Trung tâm Bảo tồn Di sản Thăng Long Hà Nội là nơi lưu giữ hàng trăm hiện vật quý giá với bề dày lịch sử hàng nghìn năm. Nổi bật hơn cả là những hiện vật được ghi nhận là bảo vật quốc gia. Có thể nói, Hoàng Thành Thăng Long là nơi lưu giữ nhiều bảo vật quốc gia nhất ở Hà Nội. Cứ mỗi sau đợt khai quật, các nhà khảo cổ học lại có trong tay những cổ vật giá trị của nhiều tầng văn hoá khác nhau, làm căn cứ để giải đáp những bí ẩn kéo dài hàng nghìn năm.
Gần đây, có thêm một nhóm 4 cổ vật được ghi nhận là bảo vật quốc gia, đó là: lá đề trang trí chiêm phượng đất nung thời Lý, thẻ bài cung nữ ra vào thời Lê Sơ, mô hình kiến trúc thời Lê Sơ và đặc biệt là chiếc đao cẩn tam khí.
Đao cẩn tam khí và sự tinh xảo trong hoa văn
Đao cẩn tam khí được phát lộ ở một hố khai quật tại Hoàng thành Thăng Long vào năm 2002. Đao được tìm thấy trong một lớp đấy, lấp lòng hồ thời Trần. Cũng trong lớp đất này có chứa nhiều hiện vật có niên đại thời Lý, thời Trần khác nhau. Phần lớn các hiện vật là phần trang trí kiến trúc, tiêu biểu nhất là tượng đầu rồng thời Lý có kích thước lớn nhất hiện biết. Khu vực này cũng là nơi tìm thấy nhiều di vật niên đại khác.
Hình dáng của đao cẩn tam khí hiện nay là nguyên bản khi phát hiện từ hố khai quật. Cấn đao chỉ còn phần lõi, phần chuôi bọc gỗ, chuốt chuôi và miếng chắn đã bị mất. Thân bị bẻ gập thành hai phần, phần đầu bị bẻ cong, bề mặt đao bị oxy hoá nhẹ.
Sau đó, niên đại của đao đã được xác định nhờ hoa văn, hoạ tiết trên thân đao. Đó là những hoạ tiết hình cánh sen, hình người và đặc biệt là hoạ tiết văn mây hình khánh - loại hình văn mây điển hình của thời Lý - Trần. Cộng với sự tham khảo địa tầng phát lộ đao, các nhà khảo cổ cho rằng niên đại của đao là thời Trần, thế kỷ XIV. Hoa văn trang trí trên đao đặc biệt tinh xảo với nhiều đồ án khác nhau được nhắc lại ở hai mặt, tạo cảm giác hai mặt như một.
Hoa văn có thể được chia làm ba phần, trong đó từ thân đao đến mũi đao là phức tạp nhất với nhiều đồ án. Trong số này có đồ án hình người được thể hiện ở tư thế nhảy múa, hai tay nâng cao trên đầu như đang nâng đỡ vật gì.
Kỹ thuật cẩn tam khí
Thực tế, khi mới phát lộ, cổ vật này được gọi là kiếm nhưng gần đây mới được xác định là đao. Khi mới phát hiện, cổ vật bị bẻ gập, khó xác định hình dáng nguyên dạng nên bị nhầm lẫn là loại kiếm cong. Để làm rõ nét hình dáng cổ vật, các nhà khoa học đã phục dựng hình ảnh 3D. Qua những hình ảnh này, ta có thể khẳng định đây không phải là kiếm, mà là đao, loại thủ đao hoặc đao đơn thủ bản hẹp.
Song, không dừng lại ở hình ảnh phục dựng, các nhà nghiên cứu tiếp tục tra cứu trong tư liệu lịch sử. Theo phân tích, hiện vật ở Hoàng thành Thăng Long ứng với loại đao, tức có một lưỡi sắc và tay cầm ngắn như kiếm. Những phân tích cho thấy trình độ phát triển cao của kỹ thuật rèn thời Trần. Họ đã rèn được sắt với mức độ tinh khiết rất cao.
Như vậy, thanh đao này đã được các nghệ nhân xưa áp dụng kỹ thuật cẩn tam khí. Kỹ thuật được đánh giá là tuyệt tác với những nét khảm nhỏ, mảnh và sâu. Nó cho thấy cả khả năng thẩm mỹ lẫn trình độ, sự khéo léo của người thợ. Đây là một kỹ thuật rất khó. Thanh đao đã thể hiện được là người xưa đã làm chủ được kỹ thuật này.
Xác định niên đại cho đao cẩn tam khí
Đối với các nhà khảo cổ học, việc xác định niên đại của cổ vật phát hiện trong Hoàng thành Thăng long là bài toán khá nan giải vì nơi đây chứa đựng nhiều tầng văn hoá khác nhau qua các triều đại. Nếu cây đao thuộc về thời Trần thì kết luận này sẽ làm thay đổi nhận thức về sự phát triển của kỹ nghệ luyện kim của Việt Nam thời cổ trung đại.
Đao cẩn tam khí này là một trong số rất hiếm binh khí thời Trần đến nay đã biết. Trong lịch sử Đại Việt, nhà Trần được coi là có lực lượng quân đội mạnh, ba lần chiến thắng giặc ngoại xâm. Chiến thắng trước đối thủ lớn là nhờ tài năng của tướng, lính, sự đoàn kết trên dưới một lòng. Tuy nhiên, để có chiến thắng như vậy, một điều vô cùng quan trọng là binh khí. Đao cẩn tam khí ở Hoàng thành Thăng Long là minh chứng cho thấy trình độ và kỹ thuật trong sản xuất binh khí của nhà Trần.
Theo VTV