được điều đó, thì đầu tiên, giáo viên phải là người có tâm với nghề. Nếu một giáo viên xác định mỗi ngày lên lớp chỉ dạy cho hết tiết, rồi cuối tháng lĩnh lương, học trò sẽ cảm nhận được ngay, và chắc chắn, không thể truyền được cảm hứng cho các em.
Cùng với sự nhiệt huyết, kiến thức chuyên môn cũng rất quan trọng. Những kiến thức này không chỉ học trong trường lớp, mà ở quá trình dạy học, tích lũy, học hỏi mỗi ngày. Nếu cô giáo có nhiệt huyết nhưng không có chuyên môn vững vàng, thì không thể khiến học trò nể phục, tin tưởng được.
Cần nhanh chóng tăng lương cho giáo viên và nhân viên trường học
Thời qian vừa qua, đã có nhiều thầy cô viết đơn xin nghỉ việc vì lương thấp. Bà có suy nghĩ gì trước những câu chuyện như vậy? Có phải, khi lương không đủ sống thì cũng khó nuôi dưỡng được tình yêu với nghề?
Tôi nghĩ, khi đã lựa chọn theo nghề giáo thì các đồng nghiệp cũng đều giống như tôi, có tình yêu với nghề. Tuy nhiên, bên cạnh đó, chế độ, phụ cấp là vấn đề rất quan trọng bởi nó chi phối cuộc sống hằng ngày. Nếu một người đi làm mà mức lương không đáp ứng được những nhu cầu cơ bản của bản thân, gia đình thì sẽ rất khó chuyên tâm được vào công việc, nuôi dưỡng tình yêu với nghề, đặc biệt ở lĩnh vực có nhiều áp lực, khó khăn như nghề giáo.
Nghe những câu chuyện đồng nghiệp viết đơn xin nghỉ việc vì lương, tôi thấy rất đau xót. Vì vậy, tôi rất ghi nhận và đánh giá cao đề xuất của Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn về việc tăng phụ cấp cho giáo viên. Tôi mong việc này sẽ được thực hiện sớm, vừa để các thầy cô yên tâm công tác, ở lại được với nghề, vừa để thu hút được những người giỏi vào sư phạm. Muốn nâng cao chất lượng giáo dục, theo tôi, điều đầu tiên phải có giáo viên giỏi.
Trong những ý kiến cử tri gửi tới bà, các giáo viên thường trăn trở về điều gì nhiều nhất?
Liên quan đến giáo dục, những gửi gắm tôi nhận được nhiều nhất từ phía cử tri, đó là về chính sách tiền lương cho giáo viên. Ngoài ra, là cho nhân viên trường học.
Thường nhắc tới chính sách lương trong giáo dục, mọi người chỉ nghĩ tới giáo viên. Nhưng trong trường học cũng còn có nhân viên. Những nhân viên này cũng đóng góp cho việc nâng cao chất lượng giảng dạy, chất lượng học sinh, nhà trường. Họ cũng làm việc 8 tiếng như một công chức, viên chức, thế nhưng, mức phụ cấp của họ hiện nay lại khá thấp so với những vị trí tương tự.
Một điều trăn trở nữa mà các thầy cô gửi tới tôi, đó là làm sao đảm bảo đời sống tinh thần cho giáo viên, xã hội có cái nhìn thông cảm, sẻ chia với ngành giáo dục, nhìn nhận đúng về vai trò thầy cô giáo.
Chỉ cần được hiểu đúng những nỗ lực, thầy cô đã rất vui
“Nhất tự vi sư, bán tự vi sư” – một chữ là thầy, nửa chữ cũng là thầy, quan niệm xưa giờ đã có nhiều thay đổi, trong đó có yếu tố thị trường, coi việc học như sự bán mua. Vậy cách nhìn đúng về vai trò, vị thế người thầy, theo bà là như thế nào?
|
Những học trò cũ về thăm cô giáo Nguyễn Thị Hà ngày hôm qua (19/11). Ảnh: NVCC. |
Hiện nay, tôi biết có nhiều phụ huynh quan niệm rằng, chỉ cần bỏ tiền ra, thì sẽ mua được kiến thức. Việc học tựa như trao đổi, mua bán tri thức. Điều đó khiến tôi cảm thấy buồn và chạnh lòng. Bởi tôi cho rằng, thầy cô không chỉ là người truyền thụ kiến thức cho học trò, mà còn dạy cho các em làm người, truyền cho các em tình yêu gia đình, yêu quê hương, đất nước… Những điều đó không thể mua bán được bằng tiền, và mối quan hệ thầy trò không thể là quan hệ mua bán sòng phẳng.
Tôi mong xã hội hiểu đúng về vai trò của thầy cô giáo, không phải là số 1, hay không thể thay thế được, mà chỉ là được hiểu đúng cho những nỗ lực mà chúng tôi đang làm. Chỉ cần như vậy thôi là thầy cô đã cảm thấy vui lắm rồi.
Việc đồng thời là một đại biểu Quốc hội, cuộc sống, công việc giảng dạy của bà có thay đổi, xáo trộn gì không?
Đang là một giáo viên, khi vào nghị trường là một môi trường hoàn toàn khác, với những nhiệm vụ hoàn toàn mới mẻ, nên lúc đầu tôi cũng có những khó khăn. Nhưng nhờ có sự giúp đỡ, hỗ trợ từ mọi người, mà giờ tôi đã tự tin rất nhiều.
Về công việc giảng dạy cũng có những xáo trộn. Có thể nói, từ trước đến nay, tôi chưa bao giờ xa học sinh lâu đến 4-5 tuần như thế khi đi họp Quốc hội. Lúc đầu tôi rất lo lắng, không biết mình đi thế này các em sẽ học thế nào, có bị ảnh hưởng nhiều không? May mắn, tôi được nhà trường quan tâm, tạo điều kiện cho 1 giáo viên khác dạy thay trong thời gian tôi đi vắng.
Nhưng tôi vẫn trao đổi online với trò thường xuyên để nắm bắt được những khó khăn của trò, kịp thời hỗ trợ.
Ngày Nhà giáo Việt Nam, bà có muốn gửi lời nhắn nhủ gì tới các đồng nghiệp? Tôi cảm nhận được sự xúc động của bà trong những chia sẻ.
Mỗi khi nói về nghề của mình, tôi đều cảm thấy rất xúc động. Nhân Ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11, tôi mong các thầy cô, đồng nghiệp sẽ vượt qua được những khó khăn, áp lực để giữ được tình yêu với nghề. Luôn trau dồi về chuyên môn, tu dưỡng đạo đức để xây dựng hình ảnh người giáo viên luôn đẹp, và được xã hội ghi nhận đúng.
Trân trọng cảm ơn bà!
Cô giáo Nguyễn Thị Hà hiện là giáo viên Trường THPT Lương Tài, Bắc Ninh. Cô được đánh giá là một giáo viên trẻ, nhiệt huyết, cống hiến, “dám nói, dám làm”. Trúng cử đại biểu Quốc hội khóa XV, đại biểu Hà chia sẻ, mong muốn lớn nhất là mang được tiếng nói của các cử tri của ngành giáo dục đến với nghị trường. Ngoài ra, còn là tiếng nói của thanh thiếu niên, phụ nữ - những lĩnh vực mà đại biểu Hà tham gia, phụ trách.
Mời quý độc giả xem video: Đại biểu Quốc hội, cô giáo Nguyễn Thị Hà gửi lời chúc tới các đồng nghiệp nhân Ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11. Video do PV Tri thức và Cuộc sống thực hiện.
Mai Loan (thưc hiện)