Gia tộc Mông Cổ Bột Nhi Chỉ Cân (Borjigin), được biết đến nhiều nhất dưới thời Thành Cát Tư Hãn. Kể từ khi bị nhà Minh đánh bật khỏi Trung Nguyên, gia tộc Bột Nhi Chỉ Cân lui về cai trị vùng Đông Mông Cổ, quyền lực được chia đều cho nhiều bộ lạc. Trong khi đó, người Oirat ở Tây Mông Cổ luôn tạo ra mối đe dọa.
Năm 1464, Bạt Đô Mông Kha chào đời, là người bộ lạc Bolkhu, là dòng dõi trực hệ của Thành Cát Tư Hãn trong gia tộc Bột Nhi Chỉ Cân. Bạt Đô Mông Kha trải qua nhiều biến cố cuộc đời ngay từ nhỏ, khi bộ lạc bị người Oirat tàn sát, gia đình ly tán.
Để cứu mạng Bạt Đô Mông Kha, người mẹ giao ông cho một gia đình người Mông Cổ bình thường nuôi dưỡng. Vì mang trong mình dòng máu của Thành Cát Tư Hãn, ông được một nhóm người Mông Cổ chăm sóc chu đáo.
Thống nhất các bộ lạc Mông Cổ
Sau cái chết của người chú Manduul Khan, Bạt Đô Mông Kha lúc đó 5 tuổi được góa phụ của chú là Mandukhai Khatun (1438–1478) nhận nuôi. Vì Bạt Đô Mông Kha mang trong mình dòng máu trực hệ của Thành Cát Tư Hãn, Mandukhai đưa ông lên làm thủ lĩnh, gọi là Đạt Diên Hãn.
Ở tuổi 19, Đạt Diên Hãn chính thức làm lễ cưới với Mandukhai, dù cả hai chênh lệch tới 26 tuổi. Đạt Diên Hãn đi đến đâu, thu phục được những bộ lạc từng thuộc phe Đông Mông Cổ (nhà Hậu Nguyên) đến đó.
Ở thời điểm đó, người Oirat đã nhiều lần đánh bại Mandukhai, chiếm được vùng đất rộng lớn ở Đông Mông Cổ.
Năm 1483, Bạt Đô Mông Kha cùng Mandukhai dẫn quân đối đầu với thủ lĩnh của người Oirat là Ismayil Taishi, giải cứu được mẹ mình.
Nhờ năng lực quân sự phi thường và tầm ảnh hưởng sâu rộng, Đạt Diên Hãn kêu gọi được một đội quân hùng hậu, đánh tan phe Tây Mông Cổ, buộc 4 bộ lạc người Oirat phải thần phục.
Theo giáo sư John Krueger, người có nhiều năm nghiên cứu về lịch sử các bộ lạc Mông Cổ, Đạt Diên Hãn là người đầu tiên thống nhất các bộ lạc ở thảo nguyên Mông Cổ kể từ khi gia tộc Bột Nhi Chỉ Cân bị nhà Minh đánh bật khỏi Trung Nguyên.
Đạt Diên Hãn tự phong mình là Đại Hãn của nhà Đại Nguyên, tiếp nối triều đại nhà Nguyên, khởi đầu là Nguyên Thái Tổ Thành Cát Tư Hãn.
Dưới triều đại của Đạt Diên Hãn, người Mông Cổ đạt đến trình độ tổ chức mới. Đạt Diên Hãn chủ trương duy trì mối quan hệ hòa bình với hoàng đế Minh Vũ Tông, nhưng không chấp nhận thần phục.
Sứ giả Mông Cổ đến Bắc Kinh yêu cầu nhà Minh mở cửa giao thương liền bị sát hại. Kể từ đó, Đạt Diên Hãn chủ trương phát động chiến tranh.
Năm 1513, sau khi dẹp loạn do 3 bộ lạc cánh hữu gây ra, Đạt Diên Hãn toàn tâm toàn ý mở chiến dịch xâm lược Trung Hoa.
Sau khi chiếm được Tuyên Hóa và Đại Đồng, ông cho xây dựng pháo đài kiên cố, duy trì lực lượng kỵ binh tinh nhuệ gồm 15.000 người ở tiền tuyến.
Trận chiến kỳ lạ nhất lịch sử nhà Minh
Năm 1517, Đạt Diên Hãn thống lĩnh 7 vạn quân, đánh sâu vào đến ngoại ô Bắc Kinh, buộc hoàng đế Minh Vũ Tông phải đem quân triều đình nghênh chiến. Sử sách Trung Hoa gọi sự kiện này là Ứng Châu đại tiệp.
Theo Minh Sử, lực lượng hai phe ước tính lên tới 10 vạn người. Trận quyết chiến diễn ra suốt 5 ngày với kết cục Đạt Diên Hãn buộc phải rút lui.
Nhưng điều kì lạ là thiệt hại của cả hai phe được Minh Sử thống kê chỉ là 68 người chết và 563 người bị thương, trong đó quân Mông Cổ chỉ tổn thất 16 người, theo Toutiao. Con số thương vong này giống như giao tranh trong thời hiện đại hơn là giai đoạn các chiến binh vẫn còn sử dụng đao, kiếm.
Toutiao đưa 3 cách giải thích cho trận chiến kỳ lạ nhất lịch sử nhà Minh trên. Minh Vũ Tông nổi danh trong lịch sử là hoàng đế hoang dâm, có những sở thích quái lạ nên không được các sử gia đánh giá cao. Chiến công của hoàng đế nhà Minh có thể vì vậy mà bị đánh giá thấp.
Lý do thứ hai là không có quan văn nào tháp tùng đội quân của Minh Vũ Tông nghênh chiến Đạt Diên Hãn, vì đại bộ phận quan lại lúc bấy giờ phản đối chiến tranh.
Khi hoàng đế chiến thắng trở về, cho người kể lại diễn biến thì các quan văn không ai tin, dẫn đến thông tin về kết cục trận đánh có phần mâu thuẫn, không chính xác.
Một cuộc kịch chiến có sự tham gia của 10 vạn người nhưng cuối cùng chỉ 68 người chết là điều rất khó tin, theo Toutiao.
Thứ ba, Minh Sử là sách lịch sử kể về triều đại nhà Minh do người Mãn biên soạn, với ít nhiều các thông tin có phần không công bằng với các hoàng đế nhà Minh, đặc biệt là Minh Vũ Tông. Sự thật cuộc quyết chiến năm 1517 diễn ra như thế nào đến nay vẫn là một bí ẩn.
Về phần Đạt Diên Hãn, tuy không mở rộng được bờ cõi như các bậc tiền bối, ông là người đặt nền móng để các hậu duệ sau này không ngừng uy hiếp Trung Hoa.
Lãnh thổ Đạt Diên Hãn kiểm soát được lúc bây giờ trải dài từ lãnh nguyên Siberia và hồ Baikal ở phía bắc, qua dãy núi Altai ở phía tây, đến Mãn Châu ở phía đông và phía nam tới Ordos (nay là khu tự trị Nội Mông, Trung Quốc).
Theo Đăng Nguyễn/Khám Phá