Xuất hiện lần đầu trong tiểu thuyết Anh hùng xạ điêu và tiếp theo là Thần điêu đại hiệp của cố nhà văn Kim Dung, Hồng Thất Công là bang chủ đời thứ mười tám của Cái Bang, biệt hiệu Cửu Chỉ Thần Cái. Là nhân vật võ lâm tuyệt đỉnh được liệt vào bậc đại tông sư võ học với hai môn tuyệt học nổi danh là Hàng long thập bát chưởng và Đả cẩu bổng pháp.
Tại Hoa Sơn luận kiếm lần thứ nhất Hồng Thất Công trở thành một trong Thiên hạ ngũ bá (năm người có võ công mạnh nhất bấy giờ), được võ lâm xưng tụng là Bắc Cái cùng Đông Tà Hoàng Dược Sư, Nam Đế Đoàn Trí Hưng, Tây Độc Âu Dương Phong và Trung Thần Thông Vương Trùng Dương.
Cùng với võ công cái thế, nhân phẩm cũng như tính cách của Hồng Thất Công cũng góp phần quan trọng làm nên thanh danh vang dội của Bắc Cái lừng lẫy Trung Nguyên. Ghét cái ác, một đời hành hiệp trượng nghĩa, hành xử công bằng, chính trực, chưa bao giờ lạm sát một người vô tội, Hồng Thất Công chính là một trong những mẫu đại hiệp hoàn hảo. Tuy nhiên, bản thân ông lại là một anh hùng không hề hoàn hảo.
Cái không hoàn hảo ấy được thể hiện ngay ở bàn tay của Hồng Thất Công. Bàn tay của ông chỉ có 9 ngón, bởi một ngón tay đã bị chặt đứt rời trong cơn tức giận. Hồng Thất Công lý giải: “Hễ ngón tay trỏ máy động, nhất định sẽ được ăn ngon”.
Và cũng bởi ham ăn ngon, ông đã vô tình khiến một huynh đệ sinh tử của mình chết thảm vì không tới kịp. Hối hận và giận dữ, Hồng Thất Công đã rút đao chém phăng ngón tay đó. Có điều, ngón tay dù đã đứt, tật ham ăn của bang chủ Cái Bang vẫn không sao bỏ được.
Chính Hồng Thất Công cũng tự nhận đó là thói xấu nhất của mình. Cứ nhìn thấy của ngon vật lạ, ông lập tức quên hết mọi sự trên đời. Thậm chí, tới thể diện của một đại cao thủ võ lâm ông cũng gạt phăng sang một bên, như khi nhìn thấy con gà nướng bùn của Hoàng Dung làm cho Quách Tĩnh. Vị bang chúa Cái Bang khi đó mắt nhìn trân trân vào con gà, cổ họng giật giật, nước dãi ứa ra, bộ dạng như thể sắp lao vào cướp vậy.
Cũng vì cái tật ham ăn đặc biệt của mình, Hồng Thất Công đã bị Hoàng Dung dụ bằng những món ăn ngon nên ông đã truyền lại Hàng long thập bát chưởng lại cho Quách Tĩnh nhưng chỉ truyền 15 chiêu (nếu truyền hết thì Quách Tĩnh sẽ là đệ tử của ông) và dạy quyền pháp Tiêu dao du cho Hoàng Dung, nhưng ông không cho phép hai người gọi ông là sư phụ. Hoàng Dung còn được Hồng Thất Công truyền thụ thủ pháp Mãn thiên hoa vũ để đối phó với đàn độc xà của Âu Dương Khắc, cháu của Tây Độc Âu Dương Phong.
Nên nhớ lúc đó, họ hoàn toàn chỉ là bèo nước gặp nhau, kể cả khi biết Hoàng Dung là con gái của Hoàng Dược Sư thì đối với Hồng Thất Công, cô chẳng qua cũng chỉ là con của một vị bằng hữu mà thôi. Vậy mà ông dám đem 15 chiêu chưởng pháp vô địch thiên hạ ấy truyền thụ cho Quách Tĩnh, chỉ để đổi lại được thưởng thức những món ngon vật lạ trên đời, đủ để thấy cái tật ham ăn của Hồng Thất Công lớn tới đâu?
Thói tham ăn uống khó tin của Hồng Thất Công có thể khiến nhiều người cười thầm, thậm chí mỉa mai sau lưng lão, nhưng nhân cách và khí phách của Bắc Cái lại hoàn toàn trái ngược. Bỏ qua tật xấu gần như duy nhất của ông, người ta thấy hiển hiện sừng sững một vị đại hiệp quân tử, nhân nghĩa và trung hậu. Ngay cả khi đối mặt với kẻ thù, tinh thần võ hiệp cao thượng vẫn được ông đề cao hơn cả. Dù bị Âu Dương Phong hại khiến ông phải gặp nạn giữa biển khơi, nhưng sau này khi Âu Dương Phong gặp nạn, Hồng Thất Công vẫn ra tay cứu giúp, mặc cho Hoàng Dung vô cùng bất mãn.
Đến bộ tiểu thuyết Thần điêu đại hiệp, Hồng Thất Công và Âu Dương Phong vô tình gặp lại nhau tại Hoa Sơn và quyết đấu một trận sinh tử, một mất một còn. Đọ sức liên tục trong nhiều ngày ở Hoa Sơn, từ đấu quyền cước, đến so tài nội công. Cuối cùng, khi cả hai đều bị trọng thương, họ quay ra đấu chiêu thức. Bắc Cái Hồng Thất Công truyền khẩu quyết Đả cẩu bổng pháp cho Dương Quá thi triển, còn Tây Độc Âu Dương Phong sẽ hóa giải. Sau khi hóa giải được chiêu thứ 36 - Thiên hạ vô cẩu, Âu Dương Phong đã được Hồng Thất Công ôm choàng vì nể phục. Sau đó Âu Dương Phong nhớ lại và nhận ra Hồng Thất Công, hai vị tiền bối ôm nhau cười cho đến chết.
Có thể giữa hai người họ luôn có những ân oán không thể nào xóa được. Nhưng đến cuối đời, Hồng Thất Công và Âu Dương Phong cũng đã sống đúng với bản chất của những vị tôn sư võ học, đánh một trận đường đường chính chính để rồi có thể cười sảng khoái mà ra đi.
Theo Quốc Tiệp/Người Đưa Tin